Trong nhịp sống nhanh và hiện đại ngày nay, viêm đại tràng ngày càng có xu hướng gia tăng và trẻ hóa ở nước ta. Viêm đại tràng là lời nhắc nhở về thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh. Tuy nhiên, một bộ phận người dân còn chủ quan về căn bệnh phổ biến này. Bệnh viêm đại tràng có nguy hiểm không? Imiale A+ sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này qua bài viết sau đây.
Mục lục
1. Viêm đại tràng là gì? Nguyên nhân phổ biến gây viêm đại tràng
1.1. Viêm đại tràng là gì?
Đại tràng là đoạn dài nhất của ruột già và là bộ phận quan trọng của hệ tiêu hóa. Hoạt động co bóp của đại tràng đẩy thức ăn đến trực tràng. Đại tràng hút nước từ khối thức ăn này và tạo thành phân.
Viêm đại tràng là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc đại tràng. Bệnh nhân thường cảm thấy khó chịu và đau bụng vùng bụng dưới. Tình trạng này có thể diễn biến nhẹ, có thể tái phát liên tục hoặc xuất hiện đột ngột.
1.2. Nguyên nhân phổ biến
Viêm đại tràng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số trường hợp không xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh. Sau đây là 4 nguyên nhân chính, thường gây viêm đại tràng:
Nguyên nhân 1: Ăn uống không hợp vệ sinh
Thường xuyên ăn thức ăn không hợp vệ sinh, đồ ôi thiu, không rõ nguồn gốc xuất xứ là điều kiện để virus, ký sinh trùng, vi khuẩn có hại xâm nhập vào cơ thể. Trong hệ tiêu hóa, độc tố giải phóng từ vi khuẩn, virus làm tổn thương niêm mạc đại tràng và gây viêm nhiễm.
Chế độ ăn uống không lành mạnh làm mất cân bằng tự nhiên của hệ vi khuẩn đường ruột. Vi khuẩn có hại có cơ hội phát triển, gây rối loạn tiêu hóa và tấn công niêm mạc đại tràng.
Nguyên nhân 2: Tình trạng tự miễn dịch
Tự miễn dịch là hiện tượng hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động sai lệch. Hệ miễn dịch tấn công thức ăn, hệ thống niêm mạc và các cơ quan trong cơ thể. Trong khí đó, virus, vi khuẩn và các yếu tố gây bệnh lại không được ngăn chặn. Niêm mạc đại tràng có thể bị tổn thương và gây phản ứng viêm.
Nguyên nhân 3: Thiếu máu cục bộ ở đại tràng
Động mạch dẫn máu từ tim đến đại tràng để đại tràng duy trì các hoạt động. Khi mạch máu bị tắc nghẽn, lượng máu đến đại tràng suy giảm. Đại tràng thiếu oxy để hoạt động và dẫn đến tình trạng viêm. Một số nguyên nhân gây thiếu máu cục bộ ở đại tràng thường gặp là xơ vữa động mạch, suy tim, tai biến mạch máu não, mất máu,…
Nguyên nhân 4: Thói quen sinh hoạt hằng ngày
Một số lối sống là yếu tố gây bệnh đại tràng thường gặp là:
- Thường xuyên sử dụng thuốc kháng sinh
- Hút thuốc lá
- Ô nhiễm không khí
2. Viêm đại tràng có nguy hiểm không?
Viêm đại tràng là bệnh lý tiêu hóa kéo dài và khó chữa. Tuy nhiên, bệnh thường không nguy hiểm đến tính mạng nếu được kiểm soát và can thiệp kịp thời. Các biện pháp điều trị có thể ngăn ngừa các đợt bùng phát và làm thuyên giảm triệu chứng của bệnh.
Tình trạng sức khỏe bệnh nhân sẽ phụ thuộc vào phương pháp điều trị, sự tuân thủ điều trị, bệnh lý mắc kèm và tinh thần của người bệnh. Viêm đại tràng nhẹ có thể chữa khỏi nếu tuân thủ tuyệt đối các phương pháp điều trị được các y, bác sĩ đưa ra. Nhưng nếu bệnh nhân không đáp ứng điều trị, bệnh sẽ diễn biến nặng hơn và nguy cơ phát triển thành các biến chứng nghiêm trọng sẽ tăng cao
>>>CHI TIẾT TẠI: Viêm đại tràng có nguy hiểm không? Cảnh báo 7 biến chứng khôn lường
3. 7 biến chứng khôn lường của viêm đại tràng
Người mắc viêm đại tràng nặng hoặc lâu năm có thể xuất hiện biến chứng ở đường tiêu hóa và ngoài đường tiêu hóa. Sau đây là một số biến chứng khôn lường của viêm đại tràng đã được các chuyên gia y tế cảnh báo.
Biến chứng 1: Loãng xương
Loãng xương là bệnh lý đặc trưng bởi sự giảm khối lượng và chất lượng xương. Tình trạng viêm có thể làm giãn đoạn quá trình trao đổi chất. Viêm đại tràng làm giảm hấp thu canxi, vitamin D, protein và ảnh hưởng đến quá trình hình thành xương mới. Việc sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm nhóm NSAIDs trong điều trị cũng là nguyên nhân gây loãng xương.
