Khi bị tiêu chảy, chế độ ăn không hợp lý có thể dẫn đến tình trạng bệnh càng nghiêm trọng: Đi ngoài tần suất nhiều hơn, phân lỏng hơn… khiến người bệnh mệt mỏi, suy nhược. Vậy tiêu chảy nên ăn gì? Bài viết dưới đây sẽ gợi ý thực đơn dinh dưỡng giúp bệnh nhân tiêu chảy mau hồi phục.
Mục lục
1. Nguyên tắc dinh dưỡng cho người tiêu chảy
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn của người tiêu chảy cần tuân theo 5 nguyên tắc sau:
- Bổ sung nhiều nước để ngăn ngừa mất nước: Bên cạnh uống nhiều nước, người bệnh có thể uống nước trái cây, nước luộc gà, nước luộc thịt… để bổ sung dinh dưỡng.
- Ăn thành nhiều bữa nhỏ, hai bữa cách nhau 3-4 giờ: Chia thành các bữa ăn nhỏ tránh tình trạng đường tiêu hóa quá tải hấp thu, dẫn đến tiêu chảy nặng hơn. Đặc biệt lưu ý, khi bị tiêu chảy nên ăn sáng đầy đủ.
- Bổ sung thực phẩm chứa Kali, Natri: Ion Kali và Natri bị mất theo phân, làm giảm hàm lượng ion này trong máu. VÌ vậy, người bệnh cần bổ sung thức ăn chứa Kali, Natri để tránh thiếu hụt nghiêm trọng, đặc biệt thiếu hụt Kali gây yếu cơ, co giật.
- Nên ăn những nhóm thực phẩm dễ tiêu: Thực phẩm dễ tiêu giúp cơ thể dễ hấp thu hơn, nhanh chóng bổ sung dinh dưỡng và mau hồi phục.
- Tránh ăn những nhóm thực phẩm khó tiêu: Thực phẩm không/khó tiêu hóa sẽ bị thải ra ngoài khiến tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn.
2. 4 nhóm thực phẩm nên ăn khi bị tiêu chảy
Các nhóm thực phẩm dễ tiêu nên ăn khi bị tiêu chảy có thể kể đến:
2.1. Tinh bột và ngũ cốc ít chất xơ
Tinh bột và ngũ cốc ít chất xơ dễ tiêu hóa, đồng thời chứa nhiều chất dinh dưỡng nên được khuyến khích cho người tiêu chảy. Nếu những người bệnh thắc mắc khi bị tiêu chảy nên ăn sáng gì, thì đây là một lựa chọn đúng đắn cho bữa sáng đủ chất.
Với tinh bột, người bệnh nên ăn cháo bởi cháo vừa mềm, dễ ăn, tiêu hóa nhanh lại đa dạng để đổi món. Vậy, tiêu chảy nên ăn cháo gì? Cháo cho người tiêu chảy cần cung cấp đạm, khoáng chất và vitamin để “tẩm bổ” như: Cháo trứng gà đậu đỏ, cháo ức gà nấm hương, cháo cá chép, cháo chim bồ câu…
Với ngũ cốc, có thể ăn kèm với sữa chua để kết hợp bổ sung lợi khuẩn, đồng thời tăng cường miễn dịch hệ tiêu hóa và giảm triệu chứng tiêu chảy.
2.2. Thịt gà
Thịt gà dễ tiêu hơn nên người tiêu chảy được khuyên nên ăn thịt gà thay vì thịt lợn hay thịt bò. Ngoài ra, thịt gà cung cấp protein, vitamin (A, C, E, B1, PP…), Kali giúp bổ sung dinh dưỡng sau khi đi ngoài nhiều lần. Tuy nhiên lưu ý, chỉ nên ăn phần thịt gà nạc bởi phần da chứa nhiều lipid, có thể gây khó tiêu, tiêu chảy nặng hơn.
Món cháo nấu với nước dùng gà và thịt gà băm chắc hẳn sẽ khiến người bệnh tiêu chảy cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều.
2.3. Trứng
Trứng là thực phẩm an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao: Hàm lượng acid amin cao, hàm lượng lipid thấp, nhiều vitamin ( A, D, K, B12…) và chất khoáng (Kali, Canxi, kẽm, sắt…). Vì vậy, nên ăn trứng để bổ sung dinh dưỡng khi bị tiêu chảy. Có thể chế biến trứng bằng cách luộc hay nấu cháo.
2.4. Thực phẩm giàu lợi khuẩn
Men vi sinh cung cấp lợi khuẩn, có tác dụng kìm hãm sự phát triển vi khuẩn gây hại đường tiêu hóa, đồng thời tạo hàng rào bảo vệ đường ruột khỏi tác nhân gây hại. Từ đó, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giúp người bệnh dễ hấp thu và nâng cao đề kháng. Do đó, sử dụng thực phẩm chứa men vi sinh là biện pháp trị tiêu chảy hiệu quả.
Một số thực phẩm chứa men vi sinh: Sữa chua, sữa uống lên men…
Ngoài ra, người bệnh tiêu chảy có thể tham khảo chế độ ăn “White Diet”. Đây là tên gọi bởi Chuyên gia Dinh dưỡng Stanford, chỉ chế độ ăn cho người tiêu chảy. Chế độ ăn này gồm những thực phẩm tiêu hóa nhanh, đồng thời bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và cả ion thiết yếu (Natri, Kali…) cho bệnh nhân tiêu chảy, bao gồm: Cơm, cháo, chuối, nước ép táo, bánh mì, ức gà, cá, đậu phụ, sữa chua.
