Tỷ lệ táo bón ở trẻ em được báo cáo lên tới 30% và chiếm đến 5% số ca bệnh tại các phòng khám nhi khoa ngoại trú. Đây thực sự là những con số biết nói. Nó cho chúng ta thấy một thực trạng rằng vấn đề táo bón ở trẻ là vô cùng phổ biến. Vậy tại sao trẻ lại hay bị táo bón như vậy?
Mục lục
1. Trẻ bao nhiêu tuổi thì hay bị táo bón? 8 nguyên nhân gây táo bón hàng đầu ở trẻ
1.1. Trẻ bao nhiêu tuổi thì hay bị táo bón?
Về cơ bản, táo bón ở trẻ em được hiểu là tình trạng bé đi ngoài không thường xuyên (ít hơn 3 lần mỗi tuần) hoặc đau đớn khi đại tiện phần lớn do phân quá to hay quá cứng.
Nhìn chung, táo bón ở trẻ sơ sinh không phổ biến. Trong ngày đầu tiên sau khi chào đời, 90% trẻ đi ngoài phân su một cách bình thường và có xu hướng đi tiêu khoảng 1 lần 1 ngày trong suốt tháng thứ nhất. Kể từ tháng thứ hai trở đi, trẻ có thể giảm tần suất đi ngoài xuống còn vài ngày hay thậm chí 1 tuần 1 lần. Điều này là hoàn toàn bình thường nếu phân của bé mềm và bé không có cảm giác đau đớn khi đại tiện.
Tình trạng này xảy ra có thể do cơ bụng của bé còn yếu hoặc bé chưa hình thành thói quen đi tiêu, nó sẽ cải thiện khi bé lớn dần và bạn không cần quá lo lắng. Ngược lại, nếu bé có biểu hiện quấy khóc đau đớn khi đại tiện, đi tiêu không thường xuyên kèm theo phân cứng (có thể to hoặc nhỏ) thì rất có khả năng bé đang bị táo bón và cần sự giúp đỡ của bạn.
Táo bón ở trẻ nhìn chung bắt đầu trở nên thường xuyên hơn khi bé bắt đầu cai sữa mẹ và ăn dặm. Tình trạng này phổ biến nhất ở trẻ từ 2 đến 4 tuổi – giai đoạn bé tập đi vệ sinh và bắt đầu đi mẫu giáo.
1.2. 8 nguyên nhân gây táo bón hàng đầu ở trẻ.
Táo bón chia ra làm 2 nhóm là táo bón cơ năng và táo bón thực thể.
Về cơ bản, táo bón thực thể khá hiếm gặp. Nó được hiểu là bệnh nhân có triệu chứng táo bón kèm theo một tổn thương cơ quan, có thể là đường tiêu hóa hoặc không. Loại táo bón này khác so với táo bón chức năng, nghĩa là bệnh nhân khó tiêu nhưng lại chẳng có bất kì tổn thương nào. Táo bón cơ năng chiếm 95% các ca táo bón. Dưới đây là 8 nguyên nhân gây táo bón cơ năng hàng đầu ở trẻ.
Bé bắt đầu ăn thức ăn đặc
Khi bé khoảng 6 tháng tuổi sẽ là khoảng thời gian tối ưu nhất để bé bắt đầu ăn dặm và mẹ nên cho bé bổ sung thêm thức ăn đặc ngoài sữa mẹ. Với những bé lần đầu ăn dặm, việc chuyển đột ngột chế độ dinh dưỡng từ sữa mẹ sang đồ ăn đặc có thể gây ra tình trạng táo bón. Điều này là hết sức bình thường và nó cũng có thể xảy ra tương tự với bé cai sữa mẹ.
Bé chuyển sang uống sữa công thức
Đối với bé dưới 6 tháng tuổi thì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng thiết yếu, nhưng đôi khi mẹ thiếu sữa thì việc bé dùng thêm sữa công thức là cần thiết. Việc bé chuyển sang uống sữa công thức cũng có thể là nguyên nhân gây ra táo bón do sữa ngoài có thành phần protein lạ mà hệ tiêu hóa của bé chưa đủ hoàn thiện để xử lý chúng.
Bé nhịn đi ngoài
Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng táo bón ở trẻ bắt đầu xảy ra khi mà bé cảm giác đau khi đi ngoài. Một khi bé cảm thấy đau, bé sẽ sợ hãi và có xu hướng tránh đi bằng cách nhịn đi đại tiện. Lúc đó, phân sẽ tồn tại lâu hơn trong hệ tiêu hóa, dần dần trở nên cứng hơn và cảm giác đau đớn sẽ ngày càng gia tăng trong lần đi tiêu tiếp theo. Bé lại tiếp tục nhịn và đây sẽ là vòng tuần hoàn ác tính dẫn đến tình trạng táo bón nghiêm trọng ở trẻ nhỏ.
