Mỗi năm có đến hàng tỷ người mắc bệnh tiêu chảy trên toàn cầu. Tiêu chảy là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Tình trạng rối loạn tiêu hóa này mang nhiều nguy hiểm tiềm ẩn cho sức khỏe con người. Việc nắm rõ kiến thức về tiêu chảy là điều quan trọng và cần thiết. Bài viết sau đây sẽ chia sẻ cho các bạn những kiến thức tổng quan hữu ích về tiêu chảy.
Mục lục
- 1. Tiêu chảy được định nghĩa như thế nào?
- 2. Triệu chứng của tiêu chảy
- 3. Phân loại tiêu chảy
- 4. Nguyên nhân gây tiêu chảy
- Nguyên nhân 1: Tiêu chảy do nhiễm virus
- Nguyên nhân 2: Tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn
- Nguyên nhân 3: Tiêu chảy do nhiễm ký sinh trùng
- Nguyên nhân 4: Tiêu chảy do thói quen ăn uống
- Nguyên nhân 5: Tiêu chảy do ảnh hưởng bởi thuốc
- Nguyên nhân 6: Tiêu chảy do không dung nạp lactose
- Nguyên nhân 7: Tiêu chảy do bệnh lý đường ruột
- Nguyên nhân 8: Tiêu chảy do bệnh nội tiết
- 5. Những đối tượng nào hay bị tiêu chảy
- 6. Có cần xét nghiệm để chẩn đoán tiêu chảy không?
- 7. Tiêu chảy có nguy hiểm không? Ảnh hưởng của tiêu chảy đối với sức khỏe
- 8. Tiêu chảy có tự khỏi được không?
- 9. Biện pháp điều trị tiêu chảy
- 10. Tiêu chảy có lây không? Làm thế nào để phòng ngừa
- 11. Những dấu hiệu nên đi gặp bác sĩ
1. Tiêu chảy được định nghĩa như thế nào?
Theo định nghĩa của Bộ Y Tế, tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng từ 3 lần trở lên mỗi ngày. Tiêu chảy đặc trưng bởi đặc điểm phân nhão, nhiều nước và không thành khuôn. Một số triệu chứng kèm theo là nôn, mất nước, đau bụng.
Nếu số lần đại tiện trong ngày từ 3 lần trở lên nhưng độ đặc của phân bình thường, phân thành khuôn thì đây không phải tình trạng tiêu chảy. Ngoài ra, trẻ nhỏ bú mẹ đi ngoài phân sệt và dính là điều bình thường.
2. Triệu chứng của tiêu chảy
Triệu chứng của tiêu chảy sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng bệnh nhân. Một số triệu chứng điển hình và thường gặp ở bệnh nhân tiêu chảy là:
- Phân lỏng, nhiều nước
- Đau bụng
- Bụng đầy hơi, có cảm giác sôi bụng
- Buồn nôn, nôn mửa
- Phân lẫn máu hoặc chất nhầy
- Đi ngoài liên tục
Tiêu chảy có thể làm lượng nước của cơ thể mất theo phân. Người bệnh mất nước xuất hiện một số triệu chứng như đau đầu, khô da, khát nước,..
3. Phân loại tiêu chảy
Tiêu chảy được phân loại thành tiêu chảy cấp tính và tiêu chảy mãn tính dựa trên thời gian mắc bệnh.
3.1. Tiêu chảy cấp tính
Tiêu chảy cấp tính thường diễn ra từ 1 đến 2 ngày và kéo dài dưới 2 tuần. Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy cấp thường do thói quen ăn uống kém vệ sinh. Vi khuẩn, virus có hại xâm nhập, làm tổn thương đường tiêu hóa và gây tiêu chảy.
3.2. Tiêu chảy mãn tính
Tiêu chảy mãn tính là tình trạng đi ngoài phân lỏng kéo dài từ 2 đến 4 tuần. Tình trạng tiêu chảy thường xuyên và kéo dài có thể là dấu hiệu của một bệnh lý khác.
4. Nguyên nhân gây tiêu chảy
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay có nhiều nguyên nhân khác nhau gây tiêu chảy. Tiêu chảy có thể do điều kiện, thói quen sinh hoạt hoặc do vấn đề sức khỏe. Imiale A+ sẽ đề cập đến một số nguyên nhân gây tiêu chảy phổ biến.
