Táo bón ở trẻ sơ sinh là tình trạng khá phổ biến do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, tình trạng này khiến cha mẹ lo lắng và mong muốn tìm được giải pháp đánh bay táo bón cho con. Bài viết dưới đây, Imiale A+ sẽ giúp cha mẹ hiểu rõ táo bón ở trẻ sơ sinh và chia sẻ với mẹ 10 lời khuyên hữu ích cải thiện tình trạng này.
Mục lục
1. Định nghĩa táo bón ở trẻ sơ sinh
1.1 Táo bón ở trẻ sơ sinh là gì?
Táo bón ở trẻ sơ sinh là tình trạng trẻ gặp khó khăn khi đi ngoài và đi ngoài ít hơn 3 lần/tuần. Một số dấu hiệu giúp mẹ nhận biết táo bón ở trẻ là:
- Phân đặc, cứng, dạng viên
- Khóc do bị đau khi đại tiện
- Chán ăn
- Có thể xuất hiện vết máu trong phân
1.2 Phân biệt táo bón và giãn ruột sinh lý ở trẻ sơ sinh
Giãn ruột sinh lý là hiện tượng thể tích ruột tăng quá mức bình thường. Thời gian xảy ra hiện tượng giãn ruột sinh lý ở mỗi trẻ là khác nhau, tuy nhiên thường gặp ở trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi. Trong quá trình này, trẻ không đại tiện từ 6-10 ngày và có thể lâu hơn khiến nhiều cha mẹ lầm tưởng với chứng táo bón.
Dưới đây là bảng so sánh giúp mẹ dễ dàng phân biệt táo bón và giãn ruột sinh lý ở trẻ sơ sinh:
Giãn ruột sinh lý là quá trình phát triển bình thường của trẻ. Bố mẹ cần phân biệt đúng tình trạng của con để có cách xử lý phù hợp.
2. Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ sơ sinh
Hiểu được nguyên nhân giúp cha mẹ dễ dàng tìm cách xử trí táo bón cho con. Một số nguyên nhân phổ biến gây táo bón ở trẻ sơ sinh là:
2.1. Thay đổi chế độ ăn uống
Trẻ dùng sữa công thức có nguy cơ táo bón cao hơn trẻ bú mẹ hoàn toàn. Lí do là sữa công thức chứa nhiều loại protein và chất dinh dưỡng khó hấp thu hơn sữa mẹ. Các nghiên cứu y khoa cũng chỉ ra rằng sữa công thức có thể làm phân cứng hơn nhiều so với sữa mẹ. Ngoài ra, nếu pha sữa công thức quá đặc, pha không đúng cách cũng là nguyên nhân gây táo bón ở trẻ.
Trẻ trên 6 tháng sẽ bắt đầu chế độ ăn dặm. Việc thay đổi chế độ dinh dưỡng dễ gây táo bón ở trẻ. Trong giai đoạn đầu, hệ tiêu hóa của trẻ chưa thích nghi với thức ăn mới nên phân đào thải ra thường đặc, cứng hơn bình thường. Ngoài ra, những món ăn như bột, cháo chứa nhiều đạm, tinh bột có thể gây khó khăn khi tiêu hóa và trẻ cần thời gian để thích nghi với sự thay đổi này.
2.2. Uống không đủ nước
Nước giúp tăng kích thước, độ mềm của phân và giúp phân dễ dàng được đào thải. Trẻ uống không đủ nước là nguyên nhân khiến phân trở nên khô, cứng và khó tống xuất ra ngoài, gây táo bón. Trẻ sơ sinh thiếu nước trong trường hợp bú ít, bỏ bú hoặc do bị bệnh (trẻ sốt, cảm lạnh, viêm họng).
2.3. Chế độ ăn thiếu chất xơ
Ở trẻ sơ sinh trong độ tuổi ăn dặm, chế độ ăn thiếu chất xơ dẫn đến trẻ bị táo bón. Bởi chất xơ giúp làm mềm phân và kích thích hoạt động co bóp của ruột. Trẻ thiếu chất xơ khi thức ăn ăn dặm thiếu rau, củ, quả.