Đôi khi bé nhịn không phải vì đau khi đi tiêu mà chỉ đơn giản là bé đang chơi đùa và không muốn gián đoạn cuộc vui đó. Đối với trường hợp này sự giáo dục cho trẻ về đi ngoài là vô cùng cần thiết.
Không uống đủ nước
Bé thường không mấy nhạy cảm với cảm giác khát và lười uống nước cũng như ăn trái cây bổ sung thêm nước cho cơ thể. Điều này cũng có thể là nguyên nhân gây ra táo bón ở trẻ.
Mất nước
Việc bé chơi đùa thời gian dài hoặc tình trạng sốt cũng có thể dẫn đến sự mất nước của cơ thể qua tuyến mồ hôi. Khi cơ thể mất nước, hệ tiêu hóa sẽ tăng tái hấp thu nước từ phân và có thể gây ra táo bón ở trẻ.
Không ăn đủ chất xơ
Bé thường thích ăn thịt hơn là rau và hoa quả dẫn đến việc không đủ chất xơ cần thiết cho tiêu hóa. Thiếu chất xơ làm thể tích phân giảm và phân trở nên cứng hơn, điều này dẫn đến việc đi vệ sinh trở nên khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân của tình trạng táo bón ở trẻ.
Bé ngại khi đi vệ sinh ở nơi công cộng
Bé còn nhỏ, dễ ngại ngùng làm bé không thích đi ngoài ở nhà vệ sinh công cộng. Bé có tâm lý muốn nhịn đi vệ sinh và chờ đến về nhà. Điều này có thể khiến tình trạng táo bón của bé trở nên trầm trọng hơn.
Bé bị căng thẳng thần kinh
Trước ngày đầu nhập học hay một chuyến đi chơi xa, bé rất dễ bị căng thẳng. Điều này kích thích hệ thần kinh non nớt của bé và cũng có thể gây ra tình trạng táo bón.
Táo bón thực thể khá hiếm gặp và chiếm khoảng 5% tỷ lệ táo bón ở trẻ. Loại táo bón này thường nguy hiểm và khó xử lý hơn táo bón cơ năng. Một số trường hợp hay gặp:
- Bệnh Hirschsprung (rối loạn thần kinh đường ruột bẩm sinh): bé chậm đi phân su trong 24-48 giờ sau sinh là một dấu hiệu gợi ý bệnh Hirschsprung.
- Ngộ độc thịt ở trẻ sơ sinh: Bệnh thường xảy ở trẻ em nhỏ hơn 6 tháng tuổi. Bé gặp phải tình trạng này do nuốt phải bào tử Clostridium Botulinum và gây bệnh. Hầu hết trường hợp không phải do ngộ độc thực phẩm mà thường không rõ nguyên nhân.
- Một số triệu chứng có thể gặp như bé bú kém, khóc yếu, giảm trương lực cơ. Nếu bé có tiền sử uống mật ong trước 12 tháng tuổi thì bạn nên để ý tình trạng này.
- Táo bón là tác dụng phụ của một số thuốc như kháng cholinergic, thuốc chống trầm cảm, hóa trị liệu hoặc opioid. Đối với trường hợp này, bạn nên xem lại tiền sử dùng thuốc của bé và cân nhắc thêm.
- Các bệnh lý thần kinh nghiêm trọng: Tình trạng táo bón là hậu quả của việc giảm trương lực cơ cũng như liệt cơ ruột ở bệnh nhân bại não.
- Rối loạn nội tiết và chuyển hóa: một số rối loạn như đái tháo đường, tăng canxi máu, hạ Kali máu hay suy giáp đều có thể gây táo bón thứ phát ở trẻ.
- Một số rối loạn đường ruột như xơ nang, bệnh Celiac (bệnh rối loạn tiêu hóa gluten) hay hội chứng ruột kích thích cũng có thể là yếu tố nguy cơ táo bón ở trẻ.
Đối với táo bón thực thể, bạn không nên xử lý tại nhà mà nên cho bé đi khám sớm nhất có thể để có thể điều trị nguyên nhân và tránh những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
2. Ảnh hưởng của táo bón lên sự phát triển của trẻ.
Táo bón vô cùng phổ biến ở trẻ em nhưng thường không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu táo bón không được điều trị kịp thời và trở thành táo bón mãn tính thì có thể gây ra một số biến chứng như đau rát và rách hậu môn, sa trực tràng và tắc ruột.
Tình trạng táo bón ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. Táo bón gây chướng bụng, giảm cảm giác thèm ăn và dẫn đến chán ăn, buồn nôn ở trẻ. Do đó, trẻ bị táo bón thường chậm phát triển cả về chiều cao và cân nặng so với trẻ bình thường. Tuy nhiên, điều may mắn là nếu điều trị kịp thời, bé có thể phát triển trở lại như bình thường.
