Táo bón là một tình trạng rối loạn tiêu hóa phổ biến từ trẻ em đến người lớn tuổi. Tình trạng này xảy ra thường xuyên tạo nên cảm giác khó chịu và không thoải mái. Táo bón không xa lạ với chúng ta nhưng khi gặp vấn đề này, không phải ai cũng hiểu tại sao bị táo bón? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ nguyên nhân gây táo bón, từ đó tìm ra các cách giải pháp khi không may bạn gặp tình trạng này.
I. Táo bón là gì? Tại sao bị táo bón?
1. Táo bón là gì?
Táo bón được định nghĩa là tình trạng đi ngoài không thường xuyên và gặp khó khăn trong đại tiện. Một số triệu chứng thường gặp khi bị táo bón là:
- Đi ngoài ít hơn 3 lần trên tuần
- Phân vón cục, phân khô, cứng và lổn nhổn
- Đau bụng, chán ăn
- Cảm giác bụng đầy hơi, chướng bụng
- Cảm giác đầy bụng ngay sau khi đại tiện
- Cảm thấy buồn đi đại tiện nhưng không thể tống phân ra ngoài
- Cần sử dụng thuốc hoặc các biện pháp hỗ trợ để có thể đi đại tiện
>>> Xem thêm: Táo bón là gì? 9 kiến thức không thể bỏ qua về táo bón
2. Tại sao bị táo bón?
Phân được tạo ra từ ruột già và được thải ra ngoài bằng động tác đại tiện. Ruột già là đoạn cuối cùng của ống tiêu hóa và gồm 4 phần là manh tràng, đại tràng, trực tràng, ống hậu môn. Hai lý do trả lời cho câu hỏi tại sao bị táo bón là:
2.1. Bệnh nhân bị rối loạn vận động ở đại tràng
Sự giảm vận động hoặc tăng hoạt động quá mức ở đại tràng gây ra táo bón. Co bóp ở đại tràng yếu gây giảm bài xuất phân. Sự co bóp quá mức nhưng không tống xuất do đại tràng quá co thắt cũng làm giảm vận chuyển phân trong đại tràng.
2.2. Bệnh nhân bị rối loạn vận động ở trực tràng hậu môn
Sự giảm co bóp ở trực tràng và tăng co bóp ở hậu môn gây nên rối loạn vận động ở trực tràng hậu môn
Hai nguyên nhân trên dẫn đến phân lưu lại trực tràng lâu. Khi đó, nước bị hấp thu nhiều, phân càng trở nên rắn, chắc. Điều này gây khó khăn khi bệnh nhân đi đại tiện. Thời gian phân ở trong trực tràng càng lâu, cứ thế tạo thành 1 vòng xoắn bệnh lý táo bón.
II. 10 nguyên nhân gây táo bón thường gặp
Tình trạng phổ biến này đã được các nhà khoa học tìm ra rất nhiều nguyên nhân. Táo bón có thể do lối sinh hoạt hay là nguyên nhân thứ phát từ các bệnh lý khác. Sau đây là 10 nguyên nhân gây táo bón phổ biến thường gặp
Nguyên nhân 1: Chế độ ăn uống không hợp lý
- Thói quen uống ít nước hoặc cơ thể mất nhiều nước gây táo bón: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây táo bón. Nước là điều kiện cần thiết giúp phân mềm. Thiếu nước làm cho phân trở nên khô, cứng và trở nên khó tống xuất ra ngoài.
- Chế độ ăn thiếu chất xơ: Do thói quen hoặc sở thích ăn uống, một số người thường ít ăn rau, hoa quả tươi. Chất xơ trong rau củ làm tăng trọng lượng, kích thước phân và đồng thời tham gia làm mềm phân.
- Chế độ ăn nhiều đạm như thịt, sữa: Vì đây là những thực phẩm chứa nhiều chất béo, sợi protein mà ruột mất nhiều thời gian để tiêu hóa.
- Thường xuyên sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh: Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, thức ăn nhanh trở nên tiện lợi cho cuộc sống mọi người. Tuy nhiên, chúng đều chứa ít chất xơ, chứa nhiều chất béo và khó tiêu hóa.