Các triệu chứng của loãng xương âm thầm và chỉ biểu hiện khi đã có biến chứng. Nhiều bệnh nhân thường chủ quan và không hiểu rõ về tình trạng xương khớp của bản thân. Khi phát hiện thì bệnh đã ở mức độ nặng, khó khắc phục.
Biến chứng 2: Viêm khớp
Có khoảng 25-30% bệnh nhân viêm đại tràng bị viêm khớp. Tình trạng này xuất hiện cả ở những người trẻ và người cao tuổi. Theo các nghiên cứu y khoa, những cơn đau khớp thường xuất hiện khi triệu chứng của viêm đại tràng bùng phát.
Biến chứng 3: Viêm da
Theo nghiên cứu của Kareem Sassi – bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa ở Santa Monica, có khoảng 5% bệnh nhân viêm ruột bị viêm da. Đây là tình trạng xuất hiện các vết loét, nốt đỏ ở da, miệng hay những mụn đỏ ở mắt cá chân, cánh tay. Bệnh nhân có thể bị loét miệng, những tổn thương này thường xảy ra cùng với các đợt bùng phát viêm đại tràng.
Tình trạng này phổ biến ở người lớn và tỷ lệ mắc ở nữ giới cao hơn nam giới.
Biến chứng 4: Bệnh lý về gan
Biến chứng viêm đường mật xơ cứng nguyên phát thường chỉ xảy ra khi viêm đại tràng đã lan rộng. Có khoảng 3% bệnh nhân viêm đại tràng gặp biến chứng này. Đây là tình trạng hiếm gặp với đặc điểm viêm và sẹo ống mật. Ống mật nối giữa gan và ruột non có vai trò dẫn mật từ gan đến ruột để tiêu hóa thức ăn. Ống mật bị viêm và sẹo dẫn tới hẹp đường mật. Tình trạng này kéo dài sẽ gây những tổn thương gan như xơ gan, sỏi ống mật, hôn mê gan,..
Theo các chuyên gia y tế, viêm đường mật xơ cứng nguyên phát là bệnh gan duy nhất có liên quan đến viêm đại tràng. Hiện nay, chưa có phương pháp nào để điều trị đặc hiệu căn bệnh này.
Biến chứng 5: Phình đại tràng
Phình đại tràng còn có tên khoa học là Megacolon. Đây là tình trạng đại tràng giãn nở bất thường mà không phải do sự tắc nghẽn cơ học.
Theo thông tin của Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ (PubMed), phình đại tràng là một biến chứng có khả năng đe dọa tính mạng của bệnh viêm đại tràng. Sự viêm nhiễm đại tràng làm nó sưng phồng, các hoạt động co bóp bị rối loạn. Phân, không khí và dịch tiêu hóa tích tụ lâu ở ruột. Dẫn đến tình trạng giãn nở bất thường một phần hay toàn bộ đại tràng.
Các triệu chứng điển hình của megacolon do viêm đại tràng là đau bụng, tiêu chảy, phân lẫn máu, mất nước, nhịp tim nhanh và sốt.
Nếu bệnh nhân không được can thiệp y tế kịp thời, phình đại tràng có thể gây ra các biến chứng đe dọa đến tính mạng bệnh nhân như: nhiễm trùng huyết, sốc, thủng đại tràng.
Biến chứng 6: Thủng đại tràng
Tình trạng viêm, loét niêm mạc đại tràng kéo dài khiến thành ruột bị suy yếu. Theo thời gian, các lỗ thủng ở đại tràng xuất hiện. Các lỗ thủng này tạo điều kiện cho vi khuẩn, dịch tiêu hóa từ đại tràng tràn vào ổ bụng. Người bệnh có nguy cơ mắc hội chứng viêm phúc mạc (phúc mạc là lớp niêm mạc của ổ bụng), nhiễm trùng huyết.
Các triệu chứng thường gặp của thủng đại tràng là đau bụng dữ dội, nôn mửa, sốt, bụng căng cứng.
Biến chứng 7: Ung thư đại trực tràng
Theo thống kê của Tổ chức Crohn và Viêm đại tràng Hoa Kỳ, có tới 5 – 8% người mắc viêm đại tràng phát triển thành ung thư đại trực tràng trong vòng 20 năm. Người bệnh không được điều trị hoặc bị bệnh nặng sẽ có nguy cơ cao phát triển thành ung thư.
Khi viêm đại tràng tiến triển nặng, niêm mạc ruột sẽ xuất hiện nhiều tế bào lạ và xảy ra tình trạng loạn sản. Những tế bào bất thường này sẽ phát triển thành căn bệnh ung thư.
Viêm đại tràng có nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân còn chủ quan và chưa hiểu rõ sự nguy hiểm của các biến chứng. Câu trả lời “Viêm đại tràng có nguy hiểm không?” sẽ phụ thuộc vào các biện pháp phục hồi và phòng ngừa biến chứng của người bệnh.
