Đau bụng đi ngoài là tình trạng rối loạn tiêu hóa thường gặp ở mọi lứa tuổi. Nếu đau bụng đi ngoài thường xuyên sẽ gây phiền toái, mệt mỏi, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe đường tiêu hóa. Trong một số trường hợp, việc sử dụng thuốc chữa đau bụng đi ngoài được khuyến cáo. Vậy đau bụng đi ngoài uống thuốc gì giúp nhanh khỏi mà an toàn? Cùng Imiale A+ tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
1. Khi nào đau bụng đi ngoài cần sử dụng thuốc?
Tránh trường hợp lạm dụng thuốc và hạn chế tác dụng phụ do thuốc gây ra, người đau bụng đi ngoài cần tuân theo nguyên tắc sử dụng thuốc sau:
- Chỉ sử dụng thuốc đau bụng đi ngoài sau khi đã xác định nguyên nhân: Không xác định được nguyên nhân mà tự ý sử dụng thuốc có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Điển hình là trường hợp người bệnh đau bụng đi ngoài do ngộ độc thực phẩm, sẽ không thể sử dụng thuốc cầm tiêu chảy. Ngoài ra, bên cạnh sử dụng thuốc điều trị triệu chứng, người bệnh có thể cần sử dụng thêm một số thuốc điều trị nguyên nhân như thuốc chống co thắt, thuốc kháng sinh, thuốc chống dị ứng,…Tùy thuộc vào mức độ và dấu hiệu của từng bệnh mà bác sĩ sẽ kê những loại thuốc phù hợp.
- Đau bụng đi ngoài do ngộ độc thực phẩm thể nhẹ: Trường hợp này, người bệnh cần bù nước và uống oresol để tránh mất nước và sớm hồi phục. Tuyệt đối không sử dụng thuốc chống nôn, thuốc cầm tiêu chảy trong trường hợp này.
- Không sử dụng thuốc đau bụng đi ngoài khi có kèm các triệu chứng cảnh báo: Bệnh nhân không được tự ý sử dụng thuốc chữa đau bụng tiêu chảy trong trường hợp đi ngoài ra máu, sốt
- Không sử dụng thuốc đã có tiền sử dị ứng với thành phần của thuốc
Đau bụng tiêu chảy chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ
2. Thuốc chữa đau bụng đi ngoài nhanh chóng, hiệu quả
Khi bệnh nhân bị đau bụng đi ngoài cần xác định chính xác nguyên nhân gây đau bụng đi ngoài là gì. Từ đó, bệnh nhân sẽ sử dụng đúng thuốc phù hợp giúp điều trị bệnh tận gốc, tránh trường hợp dùng thuốc chỉ điều trị triệu chứng khiến tình trạng bệnh thêm nặng và kéo dài.
2.1. Thuốc chữa đau bụng đi ngoài do ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh nhân ăn thực phẩm bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn, nhiễm hóa chất độc,…Một số triệu chứng điển hình của bệnh nhân ngộ độc thực phẩm gồm: buồn nôn, nôn, đau bụng đi ngoài, sốt, ớn lạnh, tiểu ít,…..
Nguyên tắc xử trí ngộ độc thực phẩm
- Gây nôn: khi vừa bị ngộ độc, để bệnh nhân nôn hết thức ăn đã ăn để tránh độc tố ngấm vào cơ thể. Trong trường hợp, bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm là trẻ nhỏ hoặc người bệnh bị hôn mê, bạn không được tự ý kích thích gây nôn bới có thể khiến bệnh nhân sặc, không thở được.
- Bù nước và điện giải: bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm sẽ được gây nôn kèm đau bụng tiêu chảy nên cơ thể bị mất nước. Do đó, bạn cần cho bệnh nhân uống dung dịch oresol để phòng tránh mất nước, giữ cân bằng nước và điện giải.
Liều dùng oresol cho người lớn:
- Đề phòng mất nước: pha 10 ml/kg, uống sau mỗi lần đi ngoài phân lỏng.
- Mất nước nhẹ – vừa: pha 75 ml/kg, uống trong 4h đầu.
Sau khi sơ cứu bằng cách gây nôn và uống oresol, bệnh nhân cần được đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ xử lý và có biện pháp điều trị phù hợp.
Lưu ý: Người bệnh ngộ độc thực phẩm tuyệt đối không được tự ý uống thuốc cầm tiêu chảy, thuốc chống nôn khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ.
