Theo thống kê, có đến 5-20% dân số mắc phải hội chứng ruột kích thích (IBS). Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy hội chứng ruột kích thích là gì, nguyên nhân do đâu, làm thế nào khắc phục? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn qua bài viết dưới đây.
Mục lục
- 1. Hội chứng ruột kích thích là gì?
- 2. Triệu chứng hội chứng ruột kích thích
- 3. Phân loại bệnh hội chứng ruột kích thích theo mức độ
- 4. Nguyên nhân Hội chứng ruột kích thích
- 5. Hội chứng ruột kích thích thường gặp ở đối tượng nào?
- 6. Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích
- 7. Hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không?
- 8. Điều trị hội chứng ruột kích thích
- 9. Giải đáp một số thắc mắc về Hội chứng ruột kích thích
1. Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích (Irritable Bowel Syndrome – IBS) là tình trạng rối loạn chức năng ruột, tái đi tái lại nhiều lần. Tuy nhiên, khi người bệnh đi khám đều không tìm thấy bất kỳ tổn thương nào ở ruột.
Hội chứng ruột kích thích còn được gọi là bệnh đại tràng co thắt, viêm đại tràng chức năng. Người bệnh mắc hội chứng ruột kích thích thường xuyên gặp các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
2. Triệu chứng hội chứng ruột kích thích
Các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích thường không đặc trưng và khác nhau tùy người bệnh. Các triệu chứng phổ biến là:
- Đau bụng: Thường đau dọc khung đại tràng, đau tăng nhiều sau khi ăn, đôi khi chưa kịp ăn xong đã có cảm giác đau. Ngoài ra, có thể nổi cục cứng ở bụng dưới bên trái, nhất là khi ăn phải đồ ăn lạ.
- Chướng bụng, đầy hơi
- Đại tiện nhiều lần, nhưng luôn có cảm giác chưa đi hết phân. Phân thường “đầu rắn, đuôi nát”.
- Rối loạn tiêu hóa: Tiêu chảy hoặc táo bón thất thường
- Có chất nhầy trong phân.
Đối với hầu hết các trường hợp, hội chứng ruột kích thích không điều trị được dứt điểm. Các triệu chứng thường diễn biến nặng hơn, tuy nhiên một số trường hợp người bệnh có thể kiểm soát và cải thiện nếu được chăm sóc hợp lý.
>>> Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết hội chứng ruột kích thích chính xác nhất
3. Phân loại bệnh hội chứng ruột kích thích theo mức độ
Theo GI – MIMS 2005 – 2006, hội chứng ruột kích thích được phân thành 3 mức độ
3.1. Mức độ nhẹ
- Triệu chứng không thường xuyên.
- Ít rối loạn tâm lý.
- Điều trị: Giáo dục về bệnh, thay đổi chế độ ăn.
3.2. Mức độ trung bình
- Triệu chứng thường xuyên, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường.
- Ảnh hưởng đến tâm lý.
- Triệu chứng nặng lên.
- Điều trị: Thay đổi chế độ ăn, lối sinh hoạt, liệu pháp tâm lý và dùng thuốc kiểm soát triệu chứng.
3.3. Mức độ nặng
- Đau bụng thường xuyên.
- Rối loạn tâm thần.
- Điều trị: Như mức độ trung bình kết hợp với thuốc an thần hoặc thuốc tâm thần
Tổng kết lại:
4. Nguyên nhân Hội chứng ruột kích thích
Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng hội chứng này có thể do nhiều yếu tố gây ra.
- Rối loạn co thắt cơ trong ruột: Lớp cơ trong ruột có khả năng co bóp và thư giãn nhịp nhàng trong quá trình vận chuyển thức ăn từ dạ dày qua ruột đến trực tràng. Khi mắc hội chứng ruột kích thích, các cơ bị rối loạn co thắt. Khi co thắt mạnh hơn và kéo dài, người bệnh có triệu chứng đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy. Ngược lại, khi cơ co thắt đường ruột yếu, quá trình vận chuyển thức ăn diễn ra chậm làm cho phân trở nên cứng và khô.
- Rối loạn chức năng trục não – ruột: Ở người bình thường, trục não-ruột truyền tín hiệu từ não đến đường tiêu hóa, điều hòa ruột nhu động, bài tiết nhịp nhàng. Tuy nhiên, ở người bệnh hội chứng ruột kích thích, chức năng trục não ruột bị rối loạn dẫn đến phối hợp kém hiệu quả, nhu động ruột thay đổi thất thường gây ra tình trạng đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón.
- Rối loạn điều hòa serotonin: Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh, được tìm thấy 80% ở ruột và có vai trò điều hòa nhu động ruột. Rối loạn điều hòa serotonin dẫn đến thay đổi nồng độ serotonin, gây ảnh hưởng đến nhu động ruột cũng như sự bài tiết phân trong hội chứng ruột kích thích. Bên cạnh đó, serotonin cũng tác động đến tâm lý, gây căng thẳng, stress và gián tiếp thúc đẩy hội chứng ruột kích thích.
