Duphalac là thuốc nhuận tràng thẩm thấu. Đây là lựa chọn đầu tay khi tình trạng táo bón không cải thiện mặc dù bệnh nhân thay đổi lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh. Để sử dụng đúng cách thuốc Duphalac, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mục lục
- 1. Thuốc Duphalac là thuốc gì? Thành phần và dạng bào chế.
- 2. Công dụng và cơ chế của thuốc Duphalac
- 3. Chỉ định – chống chỉ định.
- 4. Liều dùng, cách dùng.
- 5. Tác dụng không mong muốn
- 6. Tương tác thuốc
- 7. Xử trí quá liều, quên liều
- 8. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Duphalac
- 9. Mua thuốc Duphalac ở đâu và giá thành như thế nào?
1. Thuốc Duphalac là thuốc gì? Thành phần và dạng bào chế.
Duphalac là thuốc biệt dược chứa lactulose 667 g/L ở dạng dung dịch. Thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị táo bón và bệnh não gan hay hôn mê gan. Trên thị trường hiện nay có 2 dạng thành phẩm là gói (15 ml/gói × 20 gói) và lọ (dung tích 200, 500, 1000ml)
Thành phần: Thành phần chính của Duphalac là lactulose. Đây là một disaccharide được tổng hợp từ galactose và fructose. Ngoài ra thuốc còn chứa một số dẫn xuất của đường cùng nhóm và không có bất kì tá dược nào.
Dạng bào chế: dung dịch uống, gói bột.
Cảm quan: Chất lỏng sền sệt, trong suốt, không màu đến nâu vàng
2. Công dụng và cơ chế của thuốc Duphalac
Công dụng:
Thuốc Duphalac có tác dụng làm mềm phân, kích thích nhu động ruột và khử độc amoniac.
Cơ chế:
- Nhuận tràng thẩm thấu: Sau khi vào đến đại tràng, lactulose sẽ bị vi khuẩn thủy phân. Sản phẩm tạo ra là các axit hữu cơ phân tử thấp, giảm độ pH môi trường ruột. Thuốc cũng có khả năng hút nước, làm tăng thể tích các chất trong lòng đại tràng. Những yếu tố trên giúp kích thích nhu động ruột, khối phân mềm hơn và dễ đào thải ra ngoài. Từ đó, thuốc giúp lấy lại nhịp sinh lí bình thường của ruột kết, cải thiện táo bón.
- Phát triển lợi khuẩn: Thuốc có chứa thành phần lactosse, tạo điều kiện để các lợi khuẩn đường ruột phát triển, bao gồm Bifidobacterium và Lactobacillus. Qua đó, thuốc ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn có hại, trả lại sự cân bằng, khỏe mạnh cho hệ tiêu hóa.
- Trong bệnh não gan: Bệnh thường do suy giảm chức năng giải độc của gan. Các chất có hại tích lũy, bao gồm amoniac, dẫn đến rối loạn tâm thần kinh. Các biểu hiện bao gồm rối loạn ý thức, rối loạn hành vi và hôn mê. Thuốc duphalac giải độc amoniac qua cơ chế ức chế vi khuẩn thủy phân protein ở ruột bằng cách kích thích vi khuẩn ưa axit như lactobacillus. Amoniac được giữ lại dưới dạng ion do bị axit hóa. Bên cạnh đó, thuốc có tác dụng thẩm thấu và kích thích vi khuẩn chuyển amoniac thành protein cho chính nó. Như vậy, Duphalac làm giảm nồng độ amoniac trong huyết tương.
3. Chỉ định – chống chỉ định.
Chỉ định
- Bệnh nhân bị táo bón. Đặc biệt, thuốc có thể dùng cho bệnh nhân táo bón mãn tính vì tính hiệu quả và an toàn sau thời gian dài sử dụng.
- Các trường hợp làm mềm phân sẽ có lợi cho người bệnh như: Bệnh trĩ, hậu phẫu thuật trực tràng-hậu môn,…
- Điều trị và dự phòng bệnh não gan hay hôn mê gan.
Chống chỉ định
- Người có dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc Duphalac: lactulose, lactose, galactose, fructose, …
- Bệnh nhân có galactose máu cao.
- Bệnh nhân tắc nghẽn dạ dày-ruột, thủng tiêu hóa hoặc nguy cơ thủng tiêu hóa. Nguyên nhân là do lactulose không được hấp thu, nên nếu không phân hủy, thuốc làm tăng thể tích lòng ruột và trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
Khi có bất cứ một trong các biểu hiện trên, người bệnh không nên sử dụng Duphalac. Nếu không chắc chắn về tình trạng của mình, người bệnh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
4. Liều dùng, cách dùng.
Cách dùng
Khi sử dụng thuốc Duphulac, người bệnh cần nhớ:
- Đối với sản phẩm không chia liều, bệnh nhân nên sử dụng cốc chia vạch để lấy đúng lượng thuốc cần dùng.
