Táo bón là tình trạng đi đại tiện dưới 3 lần 1 tuần hoặc gặp khó khăn khi đi đại tiện. Khi bị táo bón, đau bụng táo bón được thống kê là triệu chứng thường gặp nhất. Triệu chứng này không chỉ gây khó chịu mà đôi khi còn khiến chúng ta lo lắng, quan ngại. Để hiểu rõ hơn về đau bụng táo bón, nguyên nhân và một số mẹo giảm nhanh đau bụng táo bón không thể bỏ qua, hãy cùng tham khảo thông tin trong bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Tại sao lại đau bụng khi bị táo bón?
Đau bụng là một triệu chứng điển hình khi bị táo bón. Đường tiêu hóa của chúng ta kéo dài từ miệng đến trực tràng. Một số các cơ quan chính tham gia vào quá trình tiêu hóa là: dạ dày, ruột non, ruột già.
Bình thường, thức ăn sau khi được đưa vào đường tiêu hóa, sẽ được dạ dày co bóp và các chất dinh dưỡng được hấp thu ở ruột non, phần còn lại bị đẩy xuống ruột già. Ruột già sẽ tái hấp thu lại nước tạo thành phân, cuối cùng phân bị đẩy ra ngoài qua đường hậu môn. Các quá trình này diễn ra một cách hài hòa trong cơ thể.
Khi bị táo bón, phân sẽ lưu lại ở ruột già lâu hơn, lượng chất thải đẩy xuống từ ruột non tích tụ lại sẽ ngày càng lớn hơn. Ruột già có nhiều thời gian hơn để hấp thu nước nên phân lúc này trở nên khô và rắn hơn. Phân có kích thước to hơn và cứng hơn khiến cơ vòng hậu môn gặp khó khăn khi đẩy chúng ra ngoài. Phần phân rắn này sẽ tích tụ lại ở ruột già, kích thích làm tăng nhu động ruột và cơ vòng hậu môn hoạt động mạnh hơn để đẩy chúng ta ngoài. Chính điều này khiến bệnh nhân bị táo bón cảm thấy tức bụng hoặc đau quặn thắt ở sâu trong ruột.
Nguyên nhân thứ hai gây nên đau bụng táo bón có thể do tích tụ khí trong bụng. Trong đại tràng có một lượng vi khuẩn nhất định, chung sống hài hòa với cơ thể, chúng làm nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn và tạo phân. Khi phân nằm lâu ở đại tràng, vi khuẩn phải hoạt động nhiều hơn và tạo ra khí. Khí tạo ra này sẽ lấp đầy ruột. Đường tiêu hóa chứa đầy hơi hoặc khí dẫn đến cảm giác no và căng cứng bụng gây đau bụng ở bệnh nhân táo bón. Người bị táo bón cũng luôn có cảm giác no hay đầy bụng ngay cả khi họ không ăn trong vài giờ.
2. Đau bụng táo bón có tự hết không?
Đau bụng chỉ là dấu hiệu phản ánh nhu cầu đi đại tiện hoặc tình trạng đầy hơi của cơ thể. Do vậy, thường đau bụng táo bón sẽ tự hết sau khi áp dụng một vài biện pháp điều trị tại nhà.
3. Đau bụng táo bón có nguy hiểm không?
Đau bụng là một triệu chứng xảy ra phổ biến ở hầu hết các bệnh nhân bị táo bón. Hơn 75% những người bị táo bón thường kèm theo triệu chứng đau bụng. Đau bụng do táo bón thông thường sẽ có cảm giác hơi khó chịu ở vùng bụng do phân không thể đi qua được. Bên cạnh đó, dạ dày của bạn sẽ có cảm giác ‘đầy’ kèm đau quặn và đầy hơi trong ruột. Đa phần các cơn đau và những cảm giác khó chịu này không phải điều khiến chúng ta lo lắng. Tuy nhiên, khi cơn đau bụng xảy ra liên tục và trở nên dữ dội hơn, bạn nên liên hệ với nhân viên y tế ngay lập tức. Một số triệu chứng khác đi kèm có thể báo hiệu tình trạng táo bón của bạn trở nên nghiêm trọng hơn như:
- Phân đi được có lẫn máu, nhầy
- Giảm cân đột ngột
- Táo bón kéo dài quá 2 tuần
- Bụng mềm khi chạm vào
>>> Xem bài viết: 6 dấu hiệu táo bón nặng không thể bỏ qua
4. 7 mẹo giảm nhanh đau bụng táo bón không thể bỏ qua
4.1. Massage bụng
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng massage bụng cho kết quả làm đỡ hơn tình trạng đau bụng táo bón. Massage bụng giúp thúc đẩy nhu động ruột, tạo ra một loạt các cơn co cơ giống như sóng giúp di chuyển thức ăn qua đường tiêu hóa. Ngoài ra, massage bụng có thể giúp giảm bớt cảm giác đau và những khó chịu liên quan đến táo bón.