Một số yếu tố nguy cơ
Các yếu tố làm khởi phát hội chứng ruột kích thích bao gồm:
- Mất cân bằng vi sinh đường ruột: Sự gia tăng hại khuẩn, giảm lợi khuẩn làm mất đi lớp bảo vệ niêm mạc ruột, tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại tấn công niêm mạc.
- Nhiễm trùng nặng: Đợt nhiễm khuẩn, nhiễm trùng nặng như tiêu chảy nhiễm trùng cấp tính (viêm dạ dày ruột), nếu không được điều trị triệt để cũng có thể gây ra hội chứng ruột kích thích
- Căng thẳng, stress: Căng thẳng stress gây ảnh hưởng đến thần kinh, gián tiếp tác động lên trục não – ruột và làm khởi phát hội chứng ruột kích thích.
- Nội tiết tố: Phụ nữ có khả năng mắc hội chứng ruột kích thích cao gấp hai lần. Vì vậy, người ta cho rằng thay đổi nội tiết tố có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích.
5. Hội chứng ruột kích thích thường gặp ở đối tượng nào?
Các đối tượng có nguy cơ cao mắc hội chứng ruột kích thích bao gồm:
- Người dưới 45 tuổi.
- Người có tiền sử gia đình mắc các bệnh về đường ruột.
- Người thường xuyên lo âu, trầm cảm hoặc trong trạng thái tinh thần không ổn định.
- Nữ giới có khả năng mắc hội chứng ruột kích thích cao hơn nam giới hai lần.
Ngày nay, hội chứng ruột kích thích ở trẻ em ngày càng trở nên phổ biến. Áp lực học tập, ít được vui chơi giải trí dẫn đến căng thẳng kéo dài có thể là nguyên nhân dẫn đến hội chứng ruột kích thích ở những đối tượng này.
6. Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích
Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích phần lớn dựa vào bệnh sử và thăm khám lâm sàng. Do có triệu chứng gần giống nhau nên hội chứng ruột kích thích dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh: Không dung nạp lactose, viêm ruột, viêm đại tràng, bệnh celiac hay viêm loét đại trực tràng.
Tiêu chuẩn chẩn đoán:
Vì không có những bằng chứng thực thể để chẩn đoán chính xác IBS nên việc chẩn đoán là một quá trình loại trừ các bệnh lý khác. Hai bộ tiêu chuẩn để chẩn đoán IBS:
- Tiêu chuẩn Rome: Triệu chứng quan trọng nhất là tình trạng đau bụng và khó chịu phải kéo dài ít nhất 3 ngày/tháng và trong ba tháng vừa qua, kết hợp với từ hai triệu chứng sau đây trở lên: tăng số lần đại tiện, thay đổi tần suất của phân hoặc thay đổi độ đặc của phân.
- Tiêu chuẩn Manning: Tiêu chuẩn này tập trung vào việc giảm đau sau khi đi tiêu, cảm giác đi tiêu không hết phân, chất nhầy trong phân và thay đổi độ đặc của phân. Triệu chứng càng nhiều thì khả năng bị IBS càng cao.
Xét nghiệm bổ sung
Thực hiện một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để loại trừ các nguyên nhân khác gây ra triệu chứng:
- Xét nghiệm phân.
- Chụp khung đại tràng.
- Soi trực tràng và đại tràng.
- Sinh thiết trực tràng hoặc đại tràng
7. Hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không?
Hội chứng ruột kích thích là bệnh lý lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, đây là một rối loạn mạn tính, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách, người bệnh sẽ phải đối diện với nhiều biến chứng do bệnh gây ra:
Chán nản, trầm cảm
Tình trạng đau bụng, rối loạn tiêu hóa diễn ra thường xuyên, tái đi tái lại tác động đến tinh thần, khiến người bệnh cảm thấy chán nản hoặc trầm cảm. Đồng thời, những căng thẳng tâm lý cũng làm trầm trọng thêm các triệu chứng của IBS, tạo vòng xoắn bệnh lý dai dẳng.
Suy dinh dưỡng, sụt cân
Các triệu chứng về rối loạn tiêu hóa gây cảm giác chán ăn cho người bệnh. Bên cạnh đó, tình trạng tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài khiến cho người bệnh giảm hấp thu cũng có thể gây suy dinh dưỡng, sụt cân.
Làm trầm trọng hơn bệnh trĩ
Tiêu chảy và táo bón – cả hai triệu chứng của hội chứng ruột kích thích đều có thể làm bệnh trĩ nặng hơn.