2.2. Thuốc chữa đau bụng đi ngoài do hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích là tình trạng rối loạn chức năng co bóp nhu động ruột, không gây tổn thương thực thể ở niêm mạc đại tràng. Bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích thường có dấu hiệu:
- Đau bụng: vị trí đau thường không cố định nhưng có thể đau ở vùng bụng dưới phía bên trái, cơn đau tăng lên sau khi ăn no và đau giảm sau khi trung tiện hoặc đại tiện
- Tiêu chảy hoặc táo bón: phân đầu rắn đuôi nát, có thể kèm nhầy nhưng không có máu
- Chướng bụng
Hội chứng ruột kích thích không gây nguy hiểm nhưng gây khó chịu, phiền toái cho người bệnh. Hiện nay, chưa có thuốc đặc hiệu điều trị dứt điểm hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể cải thiện triệu chứng khó chịu của bệnh khi dùng một số loại thuốc sau:
Thuốc cầm tiêu chảy
Thuốc Loperamide
Loperamid là thuốc cầm tiêu chảy, thuốc là opiat tổng hợp, ít tác động lên hệ thần kinh trung ương ở liều bình thường. Thuốc có tác dụng làm giảm co bóp nhu động đường ruột và giảm tiết dịch ở niêm mạc đường tiêu hóa, kéo dài thời gian vận chuyển sản phẩm tiêu hóa nên ruột hấp thu được nhiều nước hơn giúp phân cứng hơn, giảm đi ngoài phân lỏng. Loperamid chỉ dùng để làm giảm triệu chứng đau bụng đi ngoài, không giúp điều trị nguyên nhân nên bệnh nhân không nên dùng trong thời gian dài.
Liều dùng:
-Người lớn: 6-8mg/ngày, tối đa 16mg/ngày
-Trẻ em 8 – 12 tuổi: uống 2mg/1 lần, uống 3 lần/ngày
-Trẻ em 6-8 tuổi: uống 2mg/1 lần, uống 2 lần/ngày
-Không dùng thuốc cho trẻ < 6 tuổi
Thuốc Diphenoxylate
Tác dụng của thuốc diphenoxylate là làm giảm co bóp nhu động ruột nên giúp giảm đau bụng đi ngoài ở bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích. Đồng thời, thuốc còn giúp ruột tăng hấp thu nước và điện giải, tránh tình trạng mất nước, phân thành khuôn, cải thiện tình trạng phân lỏng.
Liều dùng: 5mg Diphenoxylate x 4 lần/ngày, dùng tối đa 20mg/ngày
Thuốc chống co thắt
Thuốc kháng Cholinergic như Atropin, Buscopan, Dicyclomine….Cơ chế tác dụng của thuốc là giúp ức chế sự dẫn truyền acetylcholine, từ đó ngăn sự kích thích thần kinh đường tiêu hóa, giúp giảm co thắt của ruột, cải thiện tình trạng đau bụng đi ngoài.
Liều dùng với người lớn của thuốc Dicyclomine
- Trong 7 ngày đầu: uống 20mg x 4 lần/ngày
- 7 ngày tiếp theo: uống 40mg x 4 lần/ngày
Sau 2 tuần dùng thuốc nếu không đạt được hiệu quả thì bệnh nhân cần dừng uống thuốc
Một số tác dụng phụ của thuốc chống co thắt bao gồm khô miệng, mờ mắt, táo bón,….
Thuốc chống co thắt cơ trơn như: Drotaverine, Alverin citrat, Duspatalin,…Cơ chế tác dụng của thuốc là: giãn cơ trơn đường tiêu hóa đồng thời làm giảm tần suất co bóp của cơ trơn, giảm đau bụng hiệu quả. Thuốc được dùng để làm giảm cơn co thắt cơ đường ruột, giảm đau bụng đi ngoài do hội chứng ruột kích thích.
Liều dùng của thuốc Duspatalin với người lớn:
- Viên 100mg: 1 viên/lần, 4 lần/ngày
- Viên 135mg: 1 viên/lần, 3 lần/ngày
- Viên 200mg: 1 viên/lần, 2 lần/ngày
Thuốc chống trầm cảm: gồm thuốc Amitriptyline, Clomipramine,…. Bệnh nhân có thể được bác sĩ chỉ định thuốc chống trầm cảm ba vòng. Thuốc tác động lên thụ thể noradrenalin, dopaminergic, ức chế hoạt động của các tế bào thần kinh tại ruột. Từ đó, thuốc giúp giảm đau bụng do hội chứng ruột kích thích đồng thời ức chế quá trình vận chuyển sản phẩm tiêu hóa, giảm tiêu chảy cho người bệnh.
