Táo bón là bệnh lý thường gặp ở mọi lứa tuổi. Nhiều loại thuốc điều trị táo bón được sản xuất để khắc phục tình trạng này, một trong số đó là thuốc Forlax. Đây là loại thuốc khá phổ biến và được đánh giá cao về độ hiệu quả. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin về công dụng, liều dùng và tác dụng phụ có thể gặp khi dùng Forlax.
1. Thuốc Forlax 10g là thuốc gì?
Thuốc Forlax 10g là thuốc nhuận tràng thẩm thấu. Đây là loại thuốc trị táo bón không cần kê đơn chứa hoạt hoạt chất macrogol cao phân tử.
- Nhà sản xuất: Công ty Dược phẩm Ipsen Pharma (Pháp).
- Dạng bào chế: Bột pha dung dịch uống.
- Quy cách đóng gói: 1 hộp gồm 20 gói, mỗi gói 10,176g.
- Giá tham khảo: Giá bán tại thị trường Việt Nam là 5.000 đồng/gói và 100.000 đồng/hộp. Đây là mức giá tham khảo và có thể thay đổi tùy thuộc vào thời điểm và nhà thuốc khác nhau.
2. Thành phần của Forlax
Mỗi gói thuốc Forlax bao gồm:
- 10g Macrogol 4000.
- 0,017g Saccharin sodium.
- 0,15g hương cam, bưởi.
- Thành phần của hương vị gồm: Tinh dầu cam, tinh dầu bưởi, nước cam cô đặc, citral, acetaldehyde, linalol, ethyl butyrate, cùng các tá dược khác.
3. Công dụng của thuốc Forlax 10g
Thuốc bột Forlax có công dụng nhuận tràng, được dùng để làm tăng lượng nước trong phân, từ đó làm mềm phân, tăng khối lượng phân. Forlax phát huy tác dụng dần sau khi uống trong vòng từ 24 đến 48 giờ.
Cơ chế hoạt động của thuốc điều trị táo bón Forlax:
- Cơ chế dược động học: Theo các dữ liệu dược động học, macrogol 4000 trong Forlax không bị hấp thụ và chuyển hóa trong đường tiêu hóa khi dùng theo đường uống.
- Cơ chế dược lực học: Thành phần Macrogol 4000 là các polymer dài thẳng, liên kết với phân tử nước bằng cầu nối hydrogen. Khi uống vào cơ thể, chúng giúp làm tăng lượng dịch trong lòng ruột. Chất dịch này sẽ không bị cơ thể hấp thu nên chúng kéo nước trong đường ruột, tăng thể tích phân, làm mềm phân, giúp nhuận tràng.
Một số điểm cộng của thuốc điều trị táo bón Forlax được đánh giá cao chính là giúp tăng số lần đi ngoài nhưng không gây rối loạn chất điện giải trong cơ thể. Ngoài ra, hệ vi sinh đường ruột cũng ít bị ảnh hưởng khi sử dụng thuốc.
Tuy vậy, đây chỉ là giải pháp tạm thời, không thể sử dụng liên tục trong suốt thời gian dài. Do đó, người bệnh cần kết hợp uống thuốc đúng cách cùng chế độ ăn uống phù hợp, sinh hoạt khoa học mỗi ngày.
Nếu các triệu chứng táo bón vẫn còn xuất hiện dù bạn đã thực hiện ăn uống đầy đủ và lối sống lành mạnh, bạn hãy cân nhắc đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được thăm khám, tìm ra nguyên nhân để được điều trị bằng phương pháp và loại thuốc thích hợp.
>>> Xem thêm: Tổng hợp 7 thuốc nhuận tràng thông dụng, hiệu quả nhanh nhất
4. Những ai có thể sử dụng thuốc Forlax?
Thuốc bột Forlax được chỉ định để điều trị táo bón cho các đối tượng:
- Người lớn.
- Trẻ em trên 8 tuổi.
5. Chống chỉ định của thuốc điều trị táo bón Forlax
Thuốc Forlax chống chỉ định cho các bệnh:
- Viêm ruột nặng như viêm loét đại tràng, phình đại tràng nhiễm độc, bệnh Crohn.