3. Biện pháp đẩy lùi táo bón hiệu quả.
3.1. Thay đổi chế độ ăn và thói quen sinh hoạt
Uống đủ nước
Cho bé uống đủ nước (Lượng nước khuyến cáo đối với trẻ sơ sinh nhỏ hơn 6 tháng tuổi là 700ml 1 ngày, trẻ lớn hơn là trên 800ml)
Bổ sung thêm khoảng 50-100 ml nước trái cây như nước nho, lê, táo, anh đào hoặc mận khô vào khẩu phần ăn của bé (áp dụng với bé trên 2 tháng tuổi)
Bổ sung đủ chất xơ
Đối với bé đã bắt đầu ăn dặm và trẻ em, bạn có thể bổ sung thêm thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt để giảm táo bón cho bé.
Giảm lượng thức ăn gây táo bón
Ví dụ như pho mát, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, …
Tăng cường vận động cho bé
Cho bé tập những bài tập đơn giản phù hợp với độ tuổi của bé từ động tác nhẹ nhàng cho đến những bài tập thể thao ngoài trời.
3.2. Liệu pháp tâm lý
- Khuyến khích bé đi tiêu thường xuyên sau bữa ăn.
- Giáo dục bé rằng việc đi tiêu ở nhà vệ sinh công cộng không có gì xấu hổ và bé không nên nhịn đi tiêu khi có nhu cầu.
- Bạn hãy tập thói quen cho bé đi tiêu vào một thời điểm cố định trong ngày, tốt nhất là 15-45 phút sau ăn sáng. Lúc này, việc đi tiêu sẽ trở nên dễ dàng hơn nhờ tận dụng phản xạ sau ăn của dạ dày và ruột kết để tăng đẩy phân ra ngoài.
3.3. Sử dụng một số thuốc nhuận tràng không kê đơn
Một số thuốc nhuận tràng như viên đặt hậu môn, thuốc làm mềm phân và dung dịch điện giải sẽ khiến bé đi tiêu dễ dàng hơn. Tuy nhiên bạn không nên lạm dụng thuốc nhuận tràng. Nó có thể làm suy yếu chức năng sinh lý của đại tràng và trầm trọng hơn tình trạng táo bón của bé. Mong rằng bạn hãy xin ý kiến chuyên gia trước khi cho bé dùng thuốc.
4. Cần bổ sung gì cho trẻ hết táo bón.
Mặc dù có khá nhiều thuốc nhuận tràng nhưng khoảng gần 50% bệnh nhân đáp ứng kém với thuốc. Một phần khác không dám sử dụng thuốc lâu dài vì nguy cơ lệ thuộc thuốc cũng như tác dụng không mong muốn của nó trên hệ tiêu hóa. Bệnh nhân luôn mong muốn tìm kiếm một giải pháp an toàn và hiệu quả hơn cho chứng táo bón của họ.
Ngoài việc cho trẻ uống đủ nước và ăn đủ chất xơ, bổ sung lợi khuẩn cũng là một biện pháp đáng để cân nhắc. Đa số các trường hợp táo bón đều ghi nhận có loạn khuẩn ruột. Sự mất đi vi khuẩn có lợi và gia tăng vi khuẩn có hại ở ruột do nhiều nguyên nhân cũng là một yếu tố nguy cơ của táo bón.
Vậy liệu giải pháp bổ sung lợi khuẩn để cân bằng lại hệ khuẩn chí đường ruột có cải thiện táo bón hay không?
Rất may câu trả lời là có. Nghiên cứu chứng minh rằng bổ sung các chủng lợi khuẩn như loài Lactobacillus hoặc Bifidobacterium giúp gia tăng nhu động ruột một cách tự nhiên, giảm độ đặc của phân cũng như giảm đầy hơi ở người mắc bệnh. Biện pháp này không chỉ cải thiện triệu chứng mà còn giải quyết nguyên nhân, tăng cường sức khỏe đường ruột và giảm nguy cơ tiến triển thành táo bón mãn tính. Đây là giải pháp lâu dài, an toàn và không gây lệ thuộc cho bệnh nhân.
Bifidobacterium BB-12 là một chủng lợi khuẩn ở ruột đã có nhiều nghiên cứu lâm sàng về hiệu quả trong việc giảm táo bón. Cân nhắc sử dụng một chế phẩm bổ sung Bifidobacterium BB-12 hứa hẹn sẽ mang đến một trải nghiệm hài lòng cho bệnh nhân táo bón.
Mọi chi tiết thắc mắc xin vui lòng liên hệ HOTLINE 1900 9482 HOẶC 09 6762 9482 để được giải đáp