- Có thể uống trực tiếp hoặc pha loãng thuốc bằng nước đun sôi để nguội, nước hoa quả, sữa để điều chỉnh mùi vị của thuốc.
- Uống nước sau khi dùng thuốc: Lactulose chỉ hoạt động tốt khi được hút nước và trương nở. Vì thế, thuốc sẽ phát huy tối đa tác dụng nếu người bệnh uống đủ nước. Lượng nước cần uống phải phù hợp với từng độ tuổi. Người trưởng thành nên uống 6-8 cốc nước/ngày, tương đương 1,5-2 lít nước.
- Dùng ngay sau khi mở gói thuốc. Thuốc không dùng hết trong một lần nên bỏ đi, bởi chất lượng thuốc có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài.
- Có thể uống thuốc bất kỳ lúc nào trong ngày. Tuy nhiên, bệnh nhân nên cố định 1 thời điểm để tránh quên thuốc.
Liều dùng
Với bệnh nhân táo bón và các chứng bệnh cần làm mềm phân
Người lớn và thanh thiếu niên:
- Liều khởi đầu: 15-45 ml/ngày, tương đương 2-3 gói
- Liều duy trì: 15-30 ml/ngày, tương đương 1-2 gói
Trẻ em (7-14 tuổi):
- Liều khởi đầu: 15 ml/ngày, tương đương 1 gói
- Liều duy trì: 10 – 15 ml/ngày, tương đương 1 gói
Trẻ em (1-6 tuổi): 5-10 ml/ ngày
Nhũ nhi (dưới 1 tuổi): dưới 5 ml/ ngày
Lưu ý:
- Thuốc có thể uống 1-2 lần trong ngày. Liều thuốc sẽ được điều chỉnh theo từng ngày để phù hợp với tình trạng bệnh.
- Thuốc thường có tác dụng sau 2-3 ngày sử dụng.
- Đối với trẻ dưới 7 tuổi, lượng thuốc cần chính xác. Nếu lượng thuốc cần dùng nhỏ hơn đơn vị 1 gói (dưới 15ml), mẹ nên lựa chọn thuốc đóng chai có cốc chia vạch.
Với bệnh nhân cao tuổi, suy thận, suy gan: Chưa có khuyến cáo liều cụ thể.
Với bệnh não gan: Thuốc chỉ được sử dụng ở người lớn (trên 18 tuổi), với liều khởi đầu là 3-4 lần mỗi ngày, mỗi lần 30-45 ml hoặc 2-3 gói. Liều này có thể duy trì đến khi người bệnh đi tiêu phân mềm hai hoặc ba lần mỗi ngày.
5. Tác dụng không mong muốn
Một số tác dụng không mong muốn thường gặp khi sử dụng thuốc Duphulac:
Tiêu chảy
Tiêu chảy là tác dụng phụ thường gặp nhất khi sử dụng quá liều hoặc dài ngày thuốc Duphalac. Nguyên nhân là lượng lactose trong ruột quá nhiều, chúng sẽ làm lỏng phân và tăng nhu động ruột quá mức.
Đầy hơi, chướng bụng, nôn, buồn nôn
Biểu hiện này ít gặp hơn tiêu chảy nhưng vẫn chiếm tỉ lệ khá lớn trên các bệnh nhân sử dụng Duphalac. Đó là vì lactulose bị vi khuẩn ruột lên men, sinh ra khí. Bên cạnh đó, cơ thể không thể tiêu thụ lactulose, chất này tích trong lòng ruột và gây cảm giác đầy chướng, buồn nôn.
Mất điện giải
Nguy cơ này rất hiếm gặp. Bệnh nhân mắc bệnh não gan sau khi sử dụng thuốc liều cao và kéo dài, có thể bị tiêu chảy. Các ion có thể qua phân và đào thải ra ngoài, dẫn gây mất cân bằng điện giải. Nổi bật là tình trạng giảm Kali máu khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, ốm yếu, yếu cơ, run tay chân,…
6. Tương tác thuốc
Chưa có nghiên cứu cho thấy tương tác giữa Duphalac và các thuốc khác.
7. Xử trí quá liều, quên liều
Làm thế nào khi quá liều?
Khi bệnh nhân sử dụng thuốc lớn hơn liều chỉ định, họ có thể gặp phải tình trạng tiêu chảy và đầy bụng. Lúc này, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc giảm liều hoặc ngừng thuốc. Nếu bệnh nhân mất nước do tiêu chảy hoặc nôn mửa thì cần được bù điện giải.
