Táo bón là tình trạng đại tiện khó khăn, xảy ra rất phổ biến và gặp ở mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ đến người cao tuổi. Nhiều người nghĩ rằng táo bón không nguy hiểm và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, chính vì sự chủ quan này khiến tình trạng táo bón trở thành thể mạn tính và diễn biến nặng hơn. Vậy “Táo bón thì phải làm thế nào?”. Bạn đừng quá lo lắng về vấn đề này vì bài viết này sẽ bật mí 9 phương pháp để cải thiện tình trạng táo bón trong bài viết này.
Mục lục
- 1. Bị táo bón bao lâu thì khỏi?
- 2. Ảnh hưởng của táo bón đối với sức khỏe
- 3. Táo bón phải làm thế nào? Bật mí 9 phương pháp hữu ích
- 3.1. Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý
- 3.2. Bổ sung thêm nước
- 3.3. Rèn đi vệ sinh đều đặn
- 3.4. Tư thế ngồi chuẩn khi đi vệ sinh
- 3.5. Tập các động tác giúp đi đại tiện dễ dàng
- 3.6. Giữ tinh thần thoải mái, giảm căng thẳng, stress
- 3.7. Massage vùng lưng – bụng
- 3.8. Sử dụng các thuốc hỗ trợ
- 3.9. Bổ sung lợi khuẩn – chìa khóa vàng cải thiện táo bón
1. Bị táo bón bao lâu thì khỏi?
Tùy vào tình trạng bệnh cũng như thể trạng và lối sống của mỗi người, táo bón có thể tự hồi phục hoặc cần sự can thiệp khác nhau.
Thông thường, táo bón sẽ tự hết trong vài ngày hoặc thuyên giảm sau khi bạn sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc một phương pháp điều trị táo bón khác.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp táo bón có thể kéo dài trên 4 tuần và được liệt vào táo bón mạn tính. Táo bón lâu ngày không những gây ra nhiều sự khó chịu, bất tiện cho người bệnh mà còn trở thành tác nhân ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
>>> Xem thêm: Táo bón lâu ngày – Dấu hiệu bệnh lý không thể bỏ qua
2. Ảnh hưởng của táo bón đối với sức khỏe
Thông thường, táo bón sẽ không đáng lo ngại nếu nó diễn ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, khi tình trạng này kéo dài và trở thành bệnh mãn tính thì táo bón có thể gây ra những tác hại nhất định cho cơ thể như:
Bệnh trĩ
Khi bị táo bón, bạn thường phải dùng nhiều sức để đẩy phân ra ngoài. Điều này có thể làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch xung quanh trực tràng và hậu môn, hay còn được gọi là búi trĩ. Hậu quả là làm các búi trĩ sưng phồng lên, khiến người bệnh cảm thấy ngứa và đau, thậm chí còn gây chảy máu khi đại tiện và nhiễm trùng.
Nứt hậu môn
Phân cứng và khô có thể gây ra các vết rách li ti ở hậu môn. Những vết này có thể gây ngứa, đau đớn và chảy máu. Do đó, việc đi vệ sinh trở nên càng khó khăn hơn, đồng thời khiến tình trạng táo bón trở nên trầm trọng.
Ứ phân trong đại tràng
Táo bón mãn tính khiến bạn không thể tống phân ra khỏi cơ thể. Lâu ngày, phân sẽ càng tích lại gây tắc nghẽn và mắc kẹt trong đại tràng.
Chứng sa trực tràng
Việc cố gắng rặn khi đi đại tiện có thể khiến một đoạn nhỏ trực tràng bị căng ra và nhô ra khỏi hậu môn.
Thay đổi tâm lý, stress
Người bị táo bón thường cảm thấy căng thẳng, hay cáu gắt, ăn không ngon, mất ngủ và thường xuyên mệt mỏi dẫn đến sức khỏe sa sút.
Chứng sợ ăn
Tình trạng này gặp ở hầu hết người bị táo bón, đặc biệt là trẻ nhỏ rất biếng ăn, ăn kém. Do họ thường xuyên bị đầy bụng, ăn không tiêu và rất cảm giác đau khi đi đại tiện.
>>> Xem bài viết: Cảnh báo 8 hậu quả của táo bón không thể bỏ qua
3. Táo bón phải làm thế nào? Bật mí 9 phương pháp hữu ích
Chính vì sự bất tiện và khó khăn khi đại tiện do táo bón gây ra, khiến bất kỳ ai cũng muốn thoát khỏi tình trạng này ngay lập tức. Thực tế, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh táo bón đơn giản, thông qua việc hình thành thói quen sinh hoạt và chế độ ăn lành mạnh. Điều này sẽ giúp tăng cường sức khỏe và cải thiện chức năng của các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Hãy tham khảo các phương pháp hữu ích dưới đây để tránh khỏi tình trạng khó nói này:
3.1. Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng để hệ tiêu hóa có thể hoạt động tốt nhất. Đặc biệt, bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Chất xơ có tác dụng chính là nhuận tràng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn ruột phát triển, giúp hấp thu thức ăn và đào thải chất dư thừa. Khi vào cơ thể, chất xơ hút nước làm tăng thể tích và làm mềm phân. Ngoài ra, nó còn giúp kích thích thành ruột, tăng nhu động ruột và tăng co bóp để phân dễ đào thải ra ngoài.