Nguyên nhân 1: Tiêu chảy do nhiễm virus
Một số virus gây tiêu chảy là rotavirus, norovirus, astrovirus. Các loại virus này khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm tổn thương đường tiêu hóa, dẫn tới tiêu chảy.
Rotavirus là nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy cấp trên toàn cầu. Theo các nghiên cứu đánh giá, rotavirus là yếu tố gây tiêu chảy thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
Norovirus gây viêm dạ dày, viêm ruột và là mầm bệnh rất dễ lây lan. Bệnh nhân nhiễm norovirus có triệu chứng là nôn mửa, tiêu chảy ra nước và phân không lẫn máu.
Astrovirus là nguyên nhân gây tiêu chảy phổ biến ở người già, trẻ nhỏ và người suy giảm miễn dịch.
Nguyên nhân 2: Tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn
Vi khuẩn có hại làm tổn thương niêm mạc ruột gây tiêu chảy.
Nhiễm khuẩn Salmonella: Nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella tăng lên khi sử dụng thực phẩm sống và không rửa tay đúng cách sau khi đi vệ sinh.
Nhiễm khuẩn E.coli: Một số chủng E.coli tiết độc tố gây nhiễm khuẩn ruột với triệu chứng tiêu chảy phân nước hoặc phân máu. Nguyên nhân nhiễm khuẩn E.coli là sử dụng nguồn nước ô nhiễm hoặc lây truyền từ động vật, từ người sang người.
Ngoài ra các loại vi khuẩn khác có thể gây tiêu chảy là Campylobacter, Shigella.
Nguyên nhân 3: Tiêu chảy do nhiễm ký sinh trùng
Ký sinh trùng xâm nhiễm vào tế bào biểu mô ruột gây tiêu chảy.
- Giardia lamblia dẫn đến tiêu chảy trong vòng hai ngày kể từ khi nhiễm bệnh.
- Entamoeba histolytica gây tiêu chảy phân máu khi xâm nhập và thành ruột.
- Cryptosporidium gây tiêu chảy phân nước.
- Nhiễm giun chỉ, giun móc gây tiêu chảy cấp tính
Nguyên nhân 4: Tiêu chảy do thói quen ăn uống
Chế độ ăn uống kém vệ sinh là tác nhân tiềm ẩn gây nhiễm khuẩn đường ruột. Nguy cơ bị tiêu chảy tăng cao nếu một người có chế độ ăn sau:
- Sử dụng thực phẩm không hợp vệ sinh
- Dùng thức ăn không được nấu chín như tiết canh, nem chua, gỏi cá, rau sống, …
- Sử dụng thức ăn ôi thiu, nấm mốc và không được chế biến sạch sẽ
- Sử dụng hoa quả, nước uống không được tiệt trùng
- Không rửa tay sạch khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
Nguyên nhân 5: Tiêu chảy do ảnh hưởng bởi thuốc
Theo các nghiên cứu y khoa, kháng sinh là tác nhân chiếm 25% các trường hợp tiêu chảy do thuốc. Sử dụng kháng sinh không đúng cách hoặc dùng kéo dài gây rối loạn cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Các vi khuẩn gây hại có cơ hội phát triển, dẫn đến tiêu chảy.
Một số thuốc có tác dụng phụ gây tiêu chảy là thuốc nhuận tràng, thuốc chống viêm giảm đau NSAIDs, thuốc kháng acid chứa magie,…
Nguyên nhân 6: Tiêu chảy do không dung nạp lactose
Hiện tượng không dung nạp lactose khá phổ biến ở người lớn. Đây là tình trạng cơ thể thiếu hụt enzyme lactase – một loại men tiêu hóa có vai trò chuyển hóa và hấp thu đường lactose. Hệ vi khuẩn ở ruột già tiếp xúc với phần đường lactose không được tiêu hóa sẽ gây ra các triệu chứng như đầy bụng, tiêu chảy.
Nguyên nhân 7: Tiêu chảy do bệnh lý đường ruột
Tổn thương cấu trúc hoặc chức năng đường tiêu hóa có thể dẫn đến tiêu chảy.
