Táo bón là một rối loạn về đường tiêu hóa khá phổ biến mà nhiều người gặp phải.Người bệnh thường cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, còn ngại ngùng, khó chia sẻ và không biết xử lý đúng cách. Chính vì vậy mà diễn tiến của bệnh táo bón ngày càng nghiêm trọng hơn. Hiểu được điều đó, chúng tôi mong muốn được đồng hành cùng bạn để chia sẻ những thông tin về táo bón cũng như 9 điều không thể bỏ qua về vấn đề này.
Mục lục
- 1. Táo bón là gì?
- 2. Các triệu chứng điển hình của táo bón
- 3. Nguyên nhân gây táo bón
- 4. Táo bón hay gặp ở đối tượng nào?
- 5. Phân loại tình trạng táo bón
- 6. Táo bón có nguy hiểm không? Những hậu quả khôn lường của táo bón
- 7. Giải pháp tối ưu cải thiện táo bón hiệu quả
- 8. Khi nào người bệnh táo bón nên đi gặp bác sĩ?
- 9. Làm thế nào để phòng ngừa táo bón?
1. Táo bón là gì?
Táo bón là vấn đề hay gặp của đường tiêu hóa. Táo bón là tình trạng đi đại tiện khó khăn, không thường xuyên, phân khô cứng. Theo tiêu chí Rome, người bệnh bị táo bón khi gặp ít nhất 2 trong số các triệu chứng sau:
- Số lần đi đại tiện ít hơn 3 lần mỗi tuần.
- Gặp khó khăn trong mỗi lần đi đại tiện. Phân cứng và cảm giác tắc nghẽn ở hậu môn trực tràng.
- Sau mỗi lần đi đại tiện, vẫn còn cảm giác phân chưa hết, xuất hiện máu trên phân cứng.
2. Các triệu chứng điển hình của táo bón
Người bị táo bón thường có các dấu hiệu đặc trưng như:
- Một trong những triệu chứng hay gặp nhất của táo bón là số lần đi đại tiện trong một tuần dưới 3 lần. Có những trường hợp đi đại tiện nhiều hơn 3 lần một tuần nhưng phân nhỏ, cứng và lổn nhổn thì cũng được coi như táo bón.
- Khó khăn trong việc đại tiện, có khi phải dùng vật hỗ trợ để tống phân ra ngoài.
- Khi đi vệ sinh, người bị táo bón có cảm giác phân chưa hết, không thể tống hết phân ra khỏi trực tràng
- Cảm giác bị tắc nghẽn ngăn không đào thải được phân ra ngoài. Sự tắc nghẽn cản trở sự chuyển động của nhu động ruột. Bởi nhu động ruột là một loạt các cử động co và giãn của cơ trơn ống tiêu hóa để đẩy thức ăn từ dạ dày xuống ruột già. Nhờ sự chuyển động này mà thức ăn được vận chuyển, co bóp và được hấp thu dễ dàng hơn.
- Đi đại tiện thường đau rát ở hậu môn do phân khô, cứng, khó thải ra ngoài.
- Có thể có cảm giác đầy hơi, chướng bụng. Hiện tượng này xuất hiện là do phân không đẩy được ra ngoài, tích tụ dần trong đường tiêu hóa.
>>>Xem thêm bài viết: 6 dấu hiệu táo bón nặng không thể bỏ qua
3. Nguyên nhân gây táo bón
3.1. Nguyên nhân về chế độ ăn uống và sinh hoạt
Người gặp phải tình trạng táo bón thường có chế độ ăn uống chưa hợp lý. Chế độ ăn ít chất xơ, nhiều chất béo và uống không đủ nước. Chế độ ăn nhiều chất béo sẽ khiến cho nhu động ruột giảm. Ăn nhiều chất xơ giúp tăng khối lượng phân, tăng kích thước và làm mềm phân.
Thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn. Những thực phẩm này thường ít chất xơ và giàu chất béo.
Chế độ sinh hoạt chưa hợp lý cũng dễ gây táo bón. Việc ít vận động là nguyên nhân hay gặp. Do tính chất công việc hoặc thói quen, nhiều người thường nhịn đi đại tiện. Việc này khiến cho phân bị tích tụ lại trong đại tràng. Đại tràng có chức năng chính là hấp thụ nước và cô đặc chất cặn bã để đưa chúng ra ngoài. Nếu không thải được phân ra ngoài, đại tràng sẽ tiếp tục tái hấp thu nước khiến phân sẽ khô và cứng hơn. Lâu ngày sẽ gây ra táo bón.
Căng thẳng thường xuyên cũng gây táo bón. Khi lo lắng, stress sẽ dẫn đến giảm hoạt động co bóp của ruột. Nhu động ruột giảm làm giảm sự chuyển động của phân. Do đó gây ra tình trạng táo bón.
3.2. Nguyên nhân do thuốc
Thuốc cũng có thể gây ra tình trạng táo bón. Bệnh nhân sử dụng các thuốc an thần, các thuốc giảm đau thường sử dụng trong chấn thương nặng hoặc sau phẫu thuật, thuốc chống trầm cảm, bổ sung nhiều sắt và canxi quá mức. Các thuốc này thường làm giảm nhu động ruột khiến tăng tái hấp thu nước trong phân. Do đó phân sẽ trở nên khô cứng và khó tống ra ngoài.
3.3. Nguyên nhân do bệnh lý
- Táo bón cũng có thể do bệnh lý. Có thể người bệnh cường cận giáp hoặc suy giáp. Nội tiết có vai trò điều hòa hoạt động của cơ thể. Chính vì vậy, các bệnh liên quan đến nội tiết có thể dẫn đến táo bón.
- Bệnh về chuyển hóa: đái tháo đường, tăng canxi máu, hạ kali máu.
- Bệnh về đường tiêu hóa. Khi ruột bị tắc nghẽn hoặc hẹp sẽ khó tống phân ra ngoài. Nguyên nhân có thể do tắc ruột, ung thư đại trực tràng, nứt hậu môn hay hội chứng ruột kích thích.
- Khó khăn liên quan đến quá trình đào thải. Cơ xương chậu bị yếu, không phối hợp để co giãn đúng cách.
- Rối loạn hệ thần kinh. Khi tổn thương các dây thần kinh kiểm soát chức năng của cơ thế làm giảm nhu động ruột. Điều này gặp phải ở một số bệnh như: Parkinson, chấn thương tủy sống, đột quỵ.
>>> Xem thêm: Tại sao bị táo bón? 10 nguyên nhân gây táo bón thường gặp
4. Táo bón hay gặp ở đối tượng nào?
Ai cũng có nguy cơ gặp phải tình trạng táo bón. Nhưng có một số đối tượng thường xuyên gặp phải hơn. Đó là người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, những người làm việc văn phòng và người mắc bệnh lý đường tiêu hóa như phẫu thuật đại tràng,…
- Người cao tuổi: Người cao tuổi thường đau nhức xương khớp nên hạn chế vận động do đi lại khó khăn. Phần lớn những người cao tuổi có sử dụng thuốc để điều trị các bệnh tuổi già. Đồng thời chức năng của các hệ thống tiêu hóa cũng bị yếu dần dẫn đến làm chậm nhu động ruột, khó tống phân ra ngoài.
- Phụ nữ có thai: Khi mang thai, người mẹ ít vận động hơn. Thêm vào đó, sự thay đổi hormon nội tiết trong thời kỳ mang thai dễ gây rối loạn chức năng của bộ máy tiêu hóa. Việc bổ sung quá nhiều vi chất sắt và canxi gây giảm nhu động ruột. Đặc biệt, khi mang thai, thai nhi chèn ép, gây áp lực lên ruột khiến cho phân khó di chuyển.
