Viêm đại tràng giả mạc là tình trạng bệnh nặng do loạn khuẩn đường ruột gây đau đớn cho người bệnh. Bệnh hiếm gặp, người mắc có thể bị tử vong nếu không phát hiện sớm các triệu chứng và điều trị kịp thời. Sau đây, Imiale sẽ tổng hợp các kiến thức cần thiết về bệnh viêm đại tràng giả mạc, các bạn cùng tham khảo.
1. Viêm đại tràng giả mạc là gì?
Viêm đại tràng giả mạc là bệnh viêm đại tràng ở ruột già xảy ra ở những người sau khi dùng một số kháng sinh. Dùng kháng sinh gây loạn khuẩn và vi khuẩn Clostridium difficile( C.difficile) phát triển mạnh gây nên bệnh viêm đại tràng giả mạc.
Vi khuẩn C.difficile là loại vi khuẩn kị khí có sức đề kháng rất tốt bởi có lớp nha bào bên trong đường ruột. Vi khuẩn C.difficile sẽ sinh ra độc tố tế bào và độc tố ruột. Khi độc tố đó tác động vào niêm mạc đại tràng gây tăng bài tiết và viêm, tạo thành lớp giả mạc màu trắng. Giả mạc này rất mềm nên dễ bong, khi bong sẽ tạo ra viêm loét và chảy máu.
Bệnh viêm đại tràng giả mạc thường gặp ở độ tuổi trên 65 tuổi. Những người có hệ miễn dịch kém, mắc bệnh ung thư đại trực tràng, viêm ruột hoặc vừa thực hiện phẫu thuật đường ruột, đang nằm viện,… có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
2. Triệu chứng viêm đại tràng giả mạc
Triệu chứng bệnh viêm đại tràng giả mạc xảy ra sau khi người bệnh dùng kháng sinh được 1 – 2 ngày hoặc vài tuần sau khi dùng hết một liệu trình thuốc kháng sinh.
Tùy theo mức độ nặng hay nhẹ mà người bệnh có các biểu hiện khác nhau như:
- Có thể bị tiêu chảy 10 – 15 lần/ngày: Khi người bệnh dùng kháng sinh để điều trị một bệnh sẽ gây nên loạn khuẩn đường ruột. Vi khuẩn có hại phát ra các độc tố A (TcdA) và độc tố B (TcdB), cả hai loại đều gây độc tế bào trong đại tràng. Dưới tác động của các độc tố gây tiêu chảy từ nhẹ đến nặng.
- Đau quặn bụng: Khi vi khuẩn có hại phát ra các độc tố sẽ tác động trực tiếp lên niêm mạc gây nên lở loét niêm mạc đại tràng nên người bệnh sẽ có những cơ đau bụng dai dẳng. Cơn đau bụng kéo dài liên tục, hay gặp nhất là đau phía bên trái ổ bụng, đau âm ỉ hoặc đau quặn bụng.
- Sốt: Khi đại tràng bị viêm người bệnh sẽ có biểu hiện sốt. Nhiệt độ cơ thể có thể lên đến 39 – 40 độ C.
- Phân có lẫn máu hoặc có chất nhầy: Phân thay đổi từ mềm, sệt sang dạng nước, có thể lẫn máu hoặc chất nhầy kèm theo. Các độc tố tác động đến niêm mạc gây viêm và tăng bài tiết tạo thành giả mạc màu trắng. Giả mạc này mềm, dễ bong nên khi bong ra để lại vết loét và gây chảy máu niêm mạc.
- Buồn nôn: Khi bị mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường ruột gây rối loạn tiêu hóa, làm ảnh hưởng đến dạ dày nên người bệnh thường xuyên có cảm giác nghẹn ứ họng và buồn nôn
- Mất nước: Người bệnh bị tiêu chảy nhiều nên sẽ bị mất nước, rối loạn điện giải.
- Ăn không ngon: Người bệnh có cảm giác đắng miệng, nhạt vị, cảm giác không muốn ăn, ăn không ngon.