2.4. Chế độ ăn của mẹ không hợp lý
Chế độ ăn của mẹ liên quan mật thiết với chế độ ăn của bé thông qua sữa mẹ. Chế độ ăn chưa phù hợp của mẹ có thể gây táo bón cho con. Nguy cơ táo bón ở trẻ sơ sinh tăng cao nếu mẹ có chế độ ăn sau:
- Chế độ ăn thiếu chất xơ
- Uống không đủ nước
- Thường xuyên sử dụng rượu, bia, chất kích thích
- Ăn nhiều thực phẩm giàu đạm, chất béo
- Thường xuyên sử dụng thực phẩm chiên, rán, thức ăn nhanh.
2.5. Do sử dụng thuốc
Trẻ sử dụng thuốc kháng sinh thường mắc chứng táo bón. Bởi các loại thuốc kháng sinh diệt cả vi khuẩn có lợi đường ruột, làm thay đổi sự cân bằng của hệ vi khuẩn trong ruột già gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa và dẫn đến táo bón ở trẻ.
2.6. Do trẻ ít vận động
Trẻ sơ sinh ngủ nhiều, ít vận động sẽ làm giảm co bóp nhu động ruột, gây khó khăn trong việc tống đẩy phân ra ngoài. Đây là một trong những nguyên nhân gây táo bón ở trẻ sơ sinh.
2.7. Đường tiêu hóa bị tổn thương
Trong 2 năm đầu đời, hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển ổn định. Nhu động ruột của trẻ còn yếu sẽ ảnh hưởng tới thời gian di chuyển của phân trong ruột. Phân tồn lưu lâu trong ruột dẫn tới táo bón.
Bệnh lý gây tổn thương cấu trúc, chức năng đường tiêu hóa cũng là nguyên nhân gây táo bón ở trẻ nhỏ. Các bệnh lý thường gặp dẫn đến táo bón ở trẻ sơ sinh là
- Tổn thương bẩm sinh hệ tiêu hóa: tắc ruột, phình đại tràng, hẹp đại tràng,..
- Bệnh lý cản trở sự di chuyển của phân: u đại tràng,…
2.8. Do vấn đề sức khỏe khác
Táo bón ở trẻ có thể là nguyên nhân thứ phát của một bệnh lý thần kinh hoặc nội tiết. Táo bón thường gặp ở trẻ mắc hội chứng Down, bại não, nứt đốt sống, còi xương, suy giáp.
>>> Xem bài viết: Giải mã 8 nguyên nhân gây táo bón ở trẻ
3. Táo bón ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không ?
Trong đa số trường hợp, táo bón ở trẻ sơ sinh không phải là dấu hiệu nguy hiểm. Nhưng nếu không được phát hiện và có các biện pháp xử lý kịp thời, táo bón sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Các nguy cơ trẻ sơ sinh có thể gặp phải là:
- Nứt kẽ hậu môn: Niêm mạc hậu môn ở trẻ sơ sinh khá mỏng và nhạy cảm. Khối phân quá lớn, cứng là nguyên nhân làm đau rát và xuất hiện những vết nứt ở hậu môn trẻ.
- Bệnh trĩ: Trẻ cố gắng rặn để tống phân ra ngoài khiến đám rối tĩnh mạch ở hậu môn và xung quanh trực tràng giãn ra. Đám tĩnh mạch này sưng dần và tạo thành búi trĩ.
- Giảm hấp thu, chậm lớn: Táo bón làm trẻ cảm thấy khó chịu. Trẻ chán ăn, bỏ bú, chậm phát triển.
Để phòng tránh các vấn đề sức khỏe không tốt do táo bón gây ra. Bố mẹ cần có những giải pháp hữu hiệu để cải thiện táo bón sớm nhất cho con.
4. 10 lời khuyên giúp đánh bay táo bón ở trẻ sơ sinh hữu ích cho mẹ
4.1. Đổi sữa và pha sữa đúng cách
Nếu con đang sử dụng sữa công thức mà bị táo bón, trước tiên mẹ hãy kiểm tra lại cách pha sữa theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Pha sữa tuân theo hướng dẫn sử dụng sẽ đảm bảo lượng chất dinh dưỡng ở nồng độ tối ưu. Việc pha sữa quá đặc hay quá loãng, hoặc nhiệt độ nước pha sữa không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu hóa và hấp thu của trẻ.