2.3. Thuốc chữa đau bụng đi ngoài do nhiễm khuẩn tiêu hóa
Nhiễm khuẩn tiêu hóa là tình trạng vi khuẩn xâm nhập vào đường tiêu hóa gây tổn thương niêm mạc, gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Tùy thuộc vào từng loại ký sinh trùng gây bệnh mà bệnh nhân sẽ có mức độ biểu hiện bệnh khác nhau.
Người bệnh sẽ có một số triệu chứng chung như: đau bụng đi ngoài, đầy hơi, nôn, sốt,…..Nếu tình trạng đi ngoài của kéo dài kèm sốt và có dấu hiệu mất nước (tiểu ít, da khô, mắt trũng,..) thì bạn cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.
- Không được sử dụng thuốc cầm tiêu chảy: Bởi đi ngoài giúp cơ thể đào thải vi khuẩn có hại ra khỏi cơ thể.
- Bệnh nhân có thể được chỉ định dùng kháng sinh giúp tiêu diệt các loại vi khuẩn: Kháng sinh được dùng tùy thuộc vào tính nhạy cảm của vi khuẩn gây bệnh (chủ yếu là shigella). Bên cạnh đó, bệnh nhân dùng kháng sinh cần được theo dõi trong vòng 48 giờ, nếu không thấy cải thiện tình trạng bệnh cần xem lại chẩn đoán hoặc đổi loại kháng sinh. Một số loại thuốc kháng sinh người bệnh có thể sử dụng là:
Kháng sinh | Liều dùng cho người lớn | Liều dùng cho trẻ em |
Norfloxacin | 400mg x 2lần/ngày, dùng thuốc trong 3-5 ngày | 10-12,5mg/kg x 2 lần/ngày, dùng thuốc trong 3-5 ngày |
Ofloxacin | 200mg x 2 lần/ngày, dùng thuốc trong 3-5 ngày | 5-7,5mg/kg x 2 lần/ngày, dùng trong 3-5 ngày |
Metronidazole | 500mg x 3 lần/ngày, dùng trong 5 ngày | 10mg/kg x 3 lần/ngày, dùng trong 5 ngày |
2.4. Thuốc chữa đau bụng đi ngoài do viêm loét đại tràng
Viêm loét đại tràng là tình trạng niêm mạc đại tràng xuất hiện những vết viêm loét tại niêm mạc đại tràng. Tùy thuộc mức độ viêm và vị trị viêm mà bệnh nhân có những biểu hiện bệnh khác nhau. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có một số triệu chứng chung như sau:
- Đau bụng.
- Tiêu chảy, phân có thể nhầy, máu mủ
- Chán ăn, xanh xao, mệt mỏi, sút cân
- Sốt
Bệnh nhân viêm loét đại tràng bị đau bụng đi ngoài bởi các vết viêm loét khiến niêm mạc đại tràng bị tổn thương sẽ làm rối loạn khả năng hấp thụ nước, một số chất của đường ruột và tăng co bóp nhu động ruột. Do nước không được hấp thu nên kèm theo phân bài tiết ra ngoài gây tiêu chảy. Vì vậy để cải thiện tình trạng đau bụng đi ngoài thì bệnh nhân cần dùng thuốc điều trị viêm loét đại tràng. Dưới đây là một số loại thuốc bệnh nhân có thể sử dụng:
Thuốc chống viêm
Nhóm thuốc aminosalicylate (sulfasalazine, olsalazine, mesalamine…) có tác dụng kháng viêm, dùng trong điều trị viêm đại tràng sigma, viêm trực tràng ở mức độ nhẹ đến vừa.
Cơ chế tác dụng của nhóm thuốc này như sau: thuốc có tác dụng ức chế cyclooxygenase, giúp giảm tạo ra prostaglandin (chất gây tiêu chảy) trong đại tràng, ức chế sản xuất chất chuyển hóa của acid arachidonic (chất này tăng ở những người bị viêm đại tràng). Nếu bệnh nhân nhạy cảm với sulfasalazine thì có thể dùng Mesalazine thay thế.
Liều dùng Mesalazine
- Liều điều trị cấp: bệnh nhân uống 4g/ngày, ngày uống 2 – 3 lần.