- Uống nhiều rượu, bia, cà phê: Những chất này có tác dụng lợi tiểu, từ đó làm giảm lượng nước trong phân. Khi sử dụng nhiều, rượu bia sẽ ức chế dạ dày tiết men tiêu hóa protid dẫn đến rối loạn tiêu hóa.
- Bỏ bữa, các bữa ăn không tuân theo giờ giấc cố định cũng là nguyên nhân gây táo bón
>>> Xem thêm: Giải đáp – Ăn ổi bị táo bón: Sự thật hay lời đồn?
Nguyên nhân 2: Thói quen sinh hoạt
- Lối sống ít vận động: Thường gặp ở bệnh nhân bị bại liệt, người già, béo phì, người làm công việc văn phòng. Do tính chất công việc, do thói quen hoặc suy giảm khả năng vận động làm giảm nhu động ruột, dẫn đến táo bón.
- Thói quen nhịn đi đại tiện: Nếu chúng ta bỏ qua nhu cầu đi đại tiện vào một thời điểm, phân sẽ càng khô và cứng hơn. Cảm giác buồn đi đại tiện sẽ xuất hiện với tần suất ít hơn.
Nguyên nhân 3: Thay đổi lối sống
- Nghiên cứu cho thấy khi thói quen thông thường thay đổi có thể ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa.
- Các nhà khoa học Mỹ đã khảo sát trong 83 người Mỹ đi du lịch ở các quốc gia khác. Kết quả có 9% người bị táo bón.
Nguyên nhân 4: Căng thẳng, stress kéo dài
- Căng thẳng, lo âu ảnh hưởng đến hoạt động của dạ dày và ruột. Táo bón hay các bệnh lý đường ruột khác có thể gây ra căng thẳng và khó chịu. Vòng xoắn bệnh lý xuất hiện
- Khi bạn sợ hãi, căng thẳng và stress kéo dài, cơ thể sẽ tiết ra một loại hormon là epinephrin. Trên hệ tiêu hóa, hormon này làm giảm co bóp và giảm trương lực ruột. Kết quả dẫn đến giảm các hoạt động bài tiết của ruột và gây táo bón.
Nguyên nhân 5: Tác dụng không mong muốn của một số thuốc
Khi sử dụng một số thuốc có thể xuất hiện tác dụng phụ là chứng táo bón.
- Thuốc giảm đau nhóm opioid như codein, morphin, tramadol
- Thuốc chống viêm, giảm đau nhóm NSAIDS như ibuprofen, naproxen
- Thuốc chống co giật, động kinh như phenytoin, gabapentin
- Thuốc chống trầm cảm như imipramine
- Thuốc điều trị bệnh lý về tim mạch: Bao gồm thuốc chẹn kênh calci như verapamil, nifedipin và thuốc chẹn beta như atenolol
- Thuốc lợi tiểu như furosemide, hydrodiuril
- Thuốc kháng acid chứa muối calci như tums hoặc chứa nhôm như amphojel, basaljel
- Thuốc bổ sung sắt hoặc các chế phẩm chứa sắt
Nguyên nhân 6: Độ tuổi
- Trẻ nhỏ dễ bị rối loạn tiêu hóa và táo bón. Do ở trẻ nhỏ, hệ vi sinh phát triển chưa phong phú, hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện hoàn toàn.
- Người cao tuổi thường ít vận động và thường mắc nhiều bệnh lý khác, chức năng hệ tiêu hóa suy giảm. Nguy cơ mắc táo bón ở người cao tuổi (trên 65 tuổi) cao hơn các đối tượng khác.
>>> Xem thêm: Táo bón ở trẻ sơ sinh – 10 lời khuyên hữu ích cho mẹ
Nguyên nhân 7: Lạm dụng thuốc nhuận tràng
- Thuốc nhuận tràng giúp việc tống phân ra ngoài dễ dàng. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc nhuận tràng liên tục sẽ xuất hiện hiện tượng quen thuốc. Người dùng sẽ bị lệ thuộc thuốc. Khi ngừng sử dụng thuốc, tình trạng táo bón sẽ tái diễn.