>>>XEM THÊM: Đau đại tràng có nguy hiểm không? Giải pháp cho đại tràng khỏe mạnh
4. 4 phương pháp phục hồi và phòng ngừa biến chứng
Hiện nay, bệnh viêm đại tràng chưa có phương pháp điều trị triệt để. Tuy nhiên, khi được điều trị đúng phương pháp, sức khỏe bệnh nhân sẽ được cải thiện. Các biến chứng nguy hiểm cũng được phòng ngừa.
Phương pháp 1: Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
Một chế độ ăn hợp lý sẽ giúp giảm nặng các triệu chứng của bệnh. Tuân thủ những hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng là một phương pháp để phục hồi viêm đại tràng. Người bệnh cần chú ý:
- Chia nhỏ bữa, ăn từ 4 đến 6 bữa nhỏ mỗi ngày
- Uống đủ nước mỗi ngày (khoảng 2 lít/ngày); uống chậm và tránh sử dụng ống hút khi uống
Một số thực phẩm tốt cho sức khỏe bệnh nhân viêm đại tràng đã được khuyến nghị là:
- Thực phẩm chứa men vi sinh: sữa chua, kim chi, đậu phụ
- Thực phẩm bổ sung protein: thịt nạc, cá, trứng, đậu phụ
- Trái cây, rau quả: nên lựa chọn thực phẩm đa dạng, nhiều màu sắc, giàu chất xơ như: chuối chín, nho, rau ngót, rau cải khoai tây, khoai sọ, măng tây,..
- Thực phẩm bổ sung calci: rau xanh, sữa chua và các sản phẩm từ sữa
Người bệnh viêm đại tràng cần phải tránh sử dụng các thực phẩm như: đồ cay, nóng, thức uống có cồn, đồ uống có ga và cafein.
Phương pháp 2: Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học
- Giữ tinh thần lạc quan, tránh căng thẳng, lo âu
- Ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi khi thấy cần thiết
- Tập thể dục thường xuyên
- Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng bất kỳ một loại thuốc nào.
- Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ để tránh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn
Phương pháp 3: Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Bệnh nhân viêm đại tràng cần khám chuyên khoa tiêu hóa ít nhất mỗi năm một lần. Ngoài ra, bệnh nhân nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng một lần.
Theo dõi diễn biến bệnh là chìa khóa để giảm các biến chứng và phục hồi sức khỏe hiệu quả. Khám sức khỏe giúp tầm soát và chẩn đoán sớm được các biến chứng. Từ đó các bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất.
Phương pháp 4: Nội soi đại tràng 1-2 năm 1 lần
Nội soi đại tràng là phương pháp mà nhân viên y tế sử dụng ống nội soi để quan sát phía bên trong của đường ruột. Qua thủ thuật này, bác sĩ sẽ quan sát được những bất thường như vết loét, vùng bị viêm, chảy máu hay khối u.
Người bệnh viêm đại tràng cần tiến hành nội soi đại tràng 1 lần trong 1 đến 2 năm. Nội soi đại tràng là tiêu chuẩn vàng để xét nghiệm chẩn đoán ung thư đại tràng. Việc nội soi đại tràng giúp phát hiện sớm và loại bỏ những khối u nhỏ, những tổn thương tiền ung thư ở đại tràng.
Người bệnh cần thực hiện phối hợp các phương pháp hợp lý. Mỗi người bệnh sẽ có những phương pháp điều trị và phục hồi khác nhau. Người nhà và bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế.
5. Nên đi khám và điều trị viêm đại tràng ở đâu?
Khi nhận thấy bản thấy có các triệu chứng của viêm đại tràng, bạn cần đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị. Viêm đại tràng là bệnh lý đường tiêu hóa. Vì vậy, bạn nên chọn các bệnh viện, phòng khám chuyên về tiêu hóa. Một số tiêu chuẩn để mọi người lựa chọn địa điểm khám, chữa bệnh là:
- Bệnh viện, phòng khám chuyên sâu về tiêu hóa
- Trang thiết bị và cơ sở y tế hiện đại
- Đội ngũ y, bác sĩ có chuyên môn cao về hệ tiêu hóa
- Dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng, chi phí khám chữa bệnh hợp lý, công khai minh bạch.
- Thuận lợi với khoảng cách địa lý, tình trạng bệnh và tài chính của gia đình.
Chúng tôi đưa ra một số địa điểm để các bạn có thể tham khảo sau:
- Khoa tiêu hóa các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương
- Một số cơ sở khám và điều trị viêm đại tràng hàng đầu miền Bắc là: Khoa tiêu hóa – bệnh viện Bạch Mai; Khoa tiêu hóa – bệnh viện hữu nghị Việt Đức
- Một số cơ sở khám và điều trị viêm đại tràng hàng đầu miền Nam là: Khoa tiêu hóa – bệnh viện Chợ Rẫy; Khoa tiêu hóa – bệnh viện Quốc tế Exson; bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM I
>>>XEM THÊM: Viêm đại tràng mạn tính: Triệu chứng và biến chứng thường gặp