Táo bón là tác dụng phụ thường gặp nhất sau phẫu thuật. Nó có thể gây ra nhiều hệ luỵ cho cơ thể, đặc biệt là ảnh hưởng đến khả năng hồi phục của bệnh nhân sau phẫu thuật. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng vì hoàn toàn có thể phòng ngừa táo bón sau mổ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin cần thiết, giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng táo bón sau mổ.
Mục lục
1. Tại sao bị táo bón sau phẫu thuật?
Táo bón sau phẫu thuật là sự kết hợp của nhiều yếu tố gây ra. Trong đó, những nguyên nhân gây bệnh chủ yếu có thể kể đến là:
Thuốc gây mê
Thuốc gây mê có vai trò làm tê liệt các cơ để hỗ trợ trong phẫu thuật. Tuy nhiên, tác dụng này lại làm giảm co bóp của các cơ tiêu hoá và giảm nhu động ruột. Đến khi thuốc gây mê hết tác dụng thì quá trình vận chuyển thức ăn qua hệ tiêu hoá mới được tiếp tục. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người bị táo bón sau phẫu thuật.
Thuốc giảm đau
Opioid là nhóm thuốc giảm đau mạnh, được dùng để kiểm soát cơn đau sau khi phẫu thuật. Một số thuốc giảm đau Opioid thường gặp như: Codein, Tramadol, Pethidin, Morphin,…
Tác dụng phụ thường gặp của nhóm thuốc này chính là gây táo bón. Opioid ức chế quá trình làm rỗng dạ dày, giảm nhu động ruột khiến thức ăn di chuyển chậm qua đường ruột. Ngoài ra, thuốc còn khiến cơ thể mất nước dẫn đến phân trở nên khô cứng và gây ra táo bón.
Hạn chế vận động
Hoạt động thể chất có thể cải thiện nhu động ruột. Tuy nhiên, người bệnh sau mổ thường dành phần lớn thời gian nghỉ ngơi trên giường bệnh để phục hồi sức khỏe. Do đó, nhu động ruột bị hạn chế, trở thành yếu tố nguy cơ gây nên táo bón.
Thay đổi chế độ ăn uống
Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể được chỉ định hạn chế ăn uống. Điều này có thể khiến lượng chất xơ và nước cung cấp cho cơ thể không đủ, dẫn đến phân khô cứng, khó di chuyển hơn. Sự thay đổi này dẫn đến tăng nguy cơ mắc táo bón.
Sau phẫu thuật, chế độ ăn cũng có sự thay đổi. Do bệnh nhân phải nhịn ăn trong vài ngày, kiêng khem một số thực phẩm hoặc điều chỉnh liều lượng nhất định theo yêu cầu. Điều này khác xa với thói quen ăn uống hàng ngày. Những sự thay đổi đó cũng là nguyên nhân gây táo bón. `
Tâm lý bệnh nhân
Tâm lý căng thẳng, mệt mỏi do bệnh nhân bị quá tải sau khi phẫu thuật cũng có thể gây ra táo bón.
2. Một số dấu hiệu nhận biết sớm tình trạng táo bón ở bệnh nhân sau mổ
Táo bón sau mổ sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và tâm lý của người bệnh. Do đó, cần phát hiện sớm các dấu hiệu của táo bón để hạn chế tình trạng bệnh, từ đó giảm biến chứng có thể xảy ra. Dưới đây là những dấu hiệu thường hay gặp của táo bón:
- Đi ngoài ít hơn ba lần một tuần
- Phải gắng sức khi đại tiện
- Bụng có tình trạng đầy hơi, chướng bụng
- Bị đau bụng hoặc trực tràng
- Phân khô cứng, khô, rời rạc, thậm chí có vết máu trong phân
- Cảm thấy căng thẳng, đau đớn khi đi đại tiện
- Vẫn cảm thấy no, đầy bụng dù đã đi ngoài
- Đau vùng lưng dưới
3. Những hậu quả khôn lường khi bị táo bón sau mổ
Thông thường, táo bón ở giai đoạn mới xuất hiện triệu chứng sẽ không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh kéo dài sẽ gây ra những tác hại nhất định cho cơ thể. Đặc biệt là ở bệnh nhân sau mổ, cơ thể chưa hồi phục hoàn toàn, sức khỏe suy yếu chính là tác nhân thúc đẩy bệnh táo bón tiến triển nặng hơn. Táo bón ở người bệnh sau mổ có thể gây các hậu quả khôn lường là:
Vết mổ bị hở
Do bệnh nhân gắng sức khi đại tiện, dẫn tới căng cơ quá mức và tăng áp lực lên vết mổ. Vết mổ bị hở sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng và vết thương lâu lành hơn.