- Ngoài ra, khi lạm dụng thuốc nhuận tràng có thể dẫn đến các nguy cơ như mất nước và điện giải.
Nguyên nhân 8: Táo bón do các vấn đề về sức khỏe
Táo bón có thể do nguyên nhân thứ phát với các bệnh lý như:
- Các vấn đề về nội tiết như tuyến giáp hoạt động kém. Hormon tuyến giáp làm tăng chuyển hóa glucid, lipid. Hormon này vừa làm tăng tổng hợp protein vừa làm tăng thoái hóa protein. Ngoài ra, hormon tuyến giáp làm tăng bài tiết dịch vị và tăng nhu động ruột. Nếu suy giáp sẽ gây táo bón.
- Các bệnh về chuyển hóa: đái tháo đường, suy giáp, hạ kali máu, tăng calci máu.
- Các bệnh về hệ thần kinh trung ương: bệnh parkinson, đa xơ cứng, đột quỵ, tổn thương ở tủy sống.
- Các bệnh về hệ thần kinh ngoại biên: bệnh phình đại tràng bẩm sinh, u xơ thần kinh.
- Các vấn đề về đường tiêu hóa: tắc ruột, viêm phúc mạc, viêm đại tràng, viêm ruột thừa, hẹp hậu môn, ung thư đại tràng, hội chứng ruột kích thích.
Các bệnh lý này đều cản trở sự di chuyển của phân và đem lại cảm giác đau, khó chịu cho người bệnh.
Nguyên nhân 9: Giới tính
- Nữ giới có nguy cơ bị táo bón cao hơn nam giới.
- Nghiên cứu về Dịch tễ học về táo bón ở Hoa Kỳ cho kết quả rằng táo bón phổ biến ở nữ giới gấp 3 lần so với nam giới.
- Nguyên nhân có thể do nữ có xu hướng vận động, di chuyển ít hơn nam. Ngoài ra, thói quen đại tiện ở nhiều phụ nữ có sự thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt, thời kỳ mang thai.
1Nguyên nhân 10: Phụ nữ mang thai và sau sinh
- Phụ nữ có thai thường gặp tình trạng táo bón do cơ thể họ có sự thay đổi nội tiết lớn, chế độ ăn nhiều chất. Trong thời kỳ mang thai, sự phát triển của thai nhi chèn ép các dây thần kinh và đường tiêu hóa. Khả năng tiêu hóa giảm, tốc độ di chuyển thức ăn trong ruột cũng chậm hơn
- Phụ nữ sau sinh: Phụ nữ sau sinh thường ít vận động, hạn chế đi lại và thường nhịn đi vệ sinh. Mẹ sẽ có xu hướng ăn nhiều thực phẩm giàu đạm, vitamin dẫn đến chế độ ăn mất cân bằng.
>>> Xem thêm: Bầu bị táo bón và 6 cách trị táo bón cho bà bầu an toàn nhất
III. 5 biện pháp cải thiện táo bón nhanh chóng
Táo bón là không phải vấn đề nguy hiểm. Đa số các trường hợp táo bón nhẹ đến trung bình đều có thể cải thiện tại nhà. Dưới đây là một số lời khuyên để bạn cải thiện chứng táo bón nhanh chóng:
1. Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh
Chế độ ăn ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng táo bón. Điều chỉnh chế độ ăn khoa học giúp bạn giảm triệu chứng của táo bón. Khi có các biểu hiện của táo bón, bạn nên điều chỉnh chế độ ăn khoa học như:
1.1. Bổ sung lượng chất xơ trong khẩu phần ăn
Nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng cho người Việt Nam. Các chuyên gia dinh dưỡng đã khuyến nghị nhu cầu chất xơ tối thiểu mỗi người cần là 18-20 gam/ngày. Hàm lượng chất xơ chiếm phần trăm cao trong rau, củ, quả. Một số loại thực phẩm từ thiên nhiên được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng để cải thiện chứng táo bón như:
- Các loại rau củ: rau chân vịt, đậu hà lan, rau ngót, khoai lang, cà rốt,…
- Các loại quả: Táo, lê, nho, kiwi, quả mâm xôi,…
- Các loại hạt: hạt bí ngô, hạt hướng dương, hạt chia, hạt đậu phộng,…
- Các loại đậu: đậu lăng, đậu gà, đậu hải quân,…
- Ngũ cốc nguyên hạt: lúa mạch, yến mạch, ngô, hạt điều, bánh mì nguyên cám,…
Tuy nhiên, chúng ta nên tăng dần lượng chất xơ trong khẩu phần ăn. Nếu lượng chất xơ tăng cao đột ngột, bạn có thể sẽ gặp những tác dụng không mong muốn như đầy bụng.