Nguồn thực phẩm dồi dào chất xơ bao gồm: trái cây tươi, các loại đậu, rau xanh và các thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt. Nên hạn chế ăn các loại thực phẩm như sữa, pho mát, gạo trắng, bột mì trắng và thịt đỏ, vì chúng có góp phần gây táo bón.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng một người bình thường nên bổ sung khoảng 20-30g chất xơ mỗi ngày.
>>> Xem thêm: Táo bón nên ăn gì? Top 17 thực phẩm vàng cải thiện táo bón hiệu quả
3.2. Bổ sung thêm nước
Uống đủ nước là một thói quen tốt và đem lại vô vàn lợi ích về sức khỏe cho bạn.Nước cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa táo bón. Uống nước để tránh tình trạng mất nước, giúp quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra trơn tru hơn, làm phân mềm hơn để dễ đi ngoài. Ngoài ra, nước còn hỗ trợ chất xơ hoạt động tốt hơn, từ đó tăng hiệu quả khắc phục tình trạng táo bón. Hãy tập thói quen uống ít nhất 1.5 lít -2 lít nước mỗi ngày. Tránh đồ uống có chứa caffein và rượu, vì đây là các chất gây lợi tiểu khiến cơ thể bạn càng mất nước thêm.
3.3. Rèn đi vệ sinh đều đặn
Bác sĩ khuyên rằng bạn nên tập cho mình thói quen đi đại tiện vào cùng một thời điểm trong ngày. Việc này sẽ giúp bạn đi đại tiện đều đặn hơn. Đi đại tiện vào buổi sáng là thời điểm tốt nhất. Vì trong giờ đầu tiên sau khi ngủ dậy là lúc đại tràng co bóp mạnh gấp 3 lần bình thường, hệ tiêu hoá sẽ ra tín hiệu để bạn cảm giác muốn đi đại tiện.
Hãy đảm bảo bạn dành đủ thời gian để đi đại tiện và đi ngay khi cảm thấy cần thiết, đừng cố nhịn. Việc nhịn sẽ dẫn đến táo bón chuyển thành thể mãn tính, khiến phân bắt đầu khô và khó đi ngoài hơn. Cố gắng thư giãn các cơ của bạn hoặc đặt chân của bạn trên một chiếc ghế để giúp bản thân thoải mái hơn.
3.4. Tư thế ngồi chuẩn khi đi vệ sinh
Khi đi vệ sinh bạn có thể ngồi xổm hoặc ngồi bệt. Tuy nhiên, tư thế ngồi xổm được khuyến khích hơn cả. Bởi khi ở tư thế này, đầu gối của bạn cao hơn hông, giúp cho đường ống hậu môn ở tư thế thẳng. Điều này làm phân được đẩy ra ngoài dễ dàng và tự nhiên hơn, bạn sẽ đi ngoài dễ dàng hơn, không tốn nhiều sức để rặn phân.
Nếu ngồi bệt thì nên kê thêm một ghế nhỏ dưới chân( khoảng 20cm) để nâng cao chân, gấp đùi về phía bụng để đi vệ sinh dễ dàng hơn.
Ngoài ra, bạn nên nghiêng người về phía trước một góc 35 độ thay vì ngồi thẳng. Vì khi bạn cần đi vệ sinh, cơ hậu môn trực tràng sẽ giãn ra và góc trực tràng mở rộng. Việc nghiêng người về phía trước sẽ mở rộng góc của trực tràng, giúp phân có thể đi thẳng và đẩy ra ngoài dễ dàng hơn. Nên hóp bụng khi bạn hít vào để tạo áp lực đẩy phân xuống và làm rỗng ruột.
Tất cả những động tác này sẽ giúp cơ thể bạn thư giãn và đi vệ sinh dễ dàng hơn.
3.5. Tập các động tác giúp đi đại tiện dễ dàng
Một trong nhiều lợi ích của việc tập thể dục thường xuyên là giúp tăng nhu động ruột. Từ đó làm tăng vận tốc di chuyển của phân trong đại tràng và đào thải ra ngoài dễ dàng hơn.