Mẹ cần tìm hiểu về thành phần, hàm lượng dinh dưỡng của sữa trước khi chọn mua sữa, đặc biệt nên lựa chọn sữa công thức chứa chất xơ hòa tan. Nếu sữa con đang dùng chứa ít hoặc không có chất xơ hòa tan, mẹ nên đổi sữa. Ngoài ra, mẹ có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế, chuyên gia dinh dưỡng để chọn cho con sữa công thức phù hợp.
4.2. Tăng cường vận động cho trẻ
Với trẻ sơ sinh từ 1-2 tháng tuổi, mẹ có thể giúp bé vận động bằng cách để đầu gối của bé hướng về phía ngực, di chuyển nhẹ nhàng hai chân lên xuống như động tác đạp xe đạp. Mẹ nên cho bé vận động khi bé đang vui vẻ hoặc khi bé mới ngủ dậy.
Với những bé từ 3 tháng tuổi trở lên, mẹ nên khuyến khích bé thực hiện những động tác đơn giản như trườn, lật, bò. Không nên để bé ở trong nhà nhiều và ít tiếp xúc ánh nắng mặt trời.
Những hoạt động đơn giản này sẽ kích thích hoạt động co bóp của ruột, giúp cải thiện tình trạng táo bón của trẻ.
4.3. Massage cho bé
Massage vùng bụng là một giải pháp hữu hiệu để cải thiện táo bón ở trẻ. Mẹ có thể tham khảo các cách sau để massage cho bé:
- Cách 1: Dùng đầu ngón tay tạo chuyển động tròn trên bụng bé theo chiều kim đồng hồ.
- Cách 2: Dùng ngón tay vuốt nhẹ nhàng từ khung xương sườn xuống qua rốn bé.
- Cách 3: Đặt hai tay lên bụng bé, một tay vuốt nhẹ lên trên và một tay vuốt ngược xuống dưới.
Các động tác massage cho bé cần được thực hiện nhẹ nhàng và không nên thực hiện khi trẻ ăn no.
>>> Xem bài viết: [Giải đáp] Bé táo bón phải làm sao? Giải pháp tối ưu cho mẹ
4.4. Đảm bảo trẻ bú đủ, cung cấp đủ nước cho trẻ
Việc cung cấp đủ nước có thể đánh bay táo bón ở trẻ. Trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn thường không cần bổ sung nước do trẻ đã được cung cấp đủ nước từ sữa mẹ. Tuy nhiên, nếu trẻ táo bón do bỏ bú, bú ít thì mẹ cần bổ sung nước cho trẻ để cải thiện táo bón.
Đối với trẻ nhỏ ăn dặm, việc bổ sung nước giúp cản thiện táo bón đáng kể. Nước cho trẻ uống phải đảm bảo là nguồn nước sạch, được đun sôi để nguội.
4.5. Cho trẻ tắm nước ấm
Tắm nước ấm kích thích làm giãn cơ vòng hậu môn, giúp tống phân ra ngoài dễ dàng hơn và làm giảm các triệu chứng khó chịu ở trẻ.
Viện Da liễu Hoa Kỳ đã khuyến cáo rằng nhiệt độ nước tắm tốt nhất cho trẻ sơ sinh là 37-38℃. Vì vậy, mẹ nên kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm và đảm bảo phòng tắm kín gió, ấm và quấn khăn mềm ngay khi trẻ tắm xong để tránh trẻ bị lạnh, ốm.
4.6. Bổ sung chất xơ cho trẻ
Chất xơ là thành phần dinh dưỡng quan trọng, đảm bảo hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh. Với trẻ trên 6 tháng tuổi, mẹ nên bổ sung chất xơ tự nhiên vào bữa ăn dặm của bé bằng cách bổ sung trái cây và rau quả chứa hàm lượng chất xơ cao như:
- Táo, lê, đào, mận khô
- Bông cải xanh, đậu Hà Lan, cà rốt, khoai lang
- Bột yến mạch, lúa mì nguyên cám
Ngoài ra, trong giai đoạn bắt đầu cho con ăn dặm, bố mẹ cần lưu ý cho con ăn thức ăn loãng, xay nhuyễn, dễ tiêu hóa để đường ruột của con thích nghi từ từ với sự thay đổi mới.