- Phẫu thuật túi mật hoặc dạ dày
- Hội chứng ruột kích thích
- Bệnh viêm ruột
- Ung thư đại tràng
- Viêm phúc mạc
- Viêm ruột thừa
Nguyên nhân 8: Tiêu chảy do bệnh nội tiết
Một số bệnh nội tiết như cường giáp, đái tháo đường sẽ kích thích trực tiếp hoặc gián tiếp lên dây thần kinh ruột. Nhu động ruột tăng hơn mức bình thường làm giảm thời gian tiêu hóa thức ăn của ruột. Lượng lớn phân được đẩy tới ruột già và gây tiêu chảy.
Xem bài viết: x Nguyên nhân tiêu chảy thường gặp không thể chủ quan
5. Những đối tượng nào hay bị tiêu chảy
Tiêu chảy xảy ra phổ biến ở mọi lứa tuổi khác nhau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, nguy cơ bị tiêu chảy cao hơn ở một số đối tượng. Những đối tượng hay bị tiêu chảy là:
- Trẻ nhỏ
- Người cao tuổi
- Dân cư sinh sống tại khu vực thường xuyên bị ngập lụt, lũ, bão
- Người dân sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh
- Người dân ở khu vực nguồn nước bị ô nhiễm
- Người dân có thói quen ăn rau sống, các món ăn thủy hải sản chưa nấu chín
6. Có cần xét nghiệm để chẩn đoán tiêu chảy không?
Đa số các trường hợp tiêu chảy cấp tính với các triệu chứng nhẹ thường không cần tiến hành xét nghiệm. Nhưng nếu có dấu hiệu mất nước, phân toàn máu, sốt cao, bệnh nhân là trẻ nhỏ hoặc người cao tuổi thì việc xét nghiệm là điều cần thiết.
Tiêu chảy mãn tính cần được xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân và đánh giá tình trạng sức khỏe. Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và triệu chứng bệnh. Việc xét nghiệm chẩn đoán giúp bác sĩ có phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Do đó việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh là điều cần thiết đối với trường hợp tiêu chảy kéo dài.
Ngoài ra, việc xét nghiệm giúp các bác sĩ hiểu rõ các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn của người bệnh. Từ đó giúp người bệnh hạn chế biến chứng nguy hiểm do tiêu chảy.
Một số xét nghiệm có thể được bác sĩ lựa chọn thực hiện là:
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm phân
- Nội soi đại tràng, nội soi đường tiêu hóa
Trong trường hợp tiêu chảy kéo dài hoặc tiêu chảy mãn tính, người bệnh cần đến khám tại các cơ sở y tế uy tín.
7. Tiêu chảy có nguy hiểm không? Ảnh hưởng của tiêu chảy đối với sức khỏe
Thông thường, các trường hợp tiêu chảy cấp không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, tiêu chảy xảy ra thường xuyên có thể là triệu chứng của một tình trạng bệnh lý nguy hiểm. Tiêu chảy kéo dài mà không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đến người bệnh. Tiêu chảy có thể gây ra những ảnh hưởng đối với sức khỏe như: mất nước, rối loạn điện giải, hấp thu kém, mệt mỏi, suy nhược.
7.1. Mất nước
Ở người lớn, lượng nước chiếm khoảng 60-70% trọng lượng cơ thể. Tiêu chảy có thể khiến cơ thể bị mất nước nhanh chóng do lượng nước theo phân ra ngoài. Lượng nước bị thiếu hụt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động sinh lý và chức năng của cơ thể. Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng sau:
- Cảm giác khô da, khô miệng, mắt trũng
- Khát nước
- Đau đầu, mệt mỏi
- Số lần đi tiểu và lượng nước tiểu ít hơn bình thường
Mất nước quá nhiều dẫn tới máu bị cô đặc và giảm khối lượng tuần hoàn. Người bệnh có thể tụt huyết áp, chóng mặt và ngất xỉu nếu không được điều trị kịp thời.
7.2. Rối loạn điện giải
Rối loạn điện giải là tình trạng tăng hoặc giảm lượng chất khoáng cần thiết cho cơ thể như Natri, Kali. Tiêu chảy sẽ kéo theo hiện tượng mất nước, chất điện giải và các chất dinh dưỡng chưa được chuyển hóa.
- Nồng độ Natri máu giảm do mất Na qua đường tiêu hóa có thể gây phù não, hạ huyết áp và các biến chứng thần kinh.
- Nồng độ Kali máu giảm gây hậu quả là mỏi cơ, yếu cơ, giảm huyết áp và nhịp tim nhanh.