Bệnh trĩ
Khi bị táo bón, phân trở nên khô cứng, khó thải ra ngoài. Người bệnh phải gắng sức mới có thể đi ngoài được. Điều này vô tình làm tăng áp lực lên những tĩnh mạch vùng trực tràng hậu môn, khiến chúng sưng tấy lên và trở thành các búi trĩ.
Rò hậu môn
Tình trạng này xảy ra khi một khối phân quá lớn hay quá cứng khiến da ở hậu môn bị căng quá mức và rách. Nếu không được điều trị kịp thời, vết thương do rò hậu môn sẽ gây nhiễm trùng, làm nặng thêm tình trạng táo bón và tăng nguy cơ ung thư trực tràng.
Tắc ruột
Táo bón kéo dài dẫn đến ngưng trệ quá trình lưu thông các chất bên trong lòng ruột gồm: phân, dịch tiêu hóa, khí thải… và bị mắc kẹt trong ruột. Sự tích tụ này sẽ gây áp lực lớn lên ruột. Lâu ngày, có thể dẫn đến hoại tử ruột một phần hoặc thậm chí là gây thủng ruột, nhiễm trùng nặng.
Sa trực tràng
Việc đại tiện khó khăn khiến bệnh nhân phải rặn nhiều hơn khi đi ngoài. Điều này tạo áp lực lên ổ bụng và khiến một phần ruột lòi ra ngoài hậu môn, dẫn đến sa trực tràng. Nếu không được chữa trị kịp thời thì có thể gây biến chứng như viêm loét trực tràng, vỡ trực tràng, sa tử cung…
4. Làm thế nào phòng ngừa táo bón sau mổ?
Táo bón nếu được phát hiện sớm thì hoàn toàn kiểm soát được. Có thể ngăn ngừa táo bón sau mổ hoặc làm giảm thời gian kéo dài bệnh, bằng việc thay đổi chế độ ăn và thói quen sinh hoạt. Đặc biệt, biện pháp này phù hợp với những bệnh nhân sau mổ, hạn chế ảnh hưởng của táo bón đến chất lượng cuộc sống và quá trình hồi phục của họ.
Uống nhiều nước
Không cung cấp đủ lượng nước có thể gây giảm dịch tiêu hoá, phân trở nên khô cứng và khó di chuyển qua đường ruột. Từ đó dẫn đến trình trạng táo bón.
Để ngăn ngừa điều này, bạn phải uống đủ lượng nước (ít nhất 2 lít nước mỗi ngày) giúp cơ thể đủ năng lượng và tăng cường trao đổi chất. Đặc biệt là hệ tiêu hoá hoạt động tốt hơn, giảm thiểu triệu chứng của táo bón.
Ngoài nước lọc, bạn có thể uống nước hoa quả, đặc biệt là nước ép mận. Không những bổ sung nhiều Vitamin, tăng cường đề kháng, nước hoa quả còn hạn chế nguy cơ bị táo bón rất tốt cho bệnh nhân hậu phẫu.
Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ
Chất xơ có tác dụng nhuận tràng rất hiệu quả. Bổ sung nhiều chất xơ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lợi khuẩn trong ruột phát triển. Từ đó, thức ăn được hấp thu và đào thải chất dư thừa dễ dàng hơn.
Chất xơ có khả năng hút nước do đó giúp làm mềm phân hơn. Ngoài ra, nó còn giúp kích thích nhu động ruột và tăng khả năng co bóp để đẩy phân ra ngoài dễ dàng, cải thiện chứng táo bón.
Bổ sung đầy đủ chất xơ từ trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt… còn mang lại tác dụng tích cực cho quá trình hồi phục của người bệnh sau phẫu thuật.
Vận động nhẹ sau mổ
Ít vận động là một trong các nguyên nhân chủ yếu gây táo bón sau mổ. Do vậy, nếu vết mổ đã ổn định và được sự cho phép của bác sĩ, bạn nên hoạt động thể chất nhẹ nhàng. Có thể tập các bài tập đơn giản như giãn cơ, vươn vai, đi bộ, tập lên xuống cầu thang,… Từ đó kích thích nhu động ruột, hạn chế nguy cơ táo bón sau mổ.