>>> Xem bài viết: Viêm túi thừa đại tràng: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị hiệu quả
3. Nguyên nhân viêm đại tràng giả mạc
Viêm đại tràng giả mạc do 3 nguyên nhân chính gây ra là:
Do thuốc kháng sinh
Bình thường, trong đại tràng sẽ có 2 loại vi khuẩn có hại và có lợi, chúng đang ở trạng thái cân bằng. Khi sử dụng một số kháng sinh trong việc điều trị bệnh, một số vi khuẩn có lợi sẽ bị ảnh hưởng, các vi khuẩn có hại ít bị ảnh hưởng.
Vì vậy, cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại bị phá vỡ, vi khuẩn có hại sẽ phát triển và phát ra các độc tố gây tổn thương niêm mạc ruột, gây viêm nhiễm nên dễ bị viêm đại tràng giả mạc.
Một số kháng sinh khi dùng có thể gây nên viêm đại tràng giả mạc như:
- Fluoroquinolon: Ciprofloxacin và levofloxacin
- Penicillin: Amoxicillin, Ampicillin
- Clindamycin
- Cephalosporin: cefixime
Do bệnh lý
Người bị mắc các bệnh về đường tiêu hóa như: viêm loét đại tràng, ung thư đại trực tràng, viêm ruột, bệnh Crohn,… sử dụng thuốc điều trị sẽ làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Vi khuẩn có hại phát triển và tạo ra các độc tố dẫn đến viêm đại tràng giả mạc.
Do hóa trị điều trị ung thư
Phương pháp hóa trị điều trị bệnh ung thư làm phá vỡ sự cân bằng vi khuẩn trong đường ruột gây nên viêm đại tràng giả mạc.
Các yếu tố tăng nguy cơ mắc viêm đại tràng giả mạc
- Do thói quen ăn uống không khoa học: Thường xuyên ăn những thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp, ăn quá no hoặc để bụng quá đói, hay ăn khuya,…
- Do ăn uống không đảm bảo vệ sinh: Do chế biến thực phẩm chưa nấu chín, ăn các thực phẩm tái sống, nguồn nước bẩn,…
- Người bị bệnh đã thực hiện phẫu thuật đường ruột như: Cắt ruột thừa, cắt ruột do bị tắc, cắt polyp,…
- Những người cao tuổi >65 tuổi có sức đề kháng kém, hệ miễn dịch yếu,…
- Những người đang điều trị ung thư bằng phác đồ hóa trị hoặc xạ trị
- Những người bị bệnh mãn tính đại tràng như: đau đại tràng, viêm loét đại tràng,…
- Những người sinh hoạt và hoạt động trong viện dưỡng lão.
4. Các biến chứng viêm đại tràng giả mạc
Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây nên các biến chứng nghiêm trọng.
Cụ thể là:
- Mất nước: Do người bệnh bị tiêu chảy nhiều lần dẫn đến mất nước và rối loạn điện giải, nếu không được bù nước và điện giải kịp thời người bệnh có nguy cơ bị tử vong.
- Suy thận: Cơ thể bị mất nước kéo dài nên sẽ không đủ nước cung cấp cho thận nên xảy ra tình trạng suy thận.
- Phình đại tràng nhiễm độc: Trường hợp này, đại tràng không thể trục xuất khí và phân nên cơ thể sẽ rất khó chịu. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến bị vỡ đại tràng, các vi khuẩn sẽ xâm nhập và khoang bụng.
- Thủng ruột: Biến chứng này rất hiếm xảy ra, khi các niêm mạc đại tràng bị tổn thương nghiêm trọng hoặc sau khi phình đại tràng bị nhiễm độc. Ruột bị thủng nên vi khuẩn sẽ tràn vào khoang bụng dẫn đến nhiễm trùng đe dọa đến tính mạng.
- Tử vong: Trường hợp người bệnh có các triệu chứng nghiêm trọng như: Mất nước kéo dài, đau bụng nhiều, phân có máu,… mà không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, thậm chí là tử vong.
5. Chẩn đoán viêm đại tràng giả mạc
Để chẩn đoán chính xác bệnh viêm đại tràng giả mạc, bác sĩ cần thực hiện các phương pháp sau:
- Xét nghiệm phân: Đại tràng là nơi chứa phân nên lấy phân xét nghiệm để giúp phát hiện vi khuẩn C.difficile trong đại tràng.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể chỉ ra được chỉ số bạch cầu tăng cao bất thường hay không. Nếu người bệnh bị tiêu chảy kèm chỉ số bạch cầu tăng cao cho thấy dấu hiệu nhiễm trùng C.difficile.