7.3. Giảm khả năng hấp thu, toàn thân mệt mỏi
Rối loạn tiêu hóa kéo dài làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể. Tình trạng này dẫn đến thiếu protein, vitamin, sắt, calci. Bệnh nhân bị thiếu máu, còi xương và suy dinh dưỡng do tiêu chảy lâu ngày.
Tình trạng kém hấp thu dẫn tới cơ thể thiếu năng lượng và sút cân. Bệnh nhân thường xuyên mệt mỏi và giảm khả năng làm việc.
8. Tiêu chảy có tự khỏi được không?
Các trường hợp tiêu chảy cấp thường tự khỏi sau 1-2 ngày mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, nếu người bệnh mắc các triệu chứng nặng hoặc kéo dài thì việc áp dụng các biện pháp điều trị là điều cần thiết.
Tiêu chảy là lời cảnh báo về lối sống thiếu khoa học hoặc là triệu chứng thứ phát của một bệnh lý khác. Nếu không được điều trị hợp lý và kịp thời, tiêu chảy có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Do đó, kiến thức về các biện pháp điều trị tiêu chảy rất hữu ích đối với mỗi người.
9. Biện pháp điều trị tiêu chảy
9.1. Biện pháp dùng thuốc
Thuốc cầm tiêu chảy Loperamid
Loperamid làm chậm tốc độ di chuyển thức ăn trong ruột. Thức ăn và nước sẽ được hệ tiêu hóa hấp thu tốt hơn và giảm số lần đi ngoài.
Loperamid thường được điều trị tiêu chảy cấp. Tuy nhiên, không nên sử dụng thuốc quá 2 ngày và không sử dụng khi bệnh nhân sốt, đi ngoài phân đen hoặc có máu. Sản phẩm chống chỉ định với trẻ em dưới 2 tuổi và phụ nữ đang mang thai.
Thuốc cầm tiêu chảy Berberin
Berberin có tác dụng kháng khuẩn và chống tiêu chảy do nhiễm khuẩn.
Berberin có nguồn gốc từ thảo dược nên tương đối an toàn và hiệu quả trong điều trị tiêu chảy. Tuy nhiên, cần lưu ý sản phẩm chống chỉ định với trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai và cho con bú.
Thuốc ngừa tiêu chảy
Thuốc chứa hoạt chất Bismuth subsalicylate như Kaopectate, Pepto-Bismol có tác dụng bảo vệ đường ruột khỏi tác nhân gây nhiễm trùng.
Tương tự như Loperamid, loại thuốc này không nên sử dụng quá 2 ngày và không sử dụng đối với trẻ dưới 12 tuổi.
Những loại thuốc trên đều là thuốc trị tiêu chảy không kê đơn. Khi lựa chọn sử dụng, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn và uống đúng liều đã được khuyến cáo. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc gì, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ để được tư vấn tốt nhất.
Nếu nguyên nhân gây tiêu chảy là do nhiễm khuẩn, người bệnh được tư vấn bởi chuyên gia y tế về việc sử dụng kháng sinh kịp thời.
Xem bài viết: Top 9+ thuốc tiêu chảy hiệu quả và an toàn nhất
9.2. Biện pháp không dùng thuốc
Bổ sung nước
Theo khuyến cáo của nhân viên y tế, bạn cần uống khoảng 2-3 lít nước mỗi ngày khi bị tiêu chảy. Nước lọc, nước canh hay nước hoa quả là những lựa chọn tốt. Bên cạnh đó, việc tránh đồ uống có gas, có cồn và caffein là điều cần thiết.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể lựa chọn sử dụng dung dịch bù nước và điện giải Oresol. Oresol giúp cải thiện tình trạng mất nước và mệt mỏi. Theo WHO, Oresol được sử dụng an toàn và hiệu quả trong 90% trường hợp tiêu chảy.
Thực hiện chế độ ăn BRAT
Người bệnh tiêu chảy cần tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo. Thay vào đó, các chuyên gia dinh dưỡng đã đưa ra lời khuyên về chế độ ăn BRAT.
BRAT là chế độ ăn ít chất xơ, bao gồm các món ăn nhạt, dễ tiêu và dung nạp tốt. Nhóm thực phẩm chính trong chế độ ăn này là: chuối, gạo trắng, táo và bánh mì trắng. Chế độ ăn BRAT làm giảm áp lực của hệ tiêu hóa, làm chắc phân và cải thiện triệu chứng của tiêu chảy.