- Trẻ nhỏ: Trẻ nhỏ hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn thiện. Đồng thời trẻ nhỏ thường lười uống nước và ăn rau xanh. Rau là một nguồn cung cấp chất xơ dồi dào cho trẻ. Trẻ cũng thường xuyên nhịn đi đại tiện do mải chơi khiến phân càng tồn lưu trong ruột lâu, ruột hấp thu nước khiến phân khô, cứng và khó tống ra ngoài.
- Nhân viên văn phòng: Họ thường ngồi nhiều giờ trong ngày, hạn chế vận động làm giảm chức năng co bóp, tiêu hóa của đường ruột. Thêm vào đó, người làm việc tại văn phòng thường gặp stress trong công việc. Họ thường xuyên uống đồ uống kích thích như cà phê, nước ngọt,..Do đó, việc táo bón ngày càng gia tăng.
- Người mắc bệnh lý về đường tiêu hóa: phẫu thuật đại tràng,…Những đối tượng này hệ tiêu hóa suy giảm, không thực hiện được đầy đủ chức năng. Vì vậy, việc vận chuyển cũng như đào thải phân gặp khó khăn gây táo bón.
Vì vậy những nhóm đối tượng này cần chú ý chế độ sinh hoạt, ăn uống để hạn chế nguy cơ mắc bệnh táo bón.
>>> Xem thêm: Táo bón ở người già – Nguyên nhân và cách khắc phục
5. Phân loại tình trạng táo bón
Có 2 loại táo bón. Đó là táo bón nguyên phát và táo bón thứ phát.
5.1. Táo bón nguyên phát
- Táo bón có nhu động ruột bình thường: do cơ vòng, cơ thắt hậu môn có vấn đề dẫn đến việc rối loạn cơ chế tống phân. Phân di chuyển trong đại tràng với tốc độ bình thường nhưng lại khó khăn khi đi ra ngoài. Người mắc phải tình trạng này sẽ cảm thấy bụng đau, đầy chướng. Nguyên nhân thường do thay đổi chế độ ăn.
- Táo bón có nhu động ruột chậm: Nhu động ruột hoạt động chậm hơn so với bình thường nên thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa chậm hơn bình thường. Phân sẽ nằm lâu hơn trong ruột và ruột sẽ tăng tái hấp thu nước. Do đó, người gặp phải loại táo bón này sẽ đi ngoài ít hơn, phân cứng và khó đào thải ra ngoài. Loại táo bón này thường xảy ra ở phụ nữ.
- Táo bón do rối loạn chứng năng sàn chậu: Tổn thương các khối cơ và dây chằng ở sàn chậu dẫn đến các cơ quan ở vùng sàn chậu không nằm đúng vị trí. Hậu môn, trực tràng cũng bị ảnh hưởng. Do đó gây ra tình trạng táo bón.
5.2. Táo bón thứ phát
Loại táo bón này xảy ra do một số vấn đề về sức khỏe tiềm ẩn hoặc do tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc.
- Táo bón do chế độ ăn uống, sinh hoạt.
- Táo bón do bệnh lý thực thể: Các bệnh tắc nghẽn ống tiêu hóa do khối u, trĩ huyết khối, nứt hậu môn sẽ dễ bị táo bón.
- Táo bón do bệnh lý toàn thân. Các bệnh có thể gây táo bón khi chúng ảnh hưởng đến chức năng thần kinh (cường giáp, suy giáp, bệnh Parkinson hoặc bệnh tiểu đường) hoặc nếu chúng dẫn đến tắc nghẽn đường đi của phân (ung thư ruột hoặc viêm túi thừa).
- Táo bón do sử dụng thuốc: thuốc chống trầm cảm, thuốc bổ sung sắt, canxi.