- Nội soi đại tràng hoặc nội soi sigma: Dấu hiệu của bệnh viêm đại tràng giả mạc có mảng màu vàng và vết sưng trong ruột già sẽ được phát hiện bởi một trong 2 phương pháp nội soi trên. Bác sĩ sẽ dùng một ống có gắn một máy ảnh thu nhỏ ở đầu để kiểm tra bên trong ruột già và đưa ra chẩn đoán chính xác.
- Xét nghiệm hình ảnh: Nếu người bệnh có các triệu chứng nặng bác sĩ sẽ tiến hành chụp X – Quang hoặc quét CT bụng để tìm kiếm các biến chứng phình đại tràng hoặc vỡ ruột.
>>> Xem thêm: Khám đại tràng: Quy trình nội soi đại tràng và những điều cần lưu ý
6. Điều trị viêm đại tràng giả mạc
Bệnh viêm đại tràng giả mạc có thể gây nguy hiểm nếu như không được phát hiện và điều trị đúng cách. Vì vậy, bạn cần phải theo dõi và điều trị ngay khi phát hiện ra các triệu chứng của bệnh:
6.1. Ngừng sử dụng thuốc kháng sinh đang dùng
Nguyên nhân gây viêm đại tràng giả mạc chủ yếu do thuốc kháng sinh đang dùng. Do đó khi gặp các dấu hiệu trên, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc hiện tại. Điều này giúp làm giảm các triệu chứng, đặc biệt là tiêu chảy.
6.2. Sử dụng thuốc kháng sinh khác
Nếu dừng kháng sinh mà vẫn còn các dấu hiệu và triệu chứng thì bác sĩ sẽ đề nghị chuyển sang loại kháng sinh khác chống lại vi khuẩn C.difficile để các vi khuẩn bình thường phát triển trở lại, phục hồi cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
Bệnh viêm đại tràng giả mạc thường dùng kháng sinh bằng đường uống. Tuy nhiên, phụ thuộc vào tình trạng nghiêm trọng của bệnh có thể được điều trị bằng các thuốc tiêm tĩnh mạch hoặc thông qua một ống mũi dạ dày.
Tùy từng mức độ nhẹ hay nặng của bệnh mà bác sĩ sẽ sử dụng thuốc như: metronidazole, vancomycin, fidaxomicin hoặc kết hợp cả 2 loại trên.
6.3. Cấy ghép vi khuẩn
Trường hợp điều trị bằng kháng sinh không hiệu quả, bác sĩ sẽ xem xét đến phương pháp cấy ghép vi khuẩn.
Trường hợp này, bác sĩ sẽ đưa viên nang có chứa vi khuẩn có lợi vào trong ruột già bằng ống thông đường mũi hoặc chèn vào ruột già, giúp cân bằng các vi khuẩn trong đường ruột. Đồng thời, các bác sĩ sẽ điều trị kết hợp với kháng sinh theo sau cấy ghép vi khuẩn để mang lại hiệu quả cao hơn.
6.4. Phẫu thuật
Người bị viêm đại tràng giả mạc không nên tự ý đi mua thuốc uống mà cần phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Trường hợp trẻ bị vỡ đại tràng, suy nội tạng, viêm phúc mạc thì cần phải phẫu thuật để tránh nguy cơ bị tử vong ở người bệnh.
Như vậy, Imiale đã tổng hợp các kiến thức cần thiết về các triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị bệnh viêm đại tràng giả mạc cho các bạn tham khảo. Nếu bạn có một số triệu chứng trên, cần nhanh chóng đến ngay cơ sở khám chữa bệnh để gặp bác sĩ có hướng điều trị kịp thời.
Nếu có bất cứ thắc mắc hay vấn đề cần giải đáp,hãy liên hệ theo Hotline 1900 9482 của chúng tôi để được các chuyên gia hỗ trợ sớm nhất!