Một kỹ thuật phổ biến được áp dụng là đặt lòng bàn tay lên bụng và sau đó thực hiện các chuyển động nhỏ, tròn, theo chiều kim đồng hồ xung quanh rốn. Có thể mở rộng các vòng tròn này khi di chuyển bàn tay để bao phủ toàn bộ vùng bụng.
Một kỹ thuật khác bắt đầu bằng cách đặt một bàn tay bên dưới xương ức, sau đó lướt bàn tay đó xuống theo chiều dài của bụng và vuốt nhẹ. Lặp lại động tác bằng tay còn lại và tiếp tục quá trình này trong vài phút.
Khi thực hành tự xoa bóp, hãy bắt đầu bằng cách dùng lực ấn nhẹ, sau đó tăng dần áp lực. Nếu cảm thấy đau hoặc nhức, hãy nhẹ nhàng giảm lực trở về mức độ thoải mái trước đó và tiếp tục massage.
>>> Xem thêm: 4 điều cần biết về bấm huyệt trị táo bón
4.2. Dùng thuốc nhuận tràng không kê đơn
Thuốc nhuận tràng là nhóm thuốc được dùng để điều trị táo bón. Có nhiều loại thuốc nhuận tràng với cơ chế tác dụng khác nhau, tuy nhiên có thể chia thành 4 nhóm chính:
- Thuốc nhuận tràng tạo khối: chất xơ, dẫn chất polysacharid và cellulose. Chúng làm tăng khối lượng phân theo cách tương tự như chất xơ, một phần hoạt động bằng cách hấp thụ nước. Sự gia tăng số lượng phân sẽ kích thích các cơ trong ruột đẩy phân ra ngoài cơ thể.
- Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: lactulose, macrogol. Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách hút chất lỏng vào ruột già và hạn chế lượng chất lỏng bị hấp thu từ ruột già vào máu. Phân lúc này được làm mềm hơn, dễ được đào thải ra ngoài hơn
- Thuốc nhuận tràng kích thích: bisacodyl, senna. kích thích các dây thần kinh trong ruột già, khiến cơ ở thành ruột già co bóp mạnh hơn bình thường. Phân lúc này sẽ được đẩy ra ngoài.
- Thuốc làm mềm phân: docusat. là muối có tác dụng nhũ hóa, làm trơn. Sức căng bề mặt của nước giảm xuống, nước dễ thấm vào khối phân, làm ướt và làm mềm phân.
Khi bị táo bón, đau bụng xuất hiện dù do phân hay do khí thì việc giúp phân được tống ra ngoài sớm sẽ giúp cơn đau bụng táo bón giảm đi rõ rệt. Việc lựa chọn loại thuốc nhuận tràng nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố: chi phí, tác dụng phụ, mức độ táo bón,… Thuốc nhuận tràng tạo khối thường là sự lựa chọn đầu tiên. Nếu phân của bạn vẫn còn cứng sau khi dùng thuốc nhuận tràng tạo khối thì nhuận tràng thẩm thấu sẽ là sự lựa chọn tiếp theo. Trong trường hợp phân của bạn mềm nhưng bạn vẫn cảm thấy khó khăn khi đẩy chúng ra ngoài, thuốc nhuận tràng kích thích sẽ là một sự lựa chọn phù hợp để làm giảm cơn đau bụng táo bón.
>>> Xem thêm: Tổng hợp 7 thuốc nhuận tràng thông dụng, hiệu quả nhanh nhất
4.3. Uống cà phê
Cà phê là một nguồn chứa caffein dồi dào. Bên cạnh công dụng giúp cơ thể luôn trong trạng thái tỉnh táo, caffein còn có tác dụng giúp làm tăng ham muốn đi tiêu. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng cafein có thể kích thích làm xuất hiện các cơn co thắt trong cơ ruột và ruột kết (ruột già). Các cơn co thắt này giúp đẩy phân về phía trực tràng, khiến bạn buồn đi tiêu.
Ngoài ra, trong cà phê còn chứa acid Chlorogenic và N-alkanoyl-5-hydroxytryptamide, chúng được quan tâm do có thể kích thích sản xuất acid dạ dày. Acid dạ dày được tiết ra giúp khuấy trộn thức ăn và di chuyển phân nhanh chóng qua ruột.
Tuy nhiên, người ta cũng chỉ ra rằng cà phê không chứa cafein cũng có khả năng làm giảm cơn đau bụng táo bón. Do đó, còn một lý do nữa khiến cà phê giúp việc đi tiêu dễ dàng hơn. Cà phê có thể kích thích một số hormon. Ví dụ, nó có thể làm tăng hoạt độ gastrin. Giống như cafein, gastrin làm cho ruột kết hoạt động nhiều hơn. Thêm nữa, cà phê còn có thể làm tăng hormon tiêu hóa cholecystokinin. Hormon này không chỉ có thể làm tăng sự di chuyển của thức ăn qua ruột kết mà còn liên quan đến phản xạ dạ dày, làm cho ruột kết hoạt động nhiều hơn.
Hàm lượng cafein an toàn cho người trưởng thành có thể lên đến 400mg/ngày, tương đương với khoảng 4 cốc cà phê. Tuy nhiên, uống quá nhiều cà phê không phải là một giải pháp hiệu quả vì cafein còn có tác dụng kích thích thần kinh trung ương.