6. Táo bón có nguy hiểm không? Những hậu quả khôn lường của táo bón
Táo bón trong trường hợp nhẹ không quá nguy hiểm đến sức khỏe. Táo bón có thể gây đầy hơi, chướng bụng dẫn đến căng thẳng và mệt mỏi. Từ đó, người bị táo bón thường xuyên cáu gắt, khó chịu, không tập trung vào công việc, đời sống giảm sút.
Nếu táo bón lâu ngày sẽ gây ra nhiều hậu quả còn nguy hiểm hơn rất nhiều.
- Sưng tĩnh mạch ở hậu môn hay còn gọi là trĩ. Phân khô cứng nên khó đào thải ra ngoài. Do đó, tĩnh mạch ở hậu môn trực tràng phải căng giãn quá mức để tống phân ra. Vì phải chịu áp lực nhiều dẫn đến máu không lưu thông được, lâu dần hình thành các búi trĩ gây đau rát hậu môn.
- Táo bón có thể gây nứt hậu môn. Nứt hậu môn là một vết cắt nhỏ hoặc rách ở niêm mạc hậu môn. Các vết rách gây đau dữ dội, có thể chảy máu trong và sau khi đi đại tiện.
- Sa trực tràng có thể là hậu quả của táo bón. Người bị táo bón cố gắng đi đại tiện khiến một phần hoặc toàn bộ thành trực tràng bị chui ra ngoài lỗ hậu môn.
- Phân bị tồn đọng trong đại tràng, không được tống ra ngoài. Các chất cặn bã không được thải ra ngoài cơ thể. Vì vậy mà độc tố trong cơ thể có thể gây viêm nhiễm đại tràng, ung thư đại tràng.
- Chán ăn, sức đề kháng suy giảm. Phân là các chất cặn bã mà cơ thể cần phải đào thải. Táo bón, phân ứ đọng trong đại tràng không đào thải được ra ngoài. Khi không đào thải được, các chất cặn bã sẽ tích tụ trong cơ thể, sinh ra nhiều vi khuẩn có hại. Đồng thời việc không đào thải được phân sẽ gây đầy hơi, chướng bụng. Người bệnh sẽ có cảm giác không muốn ăn, ăn không ngon. Đặc biệt đối với trẻ em. Trẻ biếng ăn sẽ gây ra tình trạng không cung cấp đủ dinh dưỡng. Sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng khiến trẻ chậm lớn, phát triển chậm cả về trí tuệ và thể chất.
>>> Xem bài viết: Cảnh báo 8 hậu quả của táo bón không thể bỏ qua
7. Giải pháp tối ưu cải thiện táo bón hiệu quả
7.1. Các giải pháp không dùng thuốc
Thay đổi chế độ ăn
Chế độ ăn cần phải bổ sung nhiều chất xơ. Chất xơ có nhiều trong rau xanh và hoa quả. Việc bổ sung chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, giúp tăng kích thước, khối lượng và làm mềm phân. Do đó tăng tốc độ di chuyển của phân. Thế nhưng, người bệnh cần chú ý không nên bổ sung nhiều chất xơ một cách quá đột ngột mà hãy bổ sung từ từ. Một số thực phẩm chứa nhiều chất xơ được khuyến khích sử dụng như: chuối, bơ, cà rốt, táo, khoai lang,…
Bổ sung các thực phẩm chứa men vi sinh tốt cho sức khỏe như sữa chua, dưa muối, kim chi… cũng sẽ tốt cho hệ tiêu hóa. Bởi trong các thực phẩm này có nhiều lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa. Người bị táo bón thường mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Lợi khuẩn tiết enzym giúp tiêu hóa thức ăn và hấp thu các chất dinh dưỡng từ thực phẩm. Ngoài ra, lợi khuẩn còn giúp đảm bảo cân bằng hệ vi sinh đường ruột, loại trừ các vi khuẩn có hại. Nhờ vậy lợi khuẩn có thể hạn chế các bệnh về đường tiêu hóa, bảo vệ cơ thể. Ngoài ra, việc bổ sung lợi khuẩn còn giúp sản sinh kháng thể, tăng sức đề kháng, ngăn ngừa khả năng nhiễm bệnh.