4.7. Cải thiện chế độ ăn của mẹ
Với những mẹ đang cho con bú, chế độ ăn khoa học của mẹ ảnh hưởng đến cả sức khỏe cả mẹ và bé. Để cải thiện táo bón ở trẻ, mẹ nên chú ý chế độ ăn uống như sau:
- Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung thực phẩm giàu đạm, vitamin hằng ngày
- Uống đủ nước mỗi ngày
- Ăn nhiều loại rau, củ, quả chứa hàm lượng chất xơ cao như: mận khô, quả kiwi, đu đủ, các loại rau cải, rau ngót, rau khoai lang,..
- Sử dụng thực phẩm lúa mạch nguyên cám như: bánh mì đen, gạo lứt,…
- Bổ sung thực phẩm chứa men vi sinh tự nhiên như: sữa chua, đậu phụ,…
- Hạn chế đồ chiên rán, thức ăn nhanh như: bánh ngọt, bánh rán, khoai chiên, thịt quay,..
- Không sử dụng sản phẩm chứa caffeine như cà phê, không lạm dụng đồ uống có cồn
4.8. Bổ sung lợi khuẩn cho trẻ
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, lợi khuẩn là những vi khuẩn còn sống được đưa vào cơ thể với một lượng vừa đủ sẽ mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe. Khi trẻ được bổ sung lợi khuẩn, chức năng đường ruột của trẻ được cải thiện cải thiện nhờ:
- Lợi khuẩn hạn chế sự phát triển của các loại vi khuẩn có hại đường ruột
- Lợi khuẩn kích thích hoạt động co bóp của ruột, hỗ trợ bài tiết men tiêu hóa
Khi chức năng tiêu hóa được cải thiện, tình trạng táo bón ở trẻ sẽ thuyên giảm đáng kể. Mẹ có thể bổ sung lợi khuẩn cho con qua chế độ ăn hằng ngày hoặc bằng cách sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa lợi khuẩn.
Các nhà khoa học đã chỉ ra, lợi khuẩn trong ruột già trẻ nhỏ gồm hai loài chính là Lactobacillus và Bifidobacteria. Vì vậy, mẹ nên tìm chọn sản phẩm chứa các chủng vi khuẩn này để bổ sung khi con bị táo bón.
>>> Xem bài viết: Công thức vượt trội cho tiêu hóa từ Đan Mạch – Lợi khuẩn sống kết hợp chất xơ hòa tan
4.9. Con bị táo bón, khi nào nên gặp bác sĩ?
Khi áp dụng các biện pháp trên nhưng tình trạng táo bón của con vẫn không thuyên giảm hoặc xuất hiện một trong các triệu chứng sau, mẹ nên đưa con đến khám ở các cơ sở y tế:
- Hậu môn trẻ xuất hiện vết nứt
- Trẻ bị táo bón kèm theo nôn mửa, bụng đầy hơi, căng cứng.
- Trẻ đi phân lẫn máu
- Trẻ chán ăn, quấy khóc không chịu ngủ
- Trẻ cáu gắt và có hiện tượng co chân lên bụng, khóc vì đau bụng do táo bón
5. Sai lầm cần tránh trong điều trị táo bón ở trẻ sơ sinh
Để trị táo bón cho trẻ sơ sinh hiệu quả, mẹ cần tránh những sai lầm thường gặp sau:
- Lạm dụng thuốc nhuận tràng: Sử dụng thuốc nhuận tràng quá liều hoặc kéo dài sẽ gây hiện tượng quen thuốc của trẻ. Tình trạng táo bón sẽ tiếp diễn nếu trẻ ngừng sử dụng thuốc.
- Lạm dụng men tiêu hóa: Việc lạm dụng men tiêu hóa lâu ngày sẽ ảnh hưởng việc bài tiết men tự nhiên của cơ thể.
- Tự ý sử dụng thuốc cho trẻ mà không tham khảo ý kiến chuyên gia y tế
Imiale A+ hy vọng quá bài viết trên, quý vị đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích về táo bón ở trẻ sơ sinh. Mong rằng những giải pháp trên sẽ giúp mẹ phòng ngừa, cải thiện táo bón hiệu quả cho con. Một hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ giúp con trẻ lớn khôn và phát triển toàn diện về cả thể chất, tinh thần.
Nếu có bất kỳ thắc mắc liên quan đến sức khoẻ xin vui lòng liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 09 6762 9482 để được giải đáp kịp thời.