Đau bụng khi mang thai là hiện tượng thường gặp ở mẹ bầu. Tuy nhiên trong một số trường hợp đau bụng là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề nghiêm trọng khác ảnh hưởng xấu đến mẹ và bé. Vậy để giải đáp cho câu hỏi “Mẹ bầu bị đau bụng có sao không?” và mẹo chữa đau bụng cho bà bầu hiệu quả hãy đọc bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Mẹ bầu bị đau bụng có sao không?
Trong những tháng đầu của thai kỳ, cơ thể mẹ bầu có thể xuất hiện tình trạng đau bụng râm ran. Đây là dấu hiệu cho thấy thai đang bắt đầu làm tổ, bám vào niêm mạc tử cung. Mẹ bầu không nên lo lắng vì cơn đau sẽ không tăng lên và sẽ tự biến mất sau vài ngày.
Trong những tháng sau của thai kỳ, thai nhi đã lớn hơn mà mẹ bầu vẫn xuất hiện các cơn đau bụng. Nguyên nhân có thể do:
- Em bé đạp
Khi bé đạp sẽ khiến bụng mẹ bị đau, căng tức, mẹ bầu không nên lo lắng vì cơn đau sẽ nhanh chóng giảm dần và biến mất.
- Căng dây chằng
Tình trạng này xảy ra khi mẹ bầu bước vào tam cá nguyệt thứ 2. Mẹ bầu thường thấy đau hơn khi thay đổi động tác, tư thế đột ngột như hắt xì, ho, đứng dậy,… Để hạn chế cơn đau do căng dây chằng, mẹ bầu nên vận động từ từ, thay đổi tư thế chậm hơn.
- Rối loạn tiêu hóa:
Mẹ bầu có thể bị đau bụng do rối loạn tiêu hóa khi mang thai. Nguyên nhân của tình trạng khó chịu là nồng độ hormone progesterone tăng lên khiến nhu động động ruột co bóp chậm hơn. Từ đó, dẫn đến chứng rối loạn tiêu hóa như táo bón, đầy bụng, ợ hơi,…
- Cơn co Braxton Hicks (cơn gò tử cung):
Cơn gò tử cung thường xuất hiện bất chợt khoảng 10-20 giây và tự biến mất, khiến mẹ bầu đau tức vùng bụng. Mẹ bầu sẽ cảm thấy có cơn gò vào khoảng tháng thứ tư của thai kỳ.
Mặc dù đau bụng khi mang thai hầu hết là những biểu hiện bình thường, không đáng lo ngại. Tuy nhiên, mẹ bầu cũng cần chú ý đến những rủi ro tiềm ẩn gây nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Một số tình trạng nguy hiểm khi mang thai mà mẹ bầu có thể gặp phải:
- Mang thai ngoài tử cung:
Khi xảy ra mang thai ngoài tử cung, mẹ bầu sẽ cảm thấy căng đau, co cứng ở vùng xương chậu kèm theo chảy máu nhanh ở âm đạo, ngất xỉu. Nếu gặp những triệu chứng trên, mẹ bầu cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu:
Kích thước thai nhi lớn dần sẽ gây chèn ép vùng thận và niệu quản, cản trở việc tiểu tiện, nước tiểu bị ứ trệ khiến vi khuẩn phát triển dẫn đến nhiễm trùng. Một số triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu ở mẹ bầu gồm: bí tiểu, đau ở vùng bàng quang, đau bụng dưới, mệt mỏi, máu lẫn nước tiểu.
- Tiền sản giật:
Là tình trạng tăng huyết áp, xuất hiện protein niệu và phù vào khoảng tuần thứ 20 của thai kỳ. Mẹ bầu bị tiền sản giật sẽ thấy đau bụng, đau đầu, rối loạn tri giác, buồn nôn,…Nếu không được phát hiện kịp thời, mẹ bầu có thể bị sản giật, thai nhi kém phát triển, bong nhau non.
2. 6 mẹo chữa đau bụng cho mẹ bầu an toàn, hiệu quả
Dân gian ta đã đúc kết những mẹo chữa đau bụng cho mẹ bầu với những nguyên liệu dễ tìm mà đem lại hiệu quả cao và an toàn với phụ nữ đang mang thai. Tuy nhiên, những mẹo dân gian chỉ giúp điều trị đau bụng do các vấn đề về tiêu hóa, tiêu chảy do nhiễm khuẩn,… Còn với những trường hợp khác, mẹ bầu cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng theo phác đồ của bác sĩ.