Tập luyện đúng cách còn hỗ trợ khắc phục chứng khó tiêu, thúc đẩy hệ tiêu hóa tăng cường làm việc. Đồng thời, hoạt động thể chất thường xuyên sẽ giúp làm giảm căng thẳng, mệt mỏi, loại bỏ các yếu tố khiến tình trạng táo bón tồi tệ thêm.
Tốt nhất, nên tập thể dục mỗi ngày khoảng 30 – 45 phút. Thực hiện các hoạt động thể chất như đi bộ, chạy, đạp xe hay bơi lội sẽ giúp bạn phục hồi chức năng tiêu hóa của ruột một cách hiệu quả. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý lựa chọn các bài tập phù hợp với bản thân và kết hợp với tập luyện đúng cách.
Ngoài ra, với những người bận rộn, ít thời gian tập thể dục thì có thể tham khảo một số động tác đơn giản để làm giảm tình trạng táo bón như: Hít thở sâu, ngồi xổm, bài tập cơ sàn chậu, massage tai, bài tập yoga gập người… Đây là những bài tập dễ dàng thực hiện và áp dụng bất cứ lúc nào.
3.6. Giữ tinh thần thoải mái, giảm căng thẳng, stress
Ruột hoạt động như “bộ não thứ hai” của cơ thể, chứa hàng triệu tế bào thần kinh nên được gọi là hệ thần kinh ruột. Bên cạnh đó, hệ thần kinh ruột còn liên kết 2 chiều với hệ thần kinh trung ương, được gọi là trục não – ruột. Đây là liên kết giữa các trung tâm cảm xúc và nhận thức của não với các chức năng ngoại vi của ruột.
Khi gặp căng thẳng hoặc lo lắng, cơ thể sẽ tăng tiết một số hormon làm giảm lợi khuẩn trong cơ thể, dẫn đến mất sự cân bằng của hệ vi sinh vật sống trong đường ruột. Bên cạnh đó, stress còn làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, làm giảm co bóp và nhu động ruột. Từ đó, gây ra tình trạng rối loạn tiêu hoá, khó tiêu và dẫn đến táo bón. Ngược lại, hệ khuẩn chí đường ruột cũng có thể chi phối một phần trạng thái tâm lý của chúng ta. Do đó, khi bị táo bón, hệ khuẩn chí sẽ gửi tín hiệu đến não và bệnh nhân sẽ cảm thấy đau và khó chịu.
Do vậy để tránh táo bón, bạn cần phải giữ cho tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, stress trong công việc và trong sinh hoạt.
Chú ý là ngủ đủ giấc (trung bình 8 tiếng mỗi ngày), vì mất ngủ cũng là nguyên nhân dẫn đến táo bón.
3.7. Massage vùng lưng – bụng
Người bị táo bón thường có cảm giác khó chịu, thậm chí là đau đớn. Việc massage vùng lưng – bụng sẽ giúp bạn được thư giãn, thả lỏng các cơ, kích thích thải khí và giảm nhu cầu sử dụng thuốc nhuận tràng dài ngày, từ đó giảm hội chứng ruột kích thích.
Có thể thực hiện các thao tác massage đơn giản như sau:
- Nằm ở nơi yên tĩnh giúp tinh thần thoải mái, dễ chịu
- Dùng đầu ngón tay massage quanh rốn với chuyển động tròn theo kim đồng hồ. Lặp lại động tác xoay tròn liên tục.
- Vuốt bụng từ trái sang phải
- Day các ngón tay xung quanh vùng bụng
- Để hai tay úp lên nhau, xoa ngược chiều kim đồng hồ liên tục
- Dùng các đầu ngón tay massage theo các vòng tròn nhỏ
- Xoa từ hai bên bụng vào trong và hướng xuống bên dưới.
Lặp lại các động tác massage trong 10-20 phút. Tạo thói quen thực hiện mỗi ngày để ngăn ngừa tình trạng táo bón và đầy hơi.
>>> Xem bài viết: 9 mẹo chữa táo bón cấp tốc
3.8. Sử dụng các thuốc hỗ trợ
Nếu tình trạng táo bón không giảm đi dù bạn đã thực hiện những phương pháp trên, bạn có thể tham khảo các loại thuốc nhuận tràng để khắc phục triệt để táo bón.
Thuốc nhuận tràng chứa các hóa chất giúp tăng nhu động, khối lượng và tần suất phân, do đó làm giảm táo bón tạm thời. Các nhóm thuốc điều trị táo bón thường được sử dụng hiện nay là:
Thuốc nhuận tràng làm trơn
Với thành phần là dầu khoáng, thuốc có tác dụng bôi trơn thành ruột, giúp khối phân không bị khô, dễ di chuyển. Tuy nhiên, dầu khoáng có thể hấp thu các vitamin tan dầu (A,D,E,K,…) ở ruột và làm giảm tác dụng của thuốc dùng cùng. Chỉ sử dụng như một phương pháp chữa táo bón trong thời gian ngắn.