4.4. Uống nhiều nước
Bổ sung đủ nước là một biện pháp hiệu quả giúp làm giảm nhẹ tình trạng táo bón cũng như đau bụng táo bón. Nước giúp làm mềm phân, giúp phân được đẩy ra ngoài một cách dễ dàng hơn. Vậy uống bao nhiêu nước thì đủ? Thường xuyên uống nước không chỉ là một thói quen tốt mà duy trì nó còn giúp bạn kiểm soát và dự phòng táo bón tốt hơn. Tám cốc nước một ngày tương đương với khoảng 2 lít nước là một con số được khuyến nghị để giúp tình trạng táo bón trở nên tốt hơn.
4.5. Ăn nhiều thức ăn chứa chất xơ
Có 2 loại chất xơ chính: chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan.
Chất xơ không hòa tan có trong cám, lúa mì, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Chất xơ không được tiêu hóa, ở trong phân giúp chúng đi qua hệ tiêu hóa nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Chất xơ hòa tan có trong quả hạch, hạt, đậu, một số loại trái cây và rau quả. Chúng giúp hấp thụ nước và tạo thành hỗn hợp sệt như gel, làm mềm phân và cải thiện độ đặc.
Thức ăn chứa nhiều chất xơ sẽ là sự lựa chọn được nghĩ đến đầu tiên khi bị táo bón. Rau xanh và hoa quả là nguồn chứa chất xơ dồi dào. Chúng không chỉ chứa nhiều chất xơ mà trong rau và hoa quả cũng chứa nhiều nước, tốt cho tình trạng táo bón. Tuy nhiên, việc thêm rau xanh vào chế độ ăn hằng ngày đôi khi không đem lại hiệu quả. Mọi người thường không thích ăn rau, đặc biệt là trẻ nhỏ. Các cách chế biến rau khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn đôi khi có thể làm mất đi giá trị dinh dưỡng cũng như lượng nước có sẵn.
4.6. Dùng men vi sinh
Men vi sinh đóng một vai trò quan trọng trong việc làm giảm nhẹ tình trạng đau bụng táo bón. Bằng cách tổng hợp các phát hiện của các nghiên cứu lâm sàng, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, trung bình, men vi sinh làm tăng 1.3 số lần đi tiêu hàng tuần, giúp làm mềm phân và khiến chúng dễ dàng đi ngoài hơn.
Phần lớn vi khuẩn được tìm thấy trong ruột già là thuộc các loài Bifidobacteria và Lactobacillus, do đó, chế phẩm sinh học với các chủng cụ thể thuộc các loài này thường được coi là có lợi nhất trong việc giúp táo bón. Lợi khuẩn sống bao bởi màng phospholipid kép giúp chúng trở nên bền hơn ngay cả khi đi qua môi trường acid. Sản phẩm là một trong những sự lựa chọn đem đến hiệu quả vượt trội trong việc làm giảm nhẹ táo bón và đau bụng do táo bón gây ra.
>>> Xem bài viết: Rũ bỏ ám ảnh táo bón lâu ngày – Bí quyết từ chuyên gia giúp đi ngoài dễ dàng
4.7. Tập thể dục
Tập thể dục là một trong những biện pháp được khuyến khích giúp làm giảm tình trạng táo bón. Tập thể dục giúp làm giảm thời gian di chuyển thức ăn qua ruột già, điều này hạn chế lượng nước được hấp thụ từ phân. Ngoài ra, tập thể dục nhịp điệu giúp tăng tốc độ thở và nhịp tim, kích thích sự co bóp tự nhiên của các cơ trong ruột, giúp tống phân ra ngoài nhanh chóng.
Đi bộ khoảng 10-15p vài lần mỗi ngày giúp cơ thể và hệ tiêu hóa hoạt động tốt nhất. Kéo căng cơ và yoga cũng có thể giúp giảm tình trạng táo bón.
Đau bụng táo bón có thể không đáng lo ngại, tuy nhiên có thể ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày, tùy vào mức độ xuất hiện cơn đau. Với những cơn đau thông thường, áp dụng các biện pháp làm giảm cơn đau tại nhà là lựa chọn an toàn, thoải mái và đem lại hiệu quả tốt. Trong trường hợp đã áp dụng những cách trên kết hợp với điều chỉnh thói quen sinh hoạt, mà tình trạng táo bón vẫn không đỡ, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có biện pháp can thiệp kịp thời. Hãy phòng ngừa táo bón và đau bụng táo bón bằng cách duy trì chế độ ăn nhiều chất xơ, sử dụng men tiêu hóa, bổ sung lợi khuẩn,… cho bạn và cả gia đình!
Mọi chi tiết thắc mắc liên quan đến sức khỏe vui lòng liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967629482
Tham khảo nguồn:
1. Constipation, Flatulence, Burping, and More: Is Something Wrong? > News > Yale Medicine
2. Learn About Abdominal Massages and Constipation Relief (verywellhealth.com)