Một số mẹo dưới đây sẽ giúp mẹ bầu cải thiện tình trạng đau bụng khó chịu khi mang thai:
2.1. Mẹo chữa đau bụng cho mẹ bầu bằng trà gừng
Thành phần của gừng chứa tinh dầu, chất cay zingeron, zingerola có công dụng ôn trung tán hàn, giảm đau bụng, buồn nôn, giảm co thắt nhu động ruột. Dược liệu gừng dễ tìm và an toàn hiệu quả trong việc giảm đau bụng nên đây là giải pháp hàng đầu mẹ bầu nên lựa chọn.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Chuẩn bị 5 lát gừng mỏng
- Bước 2: Cho gừng vào 500ml nước nóng, rồi uống khi trà còn ấm
2.2. Mẹo chữa đau bụng cho mẹ bầu bằng mật ong
Đây là một trong những thực phẩm đem lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho cơ thể. Trong mật ong chứa hàm lượng lớn đường cùng vitamin, chất chống oxy hóa khoáng chất sắt, magie,… có tác dụng bổ sung năng lượng, kháng khuẩn, cải thiện rối loạn tiêu hóa.
Một cốc nước ấm thêm chút mật ong sẽ giúp cơ thể mẹ bầu đào thải độc tố, diệt khuẩn đường ruột. Từ đó, ngăn chặn tình trạng đau bụng do rối loạn tiêu hóa khi mang thai.
2.3. Mẹo chữa đau bụng cho mẹ bầu bằng vỏ quýt khô (trần bì)
Trong vỏ quýt chứa nhiều tinh dầu có vị cay, đắng, công dụng giúp giảm đau bụng, đầy bụng khó tiêu, làm ấm dạ dày hiệu quả, an toàn cho mẹ bầu.
Cách thực hiện:
Cháo trần bì:
- Bước 1: Chuẩn bị 100 gam gạo tẻ, 10g vỏ quýt khô, 150 gam thịt lợn băm
- Bước 2: Cho trần bì đun với nước lọc 10 phút, lọc bỏ trần bì
- Bước 3: Cho gạo tẻ và thịt lợn vào nước đun trần bì, nấu thành cháo, nêm gia vị cho vừa miệng, mẹ bầu nên ăn 2-3 lần một tuần để thấy sự hiệu quả.
Gà hầm trần bì ngải cứu:
- Bước 1: Chuẩn bị 1 con gà nhỏ khoảng 1,2kg, 15g trần bì, ngải cứu
- Bước 2: Làm sạch gà, cho trần bì, ngải cứu vào hầm trong 45 phút, thêm gia vị cho vừa ăn.
2.4. Mẹo chữa đau bụng cho mẹ bầu bằng bạc hà
Bạc hà là dược liệu mang nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Ngoài công dụng tạo mùi thơm, nguyên liệu trong các món ăn, đồ uống, bạc hà còn là vị thuốc giúp giảm đau, giảm nhu động ruột, điều hòa co bóp các cơ đường ruột nhờ hoạt chất menthol- thành phần trong tinh dầu bạc hà.
Theo nghiên cứu, bạc hà không gây ảnh hưởng đến thai nhi nhưng mẹ bầu cũng chỉ nên dùng với lượng vừa phải. Với những mẹ bầu không hợp bạc hà thì đôi khi có thể gây tác dụng phụ như dị ứng, kích ứng dạ dày,…nên để đảm bảo an toàn thì mẹ bầu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Cách thực hiện trà chanh bạc hà:
- Bước 1: Chuẩn bị 5 lá bạc hà, 200ml nước lọc, 2 thìa đường, 1 quả chanh
- Bước 2: Cho lá bạc hà và 1 chút nước vào máy xay rồi lọc lấy nước cốt bạc hà
- Bước 3: Cho đường, chanh, nước cốt bạc hà vào 200ml nước rồi khuấy tan đường và uống.
2.5. Mẹo chữa đau bụng cho mẹ bầu bằng ngải cứu
Theo y học cổ truyền, ngải cứu có công dụng kháng viêm, diệt khuẩn, giảm đau, an thai,… Tuy có nhiều tác dụng tuyệt vời trong điều trị các bệnh nhưng ngải cứu cũng gây nhiều tác dụng không mong muốn.