Tạo thói quen đi vệ sinh đều đặn
Bệnh nhân thường phải thay đổi chế độ ăn trước và sau khi phẫu thuật. Điều này cũng có thể làm thay đổi nhịp sinh học của đường ruột. Do đó, bạn nên tập thói quen đi vệ sinh vào cùng một thời điểm trong ngày. Việc này giúp cơ thể làm quen và hình thành phản xạ để việc đi đại tiện đều đặn hơn.
Thay đổi tư thế ngồi bồn cầu
Tư thế ngồi khi đại tiện cũng có thể gây ra táo bón. Bạn có thể tham khảo tư thế sau để giúp đi ngoài dễ dàng hơn: Nâng cao chân, gấp đùi về phía bụng hoặc ngồi xổm. Tư thế này giúp đường ống hậu môn ở tư thế thẳng, từ đó phân được đẩy ra ngoài dễ dàng và tự nhiên hơn.
Bên cạnh đó, không nên sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị khác để tránh mất tập trung khi đang đi đại tiện.
Bổ sung lợi khuẩn
Men vi sinh bổ sung nhiều lợi khuẩn cho đường đường ruột. Lợi khuẩn giúp hỗ trợ xử trí táo bón bằng cách kích thích tăng nhu động ruột và làm mềm phân. Một số loại thực phẩm có chứa vi khuẩn sống có lợi là: sữa chua, atiso, kim chi, dưa cải bắp…
Tránh căng thẳng, trầm cảm, stress
Căng thằng, trầm cảm hay stress là những yếu tố làm tăng tình trạng táo bón.
5. Điều trị táo bón sau mổ an toàn, hiệu quả.
Có nhiều trường hợp bệnh nhân áp dụng biện pháp đơn giản như thay đổi chế độ ăn và lối sống mà tình trạng táo bón vẫn tiếp diễn. Khi đó, có thể tham khảo các phương pháp điều trị táo bón sau:
Sử dụng thuốc nhuận tràng để điều trị táo bón sau mổ
- Thuốc nhuận tràng kích thích: Bisacodyl, Senna, Natri picosulfat,… giúp kích thích ruột co bóp để tăng nhu động ruột.
- Thuốc nhuận tràng loại thẩm thấu: Magie Hydroxit,… có tác dụng kéo nước vào lòng ruột, làm tăng nhu động ruột và phân dễ đào thải ra ngoài hơn.
- Thuốc nhuận tràng làm trơn: chẳng hạn như dầu khoáng, giúp bôi trơn thành ruột. Từ đó khối phân mềm hơn và dễ di chuyển..
- Thuốc nhuận tràng làm mềm: Docusate,… phù hợp với người đang hồi phục sau phẫu thuật, phụ nữ sau sinh hoặc người bị bệnh trĩ .
Tuy nhiên, không phải tất cả các loại thuốc nhuận tràng đều phù hợp với tất cả mọi người, đặc biệt là bệnh nhân sau phẫu thuật. Do đó, cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
Tập vật lý trị liệu phục hồi các cung phản xạ đại tiện
Một số bài tập bệnh nhân có thể áp dụng bao gồm: Tập luyện bàng quang; Tập cơ đáy chậu (bài tập Kegel); Kích thích điện;…
Tuy nhiên, phương pháp vật lý trị liệu có hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào sự kiên trì, biện pháp phối hợp và cách người bệnh tập luyện. Do đó, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế uy tín với đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao để chữa trị dứt điểm tình trạng bệnh.
Phẫu thuật
Phẫu thuật có thể là một lựa chọn nếu bạn đã thử các phương pháp điều trị khác mà chứng táo bón vẫn tiếp diễn, thậm chí là nghiêm trọng hơn. Hãy thăm khám chuyên khoa, tham khảo thêm ý kiến của bác sỹ để có hướng điều trị phù hợp nhất.
Bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc điều trị táo bón đều có thể khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Do đó, bạn nên thay đổi lối sống và chế độ ăn phù hợp để phòng ngừa nguy cơ táo bón. Đồng thời, cần phát hiện và điều trị ngay khi mới có triệu chứng xuất hiện. Đặc biệt là người bệnh sau mổ, nên có sự chuẩn bị trước và sau phẫu thuật thật tốt để có một sức khoẻ tốt giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục.
Nếu cần được tư vấn và giải đáp thắc mắc, bạn đừng ngần ngại liên hệ HOTLINE 19009482 để được các chuyên gia sức khỏe của Imiale A+ hỗ trợ tận tình.