1.2. Uống đủ nước mỗi ngày
Nước giúp hệ tiêu hóa của chúng ta hoạt động hiệu quả. Cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể không những giúp cải thiện tình trạng táo bón mà nước còn rất tốt cho sức khỏe.
Lượng nước cần thiết ở mỗi người là khác nhau, nó phụ thuộc vào thể trạng và hoạt động của họ. Theo nghiên cứu của Viện Hàn lâm Hoa Kỳ, lượng nước trung bình được khuyến nghị hàng ngày là: khoảng 3,7 lít đối với nam giới và khoảng 2,7 lít đối với nữ giới. Ngoài ra, uống nước ấm sẽ giúp hệ tiêu hóa của bạn hoạt động tốt hơn.
Bạn nên lắng nghe cơ thể mình và bổ sung nước hợp lý. Vào những ngày nóng, khi cơ thể sốt cao hay sau khi vận động thể lực, bạn hãy uống nước.
Tuy nhiên, đồ uống có ga, các loại nước giải khát có thể gây hại cho sức khỏe và khiến tình trạng táo bón trở nên tồi tệ hơn.
1.3. Hạn chế thức ăn chứa nhiều chất béo, thức ăn nhanh
Các chuyên gia y tế khuyên rằng chúng ta nên hạn chế chất béo bão hòa, đồng thời chọn thực phẩm giàu chất béo không bão hòa để thay thế.
Các nguồn chất béo không bão hòa phổ biến mà bạn nên tham khảo như: dầu ô liu, quả bơ, cá hồi, cá mòi, cá thu.
Các loại thực phẩm mà bạn không nên sử dụng khi bị táo bón như: đồ chiên rán, đồ nướng, các sản phẩm từ sữa, bơ, thịt đỏ, trứng, bánh mì trắng.
>>> Xem thêm: Bị táo bón nên ăn gì, kiêng gì? 7 bài thuốc dân gian chữa táo bón tại nhà
2. Tích cực vận động, tập thể dục đều đặn
Lối sống ít vận động làm tăng nguy cơ táo bón. Các nhà khoa học đã khuyên chúng ta nên tăng cường tập thể dục để tăng nhu động ruột, phân dễ dàng di chuyển hơn.
Tăng cường vận động giúp giảm một số triệu chứng, giúp mọi người có tinh thần thoải mái. Từ đó, vận động giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Ở những người mắc hội chứng ruột kích thích, tập thể dục ở cường độ nhẹ như đi bộ giúp cải thiện triệu chứng táo bón. Tuy nhiên, nếu tập luyện với cường độ mạnh thì các triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn.
Bạn hãy thử thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng, sau đó tăng cường mức độ tập luyện dần đều. Bạn nên bắt đầu từ những hoạt động như đi bộ thường xuyên, bơi lội, đạp xe,…
3. Bổ sung thực phẩm chứa men vi sinh – probiotics
Men vi sinh được hiểu là chủng vi khuẩn sống, có lợi cho sức khỏe đường ruột và giúp làm mềm phân. Những thực phẩm chứa men vi sinh tốt cho sức khỏe mà bạn nên sử dụng hàng ngày như:
- Sữa chua chứa nhiều vi khuẩn sống có lợi cho sức khỏe đường ruột, từ đó cải thiện chức năng tiêu hóa.
- Nấm sữa tây tạng là một loại sữa uống chứa men vi sinh. Nó là một nguồn chứa men vi sinh tốt hơn sữa chua và được dung nạp tốt bởi những người không dung nạp lactose.