Ngoài ra, người bệnh nên hạn chế các thực phẩm giàu chất béo, các thực phẩm chứa chất kích thích như cà phê, chè đặc và không nên ăn các loại quả xanh chát như ổi. Tránh ăn các thực phẩm cay, nóng.
>>>Xem thêm bài viết: Bị táo bón nên ăn gì, kiêng gì? 7 bài thuốc dân gian chữa táo bón tại nhà
Bổ sung đầy đủ nước
Việc uống đủ nước mỗi ngày vô cùng quan trọng. Lượng nước bổ sung mỗi ngày là khác nhau đối với từng độ tuổi, giới tính, chiều cao và cân nặng. Trung bình người lớn nên uống khoảng 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu cơ thể. Nên chia nhiều lần uống trong ngày.
Thay đổi thói quen sinh hoạt
Việc vận động và tập thể dục thường xuyên sẽ giúp hạn chế tình trạng táo bón. Việc tăng cường hoạt động sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Với những bệnh nhân mắc phải hội chứng ruột kích thích nên bắt đầu từ bài thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe. Hạn chế các bài thể dục nặng. Bạn nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày
Không nhịn đi đại tiện
Bạn nên tập đi đại tiện vào một khoảng thời gian cố định trong ngày.
Giảm căng thẳng, stress
Táo bón có liên quan trực tiếp đến trạng thái tinh thần của bạn. Do vậy bạn nên rèn luyện thói quen sống khoa học để cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ, tránh căng thẳng, stress.
7.2. Các giải pháp dùng thuốc
Sử dụng thuốc không kê đơn
Sử dụng thuốc nhuận tràng sẽ giúp cải thiện tình trạng táo bón. Thuốc nhuận tràng không loại bỏ được tận gốc của vấn đề táo bón nhưng nó giúp loại bỏ các triệu chứng gây khó chịu Thuốc nhuận tràng được sử dụng ở nhiều lứa tuổi. Việc lựa chọn thuốc nhuận tràng tùy thuộc vào lứa tuổi và các tác dụng không mong muốn của thuốc trên các lứa tuổi.
- Thuốc nhuận tràng tạo khối: psyllium, methylcellulose,… Thuốc làm tăng kích thước, tăng khối lượng nước trong phân. Đồng thời thuốc kích thích nhu động ruột làm tăng khả năng đào thải phân.
- Thuốc nhuận tràng làm mềm: docusate, colace,…. Thuốc giúp nước dễ thấm vào khối phân. Từ đó giúp phân mềm và dễ đào thải ra ngoài. Đây là nhóm thuốc nhuận tràng có tác dụng nhẹ. Vì vậy, bạn có thể sử dụng thuốc từ 1 – 3 ngày mới thấy được tác dụng của thuốc.
- Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: lactulose, macrogol, sorbitol,…. Đây là nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi nhất. Thuốc có tác dụng kéo nước từ các mô xung quanh vào ruột. Nhờ vậy có tác dụng làm mềm phân, tăng nhu động ruột, tăng phản xạ đẩy phân ra ngoài. Thuốc có tác dụng khá nhanh sau khoảng 15 – 30 phút dùng.
- Thuốc nhuận tràng kích thích: bisacodyl, cascara, …. Nhóm thuốc có tác dụng kích thích đầu dây thần kinh của niêm mạc đại tràng. Thuốc giúp các cơ đại tràng co bóp mạnh hơn, tạo lực tống phân ra ngoài.
- Thuốc nhuận tràng bôi trơn: parafin, glycerin,…. Đây là các dầu khoáng có tác dụng chủ yếu ở ruột già, giúp khối phân trơn và dễ di chuyển.