Tuy nhiên, nhóm thực phẩm này chứa ít calo và ít chất dinh dưỡng. Người bệnh không nên sử dụng chế độ ăn này trong thời gian dài để tránh nguy cơ suy dinh dưỡng.
Ngoài ra, một số thực phẩm được chuyên gia y tế khuyên dùng cho bệnh nhân tiêu chảy là: khoai tây, khoai lang, dưa hấu, bột yến mạch, nước dừa, trà thảo mộc.
Bổ sung lợi khuẩn
Lợi khuẩn hay men vi sinh giúp cải thiện sức khỏe đường ruột bằng cách:
- Giúp thức ăn lên men, hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn của ruột
- Ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn có hại đường ruột
- Hạn chế nhiễm khuẩn đường tiêu hóa
Tiêu chảy có thể làm rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột. Vi khuẩn có lợi bị thải ra ngoài theo phân. Vì thế, việc bổ sung lợi khuẩn là cần thiết.
Bệnh nhân có thể bổ sung lợi khuẩn bằng các thực phẩm như sữa chua, đậu phụ, nấm sữa tây tạng. Ngoài ra, người bệnh có thể bổ sung lợi khuẩn qua thực phẩm chức năng. Sản phẩm chứa các chủng lợi khuẩn Bifidobacterium và Lactobacillus là một lựa chọn tốt cho hệ tiêu hóa.
10. Tiêu chảy có lây không? Làm thế nào để phòng ngừa
10.1. Tiêu chảy có lây không?
Tiêu chảy là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan và tạo thành dịch. Bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa bởi thức ăn, nguồn nước. Điều kiện vệ sinh môi trường và thói quen sinh hoạt của người dân liên quan mật thiết đến khả năng truyền bệnh.
Một số cách thức lây lan của tiêu chảy là:
- Lây lan qua tay mang mầm bệnh
- Lây lan qua thực phẩm sống, thực phẩm nhiễm mầm bệnh
- Lây lan qua vật nuôi trung gian
10.2. Biện pháp phòng ngừa tiêu chảy hiệu quả
Một số biện pháp giúp phòng tránh tình trạng tiêu chảy hiệu quả là:
Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ
- Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên
- Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
- Đi vệ sinh đúng nơi quy định
Sử dụng thực phẩm an toàn, sạch sẽ
- Đảm bảo ăn chín, uống sôi
- Sử dụng thực phẩm tươi ngon, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ
- Không sử dụng thực phẩm quá hạn
- Chế biến, bảo quản thực phẩm cẩn thận
Sử dụng nguồn nước sạch
- Không uống nước lã
- Không đổ rác, đồ dùng của người bệnh ra ao, hồ, sông, suối
11. Những dấu hiệu nên đi gặp bác sĩ
Khi bạn đi ngoài phân lỏng, nhiều nước kèm theo một trong những dấu hiệu sau đây, bạn cần đến khám tại các cơ sở y tế:
- Tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày
- Triệu chứng không giảm khi đã sử dụng thuốc không kê đơn
- Đi ngoài ra máu
- Đi ngoài phân đen
- Đau bụng dữ dội
- Sốt trên 39oC
- Nhức đầu, buồn nôn
- Nhịp tim nhanh
- Đi tiểu ít hoặc không đi tiểu
- Nước tiểu đậm màu
Sự chăm sóc y tế kịp thời giúp bệnh nhân tránh gặp những biến chứng khôn lường.
Tiêu chảy có thể là bệnh lý đơn giản hoặc là dấu hiệu sức khỏe nguy hiểm. Mong rằng qua bài viết trên, bạn sẽ có nhiều kiến thức để cải thiện và phòng ngừa tiêu chảy hiệu quả.
Nếu cần được tư vấn và giải đáp thắc mắc về bệnh tiêu chảy, bạn đừng ngần ngại liên hệ HOTLINE 1900 9482 để được các chuyên gia sức khỏe của Imiale A+ hỗ trợ tận tình.
Tham khảo nguồn:
https://www.webmd.com/digestive-disorders/digestive-diseases-diarrhea
https://www.healthline.com/health/diarrhea#causes
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diarrhea/symptoms-causes/syc-20352241