- Đậu phụ là một sản phẩm từ đậu tương lên men. Đây còn là thức ăn quen thuộc của người Việt và là món ăn thuần chay, chứa nhiều protein và ít năng lượng.
- Kim chi là món ăn cay từ Hàn Quốc được làm từ cải thảo lên men. Nó chứa nhiều vi khuẩn acid lactic có lợi cho hệ tiêu hóa, chứa nhiều vitamin và khoáng chất.
>>> Xem thêm: Rũ bỏ ám ảnh táo bón lâu ngày – Bí quyết từ chuyên gia giúp đi ngoài dễ dàng
4. Tập luyện thói quen đi vệ sinh
Bạn phải đi vệ sinh ngay mỗi khi cơ thể có nhu cầu. Cố gắng tập luyện đi đại tiện vào một khung giờ cố định trong ngày. Tư thế ngồi bồn cầu chuẩn đó là: nâng cao chân, ngả người ra sau hoặc ngồi xổm. Đi vệ sinh chuẩn tư thế giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.
Bạn hãy cố gắng để xây dựng thói quen đại tiện từ 15 đến 45 phút sau bữa sáng mỗi ngày. Khi đi vệ sinh, bạn không nên sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị khác. Bạn cũng không nên cố ngồi bồn cầu quá lâu, không cố rặn khi đi đại tiện.
5. Các giải pháp khác
Nếu bạn nghi ngờ nguyên nhân táo bón là do thuốc, hãy trao đổi vấn đề này với bác sĩ. Bạn không nên thay đổi, ngừng bất kỳ loại thuốc nào mà chưa tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế. Ngoài ra, bạn nên chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình, tránh căng thẳng, lo âu.
>>> Xem thêm: 9 Mẹo chữa táo bón cấp tốc
IV. Khi nào nên đi gặp bác sĩ?
Khi tình trạng táo bón vẫn tiếp diễn kéo dài, các triệu chứng không thuyên giảm hoặc khi nhận thấy các dấu hiệu sau đây, bạn nên đi gặp bác sĩ:
- Các triệu chứng không giảm khi thay đổi chế độ sinh hoạt
- Chảy máu từ trực tràng
- Đau bụng dai dẳng
- Cảm giác đau dữ dội khi đại tiện
- Máu lẫn trong phân
- Nôn mửa, sốt
- Sút cân không rõ nguyên nhân
- Táo bón xen kẽ với tiêu chảy
- Tình trạng táo bón kéo dài hơn ba tuần
Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc tùy vào tình trạng của bạn và lựa chọn các liệu pháp hỗ trợ hợp lý. Bạn sẽ được thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán, loại trừ các bệnh lý nghiêm trọng như hội chứng ruột kích thích hoặc ung thư đại trực tràng.
>>> Xem thêm: Dấu hiệu táo bón nặng không thể bỏ qua
V. Cách phòng ngừa táo bón hiệu quả
Các cách để phòng ngừa táo bón cũng tương tự với các giải pháp để cải thiện tình trạng bệnh:
- Ăn thực phẩm giàu chất xơ. Các nguồn cung cấp chất xơ dồi dào là trái cây, rau, các loại đậu, bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt. Nếu cơ thể bạn khó ăn các thực phẩm này, bạn nên trao đổi, tham khảo tư vấn về việc sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ với bác sĩ, dược sĩ.
- Uống đủ nước, đặc biệt khi cơ thể mệt mỏi, ốm sốt, sau khi hoạt động thể lực.
- Tăng cường vận động thể lực, hoạt động thể chất thường xuyên. Hãy đặt mục tiêu tập luyện 30 phút mỗi ngày, sức khỏe và tinh thần của bạn sẽ được cải thiện.
- Rèn luyện thói quen đi vệ sinh, cố gắng đi đại tiện vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
- Hạn chế sử dụng rượu bia và chất kích thích.
- Lựa chọn sử dụng các thực phẩm chứa men vi sinh bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày.
- Người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần để phòng ngừa và điều trị sớm các bệnh lý nguy hiểm.
Mọi chi tiết thắc mắc liên quan đến sức khỏe xin vui lòng liên hệ HOTLINE 1900 9482 HOẶC 096 762 9482