3. 5 nhóm thực phẩm cần kiêng khi bị tiêu chảy
Người tiêu chảy cần kiêng nhóm thực phẩm sau:
3.1. Nhóm thực phẩm nhiều đạm
Thức ăn nhiều đạm (protein) được coi là thực phẩm khó tiêu, nếu không tiêu hóa được sẽ bị đẩy ra ngoài theo phân, khiến người bệnh tiêu chảy kéo dài hơn. Đặc biệt, với người bệnh tiêu chảy do thiếu hụt enzym tiêu hóa, việc tiêu hóa các nhóm thức ăn này càng khó khăn hơn. Nhóm này bao gồm:
- Hải sản: Tôm, cua, ghẹ…
- Các loại thịt: Thịt bò, thịt trâu
- Các loại hạt : Lạc, đậu, đỗ…
- Sữa và các thực phẩm từ sữa: Phomai, cheese…
3.2. Nhóm thực phẩm nhiều đường
Thức ăn nhiều đường gây lợi tiểu thẩm thấu, tức trong nước tiểu người bệnh nhiều đường, kéo theo mất nhiều nước hơn theo đường tiểu tiện. Do đó, người tiêu chảy không nên ăn thực phẩm thuộc nhóm này tránh mất nước nghiêm trọng.
Thực phẩm nhiều đường có thể kể đến:
- Bánh kẹo ngọt
- Đồ uống ngọt, trà sữa…
3.3. Nhóm thực phẩm nhiều chất xơ
Bình thường, chất xơ giúp tạo khuôn phân, giúp đi ngoài dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ở người bệnh tiêu chảy, việc tiêu hóa chất xơ khó khăn có thể khiến hệ tiêu hóa phải làm việc quá tải. Vì vậy, trong giai đoạn đầu tiêu chảy, không nên ăn thực phẩm nhiều chất xơ. Chỉ sau khi tình trạng cải thiện, người bệnh mới bắt đầu bổ sung chất xơ lại.
Các thực phẩm nhiều chất xơ người bệnh tiêu chảy nên tránh:
- Măng
- Rau cần
- Các loại cải: Cải bắp, cải ngọt, cải xoong…
3.4. Nhóm thực phẩm nhiều dầu mỡ
Tiêu hóa chất béo như dầu mỡ cần thời gian dài hơn, khiến hệ tiêu hóa phải làm việc kéo dài. Chưa kể đến những người bệnh thiếu enzym lipase – enzym phân cắt chất béo, thức ăn sẽ không tiêu hóa được và tống ra ngoài, làm tăng lượng phân và tần suất đi ngoài.
Người bệnh tiêu chảy cần tránh các thực phẩm nhiều dầu mỡ như:
- Đồ ăn rán: Gà rán, xúc xích rán…
- Các món chiên, xào…
3.5. Nhóm thực phẩm gây đầy hơi
Thực phẩm gây đầy hơi gây khó chịu vùng bụng, đặc biệt với người đang bị tiêu chảy. Điều này có thể khiến tình trạng tiêu chảy nghiêm trọng hơn.
Thực phẩm gây đầy hơi người bị tiêu chảy nên tránh:
- Đồ uống có gas như soda, nước ngọt…
- Nhai kẹo cao su
- Các loại đậu: Đậu phộng, đậu đen, đậu đỏ…
4. Cần làm gì để tiêu chảy nhanh cải thiện
Bên cạnh chế độ ăn hợp lý, để tình trạng tiêu chảy khỏi nhanh, người bệnh cần áp dụng các biện pháp sau:
Bổ sung nước và điện giải bằng Oresol
Oresol là dung dịch bù nước và điện giải, trực tiếp bổ sung nước và điện giải để bù lượng cơ thể đã thải ra ngoài. Do đó, đây là biện pháp nhanh và hiệu quả nhất giúp cải thiện tình trạng tiêu chảy.
Bổ sung men vi sinh
Men vi sinh cung cấp lợi khuẩn tiêu hóa, giúp tiêu diệt các vi sinh vật có hại và cân bằng lại hệ vi khuẩn đường ruột. Từ đó, các triệu chứng tiêu chảy sẽ giảm đáng kể. Lưu ý, cần lựa chọn các loại men vi sinh đã qua kiểm chứng chất lượng, tránh mua các sản phẩm trôi nổi trên thị trường để “tiền mất, tật mang”.
Kết hợp sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của dược sĩ/ bác sĩ
Trong trường hợp đi ngoài phân lỏng nhiều lần dẫn đến cơ thể mệt mỏi, li bì, người bệnh cần đến bác sĩ để được thăm khám và tư vấn sử dụng hợp lý.
Hi vọng bài viết giúp người bệnh trả lời được câu hỏi Tiêu chảy nên ăn gì?, đồng thời sáng tạo được Thực đơn dinh dưỡng mau hồi phục phù hợp.
Ngoài ra, nếu cần được tư vấn và giải đáp thắc mắc, bạn đừng ngần ngại liên hệ HOTLINE 19009482 để được các chuyên gia sức khỏe của Imiale A+ hỗ trợ tận tình.