- Nguy cơ thủng đường tiêu hoá hoặc thủng đường tiêu hoá.
- Người mắc bệnh không dung nạp fructose (bệnh di truyền hiếm gặp) do thuốc có chứa thành phần sorbitol.
- Nghi ngờ tắc ruột, triệu chứng hẹp ruột, tắc ruột.
- Hội chứng đau bụng mà không biết rõ nguyên nhân.
- Nhạy cảm với bất kỳ hoạt chất hay thành phần nào của thuốc.
6. Liều dùng cụ thể cho từng đối tượng
Thuốc Forlax được bào chế theo dạng bột nên cách sử dụng khá đơn giản. Bạn hãy hòa tan gói thuốc trong 1 ly nước khoảng 125ml rồi uống.
Tùy thuộc vào đáp ứng thuốc của từng đối tượng mà bạn nên cân chỉnh liều dùng thuốc cho phù hợp. Nhà sản xuất khuyến cáo người bệnh táo bón sử dụng theo liều dùng như sau:
- Trẻ em trên 8 tuổi: Uống từ 10 đến 20g mỗi ngày, tương đương 1 – 2 gói thuốc. Bố mẹ không nên cho trẻ uống Forlax điều trị táo bón liên tục quá 3 tháng.
- Người trưởng thành: Dùng 10 – 20g mỗi ngày, tương đương 1 – 2 gói thuốc, không uống quá 8 gói mỗi ngày. Tốt nhất là bạn nên uống duy nhất 1 liều thuốc vào buổi sáng.
Bệnh nhân uống quá liều Forlax có nguy cơ bị đau bụng, tiêu chảy và nôn ói. Tình trạng tiêu chảy do uống thuốc quá liều sẽ chấm dứt nếu bạn ngừng thuốc hoặc giảm liều. Việc mất dịch quá nhiều do nôn hoặc tiêu chảy có thể cần bù điện giải.
7. Những tác dụng phụ của thuốc
Mặc dù Forlax là loại thuốc không kê đơn và an toàn cho sức khỏe nhưng nó vẫn gây nên tác dụng phụ không mong muốn trong vài trường hợp hiếm gặp. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra với người bị táo bón sau khi dùng Forlax 10g là:
- Rối loạn dạ dày và ruột: Các triệu chứng thường xuyên gặp phải là chướng bụng, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Bên cạnh đó, người bệnh có thể bị nôn, có cảm giác muốn đi tiêu gấp hoặc đi tiêu không tự chủ.
- Rối loạn dinh dưỡng và chuyển hóa: Rối loạn điện giải như giảm kali hay natri máu, mất nước, thường gặp ở người già.
- Rối loạn hệ miễn dịch: Tình trạng này hiếm khi xảy ra với phản ứng quá mẫn cảm như phù mạch, số phản vệ, phát ban, nổi mày đay, ngứa ngáy, nổi ban đỏ.
Trong trường hợp gặp các triệu chứng trên, bệnh nhân hãy thông báo ngay với bác sĩ để được xử trí tốt nhất. Để đảm bảo an toàn, bạn không được tự ý mua thuốc, ngưng hay thay đổi liều lượng khi không được bác sĩ cho phép.
8. Những lưu ý chung khi sử dụng Forlax trong điều trị táo bón
Trước khi sử dụng thuốc Forlax, bạn cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:
Sử dụng cho trẻ nhỏ
Bố mẹ không nên cho trẻ em dưới 8 tuổi uống thuốc bột Forlax. Việc điều trị táo bón cho trẻ em trên 8 tuổi được đề nghị không kéo dài quá 3 tháng. Thay vào đó, bố mẹ hãy duy trì cho trẻ một chế độ ăn uống đầy đủ chất xơ và các dưỡng chất khác, thói quen sinh hoạt lành mạnh, lối sống hợp vệ sinh.
Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú
Hiện nay, vẫn chưa có báo cáo đầy đủ xác định rủi ro khi mẹ bầu và mẹ đang cho con bú dùng thuốc. Vì thế, mẹ hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để được cảnh báo về nguy cơ có thể xảy ra. Mẹ cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, uống đúng liều lượng được khuyến cáo nhằm đảm bảo sự an toàn cho cả hai mẹ con.
9. Chế độ ăn uống và sinh hoạt
Điều trị táo bón với thuốc Forlax nói riêng hay bất kỳ loại thuốc nào nói chung đều cần bệnh nhân kết hợp với lối sống lành mạnh, chế độ ăn bổ dưỡng. Bạn hãy xây dựng cho mình một khẩu phần ăn uống chứa nhiều chất lỏng và chất xơ, chẳng hạn như:
- Trái cây: Bơ, quả mọng, chuối, táo, lê, cam, thanh long, đu đủ… chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể.
- Rau củ: Bắp cải, súp lơ, rau lang, rau mồng tơi… với hàm lượng chất xơ dồi dào vừa tăng cường hoạt động của nhu động ruột, làm mềm phân, cải thiện táo bón hiệu quả.
- Sữa chua: Thành phần các lợi khuẩn phong phú trong thực phẩm này rất tốt cho hệ tiêu hóa, tăng sức khoẻ của hệ đường ruột, ngăn ngừa và cải thiện tình trạng táo bón.
- Hạn chế uống sữa và các chế phẩm từ sữa, thức ăn nhanh, đồ chiên xào, thịt đỏ, đồ ngọt, thức uống chứa cồn… vì chúng sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng táo bón.
Bên cạnh đó, việc tập thể dục hay hoạt động thể lực thích hợp và luyện tập phản xạ của ruột cũng hỗ trợ bệnh nhanh cải thiện. Ngoài ra, việc uống mỗi ngày 2 lít nước cũng giúp cơ thể thanh lọc, tiêu hoá thuận lợi, hỗ trợ nhu động ruột hoạt động tốt hơn, làm mềm phân, giảm táo bón.
>>> Xem thêm: Táo bón nên ăn gì? Top 17 thực phẩm vàng giúp cải thiện táo bón
10. Thận trọng khi dùng thuốc
Một số vấn đề khi dùng thuốc Forlax mà người bệnh cần cẩn trọng bao gồm:
- Forlax là loại thuốc không chứa nhiều đường và polyp. Bác sĩ có thể kê đơn Forlax cho bệnh nhân bị tiểu đường hoặc người đang trong chế độ ăn kiêng không chứa galactose.
- Bệnh nhân bị tiêu chảy có xu hướng bị rối loạn cân bằng nước – điện giải, đặc biệt là ở người suy giảm chức năng gan thận, người già, người đang dùng thuốc lợi tiểu. Khi đó, bạn nên cân nhắc việc điều chỉnh điện giải.
- Trước khi điều trị táo bón với Forlax, bạn hãy loại trừ các rối loạn thực thể. Do thuốc có chứa macrogol (polyethylene glycol) nên đã có trường hợp bị phản ứng quá mẫn cảm như phù mạch, sốc phản vệ, phát ban, mày đay, ban đỏ, ngứa. Trường hợp phản ứng quá mẫn cảm nặng gây co thắt phế quản có thể hiếm gặp.
Đã có trường hợp ghi nhận hít vào phế quản khi đưa vào cơ thể qua ống thông mũi dạ dày một lượng lớn polyethylene glycol và chất điện giải. Trẻ em bị thiểu năng thần kinh kèm rối loạn chức năng vùng miệng đặc biệt có khả năng gặp nguy cơ này.
Tình trạng táo bón lâu ngày khiến người bệnh khó chịu và bị ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Mong rằng những chia sẻ trên đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích về thuốc Forlax. Tuy đây là loại thuốc an toàn cho sức khỏe, công hiệu cao nhưng người bị táo bón không nên chủ quan tự ý mua thuốc uống mà cần đến cơ sở y tế thăm khám để được bác sĩ chuyên môn chỉ định loại thuốc phù hợp nhất với sức khỏe của mình!
>>> Xem bài viết: 5 nhóm thuốc trị táo bón thông dụng bạn cần biết