8. Điều trị hội chứng ruột kích thích
Việc điều trị bệnh chủ yếu tập trung vào làm giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Cụ thể là:
8.1. Điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt
Khi mắc bệnh đại tràng co thắt, người bệnh nên lưu ý điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, lành mạnh:
- Thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh: Uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ, rau quả tươi. Đồng thời hạn chế thức ăn khó tiêu, bánh kẹo ngọt, đồ uống có ga, chất kích thích (cafein, rượu, bia…), thức ăn để lâu, được bảo quản không tốt,…
- Tăng cường vận động: Hạn chế ngồi nhiều một chỗ, tăng cường hoạt động thể lực như tập thể dục, đi bộ buổi sáng,…
- Tránh căng thẳng thần kinh: Hạn chế thức khuya, nghỉ giải lao khi làm việc kéo dài.
- Luyện tập chế độ đại tiện một lần trong ngày vào buổi sáng sau khi thức dậy.
- Bổ sung men vi sinh: Men vi sinh bổ sung lợi khuẩn giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột – tác động đến nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích, đồng thời giúp điều hòa chức năng miễn dịch và củng cố chức năng trục não – ruột, giúp cải thiện các triệu chứng IBS.
>>>XEM THÊM: Phác đồ điều trị Hội chứng ruột kích thích cập nhật 2022
8.2. Điều trị bằng thuốc
Khi điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt nhưng không cải thiện triệu chứng hội chứng ruột kích thích, người bệnh cần phải điều trị bằng thuốc. Một số nhóm thuốc điều trị triệu chứng hội chứng ruột kích thích:
-
-
- Thuốc chống co thắt điều trị đau bụng và chướng bụng: Thuốc kháng Cholinergic: Atropin, Buscopan, thuốc chống co thắt hướng cơ trơn: Meteospasmyl, Sapmaverin, Duspatalin,…
- Thuốc trị táo bón: dùng các thuốc nhuận tràng như Forlax, Duphalac, Tegaserod,…
-
- Thuốc trị tiêu chảy: Smecta, Imodium, Actapulgite,…
- Thuốc chống sinh hơi, đầy bụng: Meteospasmyl, Pepsane,…
- Thuốc an thần: Rotunda, Seduxen, Dogmatil,…
- Thuốc triệt khuẩn ruột: Tiêu chảy và táo bón tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, khi vi khuẩn phát triển mạnh sẽ làm tăng tiêu chảy và trướng bụng. Tuỳ thuộc vào mức độ mà có thể dùng các loại thuốc khác nhau: Berberin, Ganidan, Biseptol,..
- Nhóm thuốc chống trầm cảm: cải thiện tình trạng đau bụng vì tác dụng kháng cholinergic, làm giảm như động ruột, cải thiện các triệu chứng tiêu chảy ở một số bệnh nhân, cải thiện tâm trạng nếu bệnh nhân mắc vấn đề về tâm lí như stress, rối loạn lo âu,…
Lưu ý: Người bệnh không tự ý uống thuốc mà cần sử dụng theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
8.3. Massage giảm hội chứng ruột kích thích
Việc xoa bóp, massage thường xuyên sẽ giúp ổn định nhu động ruột, giảm co thắt từ đó, hỗ trợ giảm đau bụng cũng như cải thiện tình trạng rối loạn đại tiện. Thời điểm massage tốt nhất là vào buổi sáng vì đây là lúc đại tràng hoạt động nhiều nhất và đảm bảo cho hệ tiêu hóa ổn định trong suốt cả ngày.
>>>XEM THÊM: 10 cách chữa đại tràng co thắt tại nhà đơn giản, hiệu quả
9. Giải đáp một số thắc mắc về Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích kéo dài bao lâu?
Hội chứng ruột kích chưa xác định được rõ nguyên nhân. Các phương pháp điều trị IBS đều là điều trị triệu chứng và mà chưa có giải pháp điều trị dứt điểm. Người bệnh thường sống chung với các triệu chứng, với tần suất xuất hiện tăng lên hay giảm đi phụ thuộc phần lớn vào chế độ ăn uống và sinh hoạt của người bệnh.
Hội chứng ruột kích thích có lây không?
Các yếu tố gây bệnh cũng như các yếu tố kích phát đã nêu phía trên như chế độ ăn uống, căng thẳng lo âu,… cho thấy rằng hội chứng kích thích không có tính chất lây truyền. Hiện tại, chưa có nghiên cứu nào chứng minh tính lây truyền của Hội chứng ruột kích thích.
Hy vọng rằng qua bài viết trên, quý bạn đọc đã biết thêm nhiều kiến thức hữu ích về Hội chứng ruột kích thích. Từ đó, bạn có thể chủ động tìm các phương pháp thích hợp để phòng ngừa, điều trị sớm và bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Nếu còn bất cứ thắc mắc liên quan, vui lòng liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 09 6762 9482 để được dược sĩ của chúng tôi giải đáp sớm nhất.