Vì vậy, mẹ bầu có thai dưới 3 tháng không được tự ý dùng ngải cứu. Với mẹ bầu mang thai sau 3 tháng thì nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng ngải cứu để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Cách thực hiện trứng rán ngải cứu:
- Bước 1: Chuẩn bị 100 gam ngải cứu, 2 quả trứng gà
- Bước 2: Nhặt và rửa sạch ngải cứu, cắt nhỏ ngải cứu
- Bước 3: Trộn ngải cứu với 2 quả trứng gà, thêm chút muối cho đậm vị
- Bước 4: Rán trứng trên lửa nhỏ trong 5 phút và thưởng thức món ăn, mỗi tuần mẹ bầu nên ăn 2-3 lần kéo dài trong 3 tuần.
2.6. Mẹo chữa đau bụng cho mẹ bầu bằng bột nghệ
Từ xa xưa, nghệ đã được ông cha ta sử dụng như một loại kháng sinh tự nhiên trong phòng và chữa bệnh. Thành phần của nghệ chứa chủ yếu là Curcumin 1,5-2 % có tính kháng khuẩn, kháng viêm mạnh giúp giảm đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có bằng chứng xác minh nghệ an toàn với phụ nữ có thai. Do đó, mẹ bầu nên dùng nghệ với liều lượng nhỏ, mỗi lần khoảng 2-3 gam và dùng trong khoảng thời gian ngắn. Để đảm bảo an toàn thì mẹ bầu có thể hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng nghệ.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Chuẩn bị 2-4 gam bột nghệ, 200ml nước nóng, 1 thìa nhỏ mật ong
- Bước 2: Cho bột nghệ và mật ong vào nước nóng, khuấy đều và uống khi nước còn ấm
Mẹ bầu nên uống trong 3 lần/tuần và duy trì trong 2 tuần để thấy được tình trạng đau bụng được cải thiện.
3. Một số lưu ý trong quá trình điều trị đau bụng cho bà bầu
Ngoài áp dụng các mẹo dân gian thì mẹ bầu cần kết hợp thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất
Thay đổi thói quen ăn uống:
- Uống 1,5-2 lít nước mỗi ngày: giúp cung cấp đủ nước cho cơ thể để duy trì hoạt động chuyển hóa, trao đổi chất diễn ra bình thường, tránh tình trạng rối loạn tiêu hóa như táo bón gây đau bụng, khó tiêu
- Bổ sung đầy đủ chất xơ: mẹ bầu nên ăn các loại rau như súp lơ, rau cải, bí đỏ,…cùng các loại trái cây như cam, táo,…chứa chất xơ, vitamin cần thiết giúp tăng cường chức năng đường ruột, tăng sức đề kháng cho cơ thể mẹ bầu
- Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ: mẹ bầu chia bữa ăn thành 5-6 bữa nhỏ mỗi ngày, giúp giảm gánh nặng lên hệ tiêu hóa và thức ăn được hấp thu dễ dàng hơn.
Thực hiện các bài tập kéo giãn cơ: Các bài tập sẽ giúp mẹ bầu luyện tập một số cơ và dây chằng, để tăng cường sự dẻo dai và săn chắc của cơ thể. Bên cạnh đó, mẹ bầu nên hỏi ý kiến của bác sĩ để tìm ra cho bản thân bài tập phù hợp và an toàn cho em bé trong bụng.
Nếu mẹ bầu bị đau bụng kèm theo những triệu chứng dưới đây, hãy liên hệ với bác sĩ và đến cơ sở y tế thăm khám sớm nhất:
- Đau bụng dữ dội, kéo dài nhiều ngày
- Sốt
- Buồn nôn, nôn ra máu
- Đau đầu, chóng mặt, mờ mắt ngất xỉu
- Xuất huyết âm đạo
- Tiểu ra máu
- Xuất hiện cơn co thắt 30 – 60 giây, lặp lại kéo dài có thể là dấu hiệu chuyển dạ
Mẹ bầu cần theo dõi, không nên chủ quan trước bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của cơ thể. Hi vọng với những mẹo chữa đau bụng cho bà bầu mà Imiale vừa cung cấp sẽ giúp mẹ bầu cải thiện chứng đau bụng khó chịu khi mang thai. Tuy nhiên, những mẹo này không có tác dụng thay thế các biện pháp điều trị của bác sĩ nên mẹ bầu không lạm dụng, thực hiện kéo dài.
Nếu cần được tư vấn và giải đáp cho những thắc mắc của mình, bạn đừng ngần ngại liên hệ theo HOTLINE 19009482 để được các chuyên gia của IMIALE A+ hỗ trợ tận tình.