- Liều điều trị duy trì: bệnh nhân uống 1,5g/ngày, ngày uống 2 – 3 lần.
Liều dùng Sulfasalazine:
- Liều khởi đầu: bệnh nhân uống 0,5 – 1 g; chia thành 3 – 4 lần/ngày.
- Liều duy trì: bệnh nhân uống 1 – 2 g/ngày, chia thành 3 – 4 lần/ngày
Thuốc điều hòa miễn dịch
Nhóm thuốc điều hòa miễn dịch gồm một số loại thuốc như Azathioprine, infliximab, cyclosporin,….có công dụng giảm viêm bằng cách hạn chế phản ứng của cơ thể với hệ miễn dịch. Nhóm thuốc này được sử dụng khi các nhóm thuốc trên không mang lại hiệu quả điều trị như mong muốn.
- Azathioprine: Không dùng thuốc cho bệnh nhân mẫn cảm với bất kì thành phần nào của thuốc, không dùng cho phụ nữ có thai. Liều dùng của thuốc: bệnh nhân uống 2 – 4 mg/kg/ngày, uống trong 2 tháng đến 1 năm tùy mức độ viêm loét của người bệnh
- Infliximab: Thuốc không dùng cho bệnh nhân bị nhiễm khuẩn nặng và suy tim. Thuốc bào chế dưới dạng thuốc tiêm tĩnh mạch nên bệnh nhân cần được nhân viên y tế tiêm thuốc khi được sự chỉ định của bác sĩ. Liều dùng: tiêm tĩnh mạch 5 mg/kg, sau 2 tuần tiêm tiếp 5 mg/kg, điều trị lặp lại sau 8 tuần.
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc đau bụng đi ngoài
Để sử dụng thuốc đau bụng đi ngoài an toàn, hiệu quả, người bệnh cần lưu ý:
- Chỉ sử dụng thuốc cầm tiêu chảy khi thực sự cần thiết, trong trường hợp khẩn cấp để giảm nhẹ triệu chứng đau bụng đi ngoài tạm thời.
- Cần tìm hiểu nguyên nhân gây đau bụng đi ngoài để có biện pháp điều trị tận gốc
- Bên cạnh việc sử dụng thuốc thì bệnh nhân cần kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt giúp cải thiện triệu chứng và phục hồi nhanh chóng.
Các biện pháp không dùng thuốc cho người đau bụng đi ngoài:
Uống đủ nước: mỗi ngày nên bổ sung 1,5-2l nước, ngoài ra bạn có thể uống nước ép trái cây như nước cam, dưa hấu, xoài,….
Chế độ ăn khoa học, hợp lý:
- Bổ sung đầy đủ chất xơ trong bữa ăn hàng ngày từ các loại rau củ như rau cải, súp lơ,…
- Tránh thực phẩm chiên rán như gà chiên, khoai tây chiên,….
- Tránh đồ ăn cay như mì cay, ớt,…
- Tránh đồ uống chứa cafein như cafe, trà,….
Tránh một số loại thực phẩm gây dị ứng, không đảm bảo vệ sinh:
- Ăn chín, uống sôi, không ăn thực phẩm sống như hàu, sushi,….
- Tránh thực phẩm đã để lâu, chứa chất bảo quản,…
Rửa tay vệ sinh sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
Bổ sung men vi sinh hỗ trợ tiêu hóa: Đau bụng đi ngoài chủ yếu do loạn khuẩn đường ruột, vi khuẩn có lợi bị vi khuẩn có hại tiêu diệt. Vì vậy, việc bổ sung men vi sinh sẽ giúp bổ sung vi khuẩn có lợi cho đường ruột và thiết lập cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Không chỉ vậy, men vi sinh còn có công dụng: ức chế vi khuẩn có hại trong đường ruột, tăng cường miễn dịch,…
Trên đây là những thông tin hữu ích về các loại thuốc giúp điều trị đau bụng, đi ngoài nhanh khỏi và an toàn. Hy vọng với những thông tin trên, người bệnh sẽ hiểu rõ hơn về cơ chế và cách dùng một số loại thuốc chữa đau bụng đi ngoài. Nếu có bất kì thắc mắc về bài viết cũng như những thông tin liên quan đến bài viết, bạn đừng ngần ngại liên hệ theo HOTLINE 19009482 để được các chuyên gia của IMIALE A+ hỗ trợ tận tình.