Thuốc nhuận tràng có tác dụng đối với táo bón. Nhưng bạn không nên quá lạm dụng thuốc bởi sẽ gây những tác dụng không mong muốn. Bạn nên dùng ngắn ngày, khi trở lại bình thường thì không dùng thuốc nữa. Đồng thời cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa táo bón.
Sử dụng thuốc kê đơn
Nếu bạn vẫn gặp khó khăn trong điều trị táo bón, bác sĩ có thể kê cho bạn những thuốc điều trị táo bón sau:
- Lubiprostone: thuốc có tác dụng làm tăng lượng chất lỏng có trong ruột, làm mềm phân, giúp phân di chuyển dễ dàng hơn.
- Linaclotide hoặc plecanatide: thuốc còn giúp làm giảm đầy hơi, đau bụng, mót rặn. Thuốc giúp đi tiêu đều đặn hơn cho những người bị táo bón lâu năm hoặc hội chứng ruột kích thích.
- Prucalopride: thuốc được chỉ định điều trị chứng táo bón mạn tính ở phụ nữ khi thuốc nhuận tràng không hiệu quả.
>>>Xem thêm bài viết: 5 nhóm thuốc trị táo bón thông dụng cần biết
8. Khi nào người bệnh táo bón nên đi gặp bác sĩ?
Bạn đã áp dụng các biện pháp mà tình trạng táo bón vẫn không thuyên giảm hoặc chậm chí nặng thêm. Bạn nên đi gặp bác sĩ khi có các biểu hiện sau đây:
- Đau bụng, đầy hơi, chướng bụng nặng hơn hoặc kéo dài trên 3 tuần.
- Người bệnh có biểu hiện táo bón xen kẽ tiêu chảy.
- Có máu trong phân. Nứt hậu môn hoặc bệnh trĩ khiến phân của bạn có máu.
- Hoàn toàn không thể đại tiện trong 4-5 ngày.
- Sốt cao.
- Sút cân không rõ nguyên nhân.
- Nôn mửa. Chất nôn có thể có mùi khó chịu như phân, điều đó cho thấy bạn có thể bị tắc ruột.
>>> Xem thêm: Dấu hiệu cảnh báo táo bón nặng không thể bỏ qua
9. Làm thế nào để phòng ngừa táo bón?
Để phòng ngừa táo bón, bạn nên thực hiện một chế độ ăn khoa học, một lối sống lành mạnh.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt.
- Hạn chế ăn thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp.
- Uống đủ nước. Việc bổ sung đủ nước mỗi ngày không những hạn chế tình trạng táo bón, còn giúp cho bạn thải trừ các chất độc trong cơ thể, da min màng, căng bóng căng bóng.
- Hạn chế các đồ uống chứa cafein, các chất gây nghiện như rượu, bia.
- Luyện tập thói quen đi đại tiện vào một thời điểm mỗi ngày.
- Bạn nên luyện tập thể dục thường xuyên. Nếu có thể, bạn nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày đều đặn các ngày trong tuần. Việc này không những phòng ngừa được táo bón mà còn giúp nâng cao sức khỏe.
- Tránh căng thẳng, stress.
- Cùng với đó, người dân nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát và điều trị sớm các bệnh lý là nguyên nhân gây ra táo bón.
Táo bón là một vấn đề phổ biến về đường tiêu hóa và gặp ở mọi lứa tuổi. Bài viết này, Imiale A+ mong rằng có thể cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về vấn đề táo bón. Từ đó, giúp bạn có thể phòng tránh, tìm được nguyên nhân cũng như giải pháp thích hợp. Nếu cần tư vấn thêm về táo bón, bạn đừng ngần ngại liên hệ HOTLINE 19009482 để được dược sĩ Imiale A+ giải đáp tận tình.
>>>Xem thêm bài viết: Cách trị táo bón đơn giản, hiệu quả tại nhà