Thuốc nhuận tràng làm mềm
Là thuốc chứa Docusat – một chất hoạt động bề mặt giúp làm “ướt” và làm mềm phân. Do thuốc ít hiệu quả nên hiện nay ít sử dụng, chỉ được dùng trong các trường hợp: người đang hồi phục sau phẫu thuật, phụ nữ sau sinh hoặc người bị bệnh trĩ .
Thuốc nhuận tràng thẩm thấu
Đây là thuốc được sử dụng phổ biến nhất. Thuốc có tác dụng kéo nước vào lòng ruột từ các mô xung quanh, làm tăng nhu động ruột và phân dễ đào thải ra ngoài hơn. Nên bổ sung nhiều nước khi sử dụng thuốc nhuận tràng thẩm, vừa tăng hiệu quả nhuận tràng mà còn làm giảm tình trạng đầy hơi và chuột rút .
Thuốc nhuận tràng kích thích
Đây là loại thuốc giúp giảm cảm giác đau và tình trạng táo bón tức thì. Thuốc này kích thích lớp niêm mạc của ruột, đẩy nhanh quá trình di chuyển của phân qua đường ruột. Thuốc có tác dụng phụ như đau bụng, rối loạn nước và điện giải, mất trương lực ruột và lệ thuộc thuốc khi sử dụng lâu dài, do đó không nên dùng thuốc thường xuyên.
Thuốc nhuận tràng tạo khối
Thuốc có khả năng hút nước, tạo thành 1 khối gel làm mềm phân và kích thích nhu động ruột. Dùng với mục đích phòng ngừa do thuốc khởi phát chậm (1-3 ngày). Tuy nhiên thuốc có thể gây đầy hơi, tiêu chảy và co thắt dạ dày.
>>> Xem bài viết: Tổng hợp 7 thuốc nhuận tràng thông dụng, hiệu quả nhanh nhất
3.9. Bổ sung lợi khuẩn – chìa khóa vàng cải thiện táo bón
Có hàng nghìn tỷ vi khuẩn cư trú trong ruột và được gọi chung là hệ vi sinh vật đường ruột. Những vi khuẩn có lợi và vi khuẩn gây bệnh tồn tại cân bằng với nhau.
Tuy nhiên, khi có sự thay đổi về lối sống hoặc chế độ dinh dưỡng có thể làm mất đi sự cân bằng này, dẫn đến loạn khuẩn ruột và gây ra táo bón. Do đó, việc bổ sung lợi khuẩn sẽ giúp cân bằng vi sinh, khôi phục chức năng sinh lý của hệ tiêu hóa và giảm chứng táo bón một cách hiệu quả.
Trong men vi sinh có các chủng Bifidobacteria và Lactobacillus là các vi khuẩn được tìm thấy phần lớn trong ruột già. Chúng cung cấp cho đường ruột của bạn những vi khuẩn có lợi:
- Giúp duy trì niêm mạc ruột già khỏe mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đại tiện.
- Sản xuất các axit béo chuỗi ngắn SCFAs trong ruột già. Những chất này làm giảm độ pH của ruột già và thúc đẩy nhu động ruột và tạo cảm giác “buồn đi ngoài”.
- Tăng chuyển hóa muối mật, tăng nồng độ muối mật không liên hợp, kích thích nhu động ruột một cách hiệu quả.
- Giúp kiểm soát thời gian di chuyển của phân trong đường ruột và làm tăng tần suất đi đại tiện.
- Lợi khuẩn làm tăng độ nhớt giúp làm mềm phân để đi ngoài dễ dàng, ít đau đớn hơn.
Chính vì thế, việc uống bổ sung hoặc ăn các loại thực phẩm chứa nhiều men vi sinh như sữa chua, kim chi, dưa muối,… có thể giúp điều trị và ngăn ngừa tình trạng táo bón kéo dài.
Hy vọng rằng 9 phương pháp phòng và hỗ trợ điều trị táo bón trên đã giải đáp được thắc mắc “Táo bón thì phải làm thế nào?” cho những bệnh nhân táo bón. Bên cạnh đó, áp dụng những phương pháp này còn giúp bạn duy trì một sức khỏe tốt và phòng ngừa được nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, nếu tình trạng táo bón vẫn tái phát và diễn biến nặng hơn thì tốt nhất bạn nên thăm khám chuyên khoa để có hướng điều trị phù hợp nhất.
Nếu có bất kỳ thắc mắc liên quan đến sức khoẻ vui lòng liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 09 6762 9482
>>> Xem thêm: Rũ bỏ ám ảnh táo bón lâu ngày – Bí quyết từ chuyên gia giúp đi ngoài dễ dàng