Hiện chưa có thuốc giải độc đặc hiệu, chỉ có thể điều trị triệu chứng khi sử dụng quá liều.
Làm thế nào khi quên liều?
- Nếu nhớ ra mình đã quên một liều, hãy uống thuốc ngay.
- Nếu liều đã quên gần kề với liều phải dùng tiếp theo, bỏ qua liều đã quên và tiếp tục dùng thuốc như lịch trình.
Lưu ý: Tuyệt đối không tăng gấp đôi liều lượng để bù vào lượng thuốc đã quên. Điều này làm tăng nguy cơ quá liều, dẫn đến tăng tác dụng không mong muốn.
8. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Duphalac
Trước khi sử dụng thuốc
Người bệnh cần thông báo với bác sĩ các tình trạng dưới đây:
- Dị ứng với thành phần thuốc.
- Đang sử dụng các loại thuốc nào khác: Thuốc kháng axit, kháng sinh (nhất là Neomycin), thuốc nhuận tràng khác.
- Bệnh nhân tiểu đường hoặc đang theo chế độ ăn kiêng ít lactose.
- Bệnh nhân có ý định mang thai, đang mang thai, hoặc cho con bú.
- Bệnh nhân phẫu thuật hoặc xét nghiệm đại trực tràng.
- Đau bụng không rõ nguyên nhân.
Trong quá trình sử dụng thuốc
Người bệnh cần liên hệ với bác sĩ khi gặp các vấn đề sau:
- Thuốc không có tác dụng sau 2-3 ngày: Nếu sau khi dùng thuốc 2-3 ngày mà bệnh nhân không thấy tình trạng táo bón cải thiện, hãy đến gặp bác sĩ. Tùy theo tình trạng bệnh mà người bệnh có thể được tăng liều hoặc thay đổi thuốc điều trị.
- Gặp các tác dụng phụ bao gồm: Buồn nôn, chướng bụng, tiêu chảy không đỡ sau vài ngày và trở nên nghiêm trọng hơn.
- Xuất hiện tình trạng đau dạ dày, chuột rút, nôn mửa.
Sử dụng Duphalac thuốc biệt dược cho các đối tượng đặc biệt
- Phụ nữ có thai và cho con bú: Thuốc không ảnh hưởng xấu đến thai nhi, trẻ bú sữa mẹ và quá trình sinh sản.
- Người lái xe hoặc vận hành máy móc: Thuốc không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít với đối tượng trên
- Trẻ em: Thuốc được chứng minh an toàn trên trẻ em. Tuy nhiên, thuốc chỉ được sử dụng khi các biện pháp không dùng thuốc kém hiệu quả để điều trị táo bón. Duphalac không nên sử dụng lâu dài bởi thuốc có thể gây mất phản xạ đại tiện ở trẻ.
- Bệnh nhân đái tháo đường: Liều dùng để điều trị táo bón khá thấp, không ảnh hưởng đến tình trạng đái tháo đường ở nhóm bệnh nhân trên. Tuy nhiên, cần cân nhắc trước khi sử dụng thuốc cho bệnh nhân đái tháo đường có kèm bệnh não gan.
- Bệnh nhân không dung nạp lactose: Bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng
Dùng thuốc trong bao lâu?
Duphalac được sử dụng cho đến khi tình trạng táo bón kết thúc (thường là 1 tuần), hoặc có thể lâu hơn tùy theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, với bệnh nhân táo bón nặng hoặc mắc bệnh não gan thì thời gian điều trị nên kéo dài đến vài tháng.
9. Mua thuốc Duphalac ở đâu và giá thành như thế nào?
Duphalac là thuốc không kê đơn. Vì thế bệnh nhân có thể mua ở bất kì hiệu thuốc uy tín nào. Giá thuốc Duphalac có thể thay đổi tùy thuộc vào cơ sở bán thuốc và cách đóng gói. Nhìn chung, giá sẽ dao động quanh mức giá dưới đây:
- Dạng gói (10g/15ml mỗi gói x 20 gói/ hộp): 100.000đ
- Dạng đóng chai: Chai 200ml: 100.000, chai 500ml: 200.000đ.
Duphalac là loại thuốc điều trị táo bón an toàn và hiệu quả, tuy nhiên bệnh nhân vẫn không nên tự ý sử dụng. Trong thời gian dùng thuốc, người bệnh nên kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục mỗi ngày để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.
Nếu cần được tư vấn và giải đáp thắc mắc, bạn đừng ngần ngại liên hệ HOTLINE 19009482 để được các chuyên gia sức khỏe của Imiale A+ hỗ trợ tận tình.