Thuốc Bisacodyl là thuốc được sử dụng ngắn hạn để điều trị táo bón, làm rỗng ruột trước khi phẫu thuật và các thủ tục y tế nhất định. Vậy thuốc Bisacodyl có những dạng bào chế như nào? Cách sử dụng cần lưu ý gì? Mua ở đâu là uy tín nhất? Hãy cùng Imiale A+ tìm hiểu hơn thông qua bài viết dưới đây.
Mục lục
- 1. Bisacodyl là thuốc gì? Hàm lượng, dạng bào chế
- 2. Cơ chế – chỉ định thuốc Bisacodyl
- 3. Hướng dẫn sử dụng – Cách dùng – liều dùng
- 4. Chống chỉ định
- 5. Tác dụng không mong muốn của Bisacodyl
- 6. Xử trí tác dụng không mong muốn, quên liều, quá liều
- 7. Tương tác thuốc
- 8. Bisacodyl mua ở đâu? Giá thành bao nhiêu
- 9. Bisacodyl có sử dụng được cho bà bầu không?
1. Bisacodyl là thuốc gì? Hàm lượng, dạng bào chế
Bisacodyl là thuốc điều trị táo bón, kích thích nhuận tràng, hoạt động bằng cách tăng chuyển động của ruột, giúp phân ra ngoài một cách dễ dàng hơn. Trong một số trường hợp, Bisacodyl được dùng để làm sạch ruột trước khi khám hoặc phẫu thuật ruột.
Trên thị trường hiện nay, Bisacodyl được bào chế dưới dạng:
- Viên nén bao đường 5mg.
- Viên nén bao tan trong ruột với hàm lượng là 5mg.
- Viên đạn đặt trực tràng: 5mg, 10mg.
- Hỗn dịch dùng cho trẻ em: 5mg.
- Hỗn dịch để thụt: 10mg/30ml.
2. Cơ chế – chỉ định thuốc Bisacodyl
Thuốc Bisacodyl thuộc nhóm thuốc nhuận tràng kích thích. Đây là dẫn chất của diphenylmethan, hoạt chất có tác dụng kích thích hệ thần kinh ruột, từ đó làm tăng nhu động ruột, tăng tốc độ tống phân. Đồng thời, bisacodyl còn làm tăng tính thấm ruột, dễ dàng hút nước vào lòng đại tràng làm mềm phân, giúp người bệnh táo bón đi ngoài dễ dàng hơn.
Ngoài ra, liều cao Bisacodyl có khả năng kích thích mạnh giúp có tác dụng làm sạch ruột, được chỉ định trước thủ thuật hay phẫu thuật đại tràng.
Bisacodyl có tác dụng nhanh hay chậm phụ thuộc vào dạng bào chế. Thường dạng thụt tháo sẽ có tác dụng nhanh nhất (sau 5-20 phút), dạng viên đặt trực tràng có tác dụng trong vòng 15-60 phút và viên uống thường có tác dụng chậm trong khoảng 6-10 giờ sau khi uống. Vì vậy, tùy tình trạng và các chế phẩm sẵn có mà người bệnh được chỉ định dạng bào chế phù hợp,
Bisacodyl được hấp thu rất ít khi uống hoặc dùng đường trực tràng (< 5%). Khi uống, bisacodyl bắt đầu tác dụng trong vòng 6 – 10 giờ sau khi uống. Khi đặt viên đạn vào trực tràng, tác dụng bắt đầu trong vòng sau 15 – 60 phút. Nếu thụt tháo dùng hỗn dịch bisacodyl, tác dụng bắt đầu sau 5 – 20 phút.
Như vậy, Bisacodyl được chỉ định trong các trường hợp:
- Táo bón không thường xuyên trong thời gian ngắn.
- Điều trị táo bón do dùng thuốc gây táo bón, hoặc do hội chứng ruột kích thích hoặc không rõ nguyên nhân.
- Sử dụng trong trường hợp cần làm sạch ruột trước phẫu thuật hay chuẩn bị X- quang đại tràng.
- Trong trường hợp chuẩn bị X – quang đại tràng.
3. Hướng dẫn sử dụng – Cách dùng – liều dùng
Thuốc Bisacodyl được sử dụng qua đường uống, đường đặt trực tràng dưới dạng viên đạn hay thụt rửa. Sử dụng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất, chỉ định của bác sĩ hoặc trong trường hợp người bệnh đang tự điều trị tại nhà, hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trong bao bì thuốc.
Đối với đường uống:
- Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi sử dụng Bisacodyl 5 – 10mg, dùng 1 đến 2 viên mỗi ngày.
- Nuốt toàn bộ thuốc với một lượng nước thích hợp mà không nghiền nát, nhai hay bẻ viên thuốc.
- Trong vòng một giờ kể từ khi dùng thuốc, người bệnh không nên uống thêm các thuốc kháng acid, sữa hoặc các chế phẩm từ sữa để tránh làm mất lớp màng bọc thuốc và làm tăng nguy cơ tác dụng phụ như: đau bụng, buồn nôn.
- Liều dùng phụ thuộc vào tuổi, tình trạng bệnh và phản ứng đối với điều trị. Người bệnh không nên tự ý tăng liều, dùng quá liều, đặc biệt, không sử dụng thuốc quá 7 ngày. Nếu sử dụng thuốc Bisacodyl trong hơn 7 ngày mà không thấy đỡ, người bệnh nên thăm khám bác sĩ để có thể chẩn đoán tình trạng bệnh một cách tốt hơn.
Sử dụng đường đặt trực tràng: Người lớn và trẻ em trên 10 tuổi: đặt 1 viên đạn trực tràng 10mg vào buổi sáng để đạt được tác dụng như mong muốn.
Bệnh nhân cần sử dụng thuốc đúng theo liều lượng bác sĩ chỉ định. Khi có các dấu hiệu bất thường, các tác dụng phụ, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Ngoài việc tuân thủ sử dụng thuốc, bệnh nhân cũng cần thay đổi lối sống, chăm chỉ tập thể dục, uống đủ nước, bổ sung chất xơ để ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng táo bón.
4. Chống chỉ định
Thuốc Bisacodyl chống chỉ định với:
- Các bệnh cấp ngoại khoa ổ bụng, trong trường hợp mắc bệnh viêm ruột thừa, tắc ruột, mất nước nặng, bệnh viêm ruột cấp tính và đau bụng dữ dội kèm theo buồn nôn và nôn mửa…
- Không dùng thuốc với trẻ em dưới 10 tuổi. Vì chưa có bất cứ nghiên cứu nào chứng minh tính an toàn trên đối tượng này.
- Bisacodyl chống chỉ định với những bệnh nhân quá mẫn với bisacodyl hoặc bất kỳ tá dược nào có trong thành phần của thuốc.
5. Tác dụng không mong muốn của Bisacodyl
Thuốc Bisacodyl gây tác dụng không mong muốn thường gặp nhất trên đường tiêu hóa như: đau bụng, buồn nôn, thậm chí gây ra tiêu chảy.
Ngoài ra, các tác dụng không mong muốn khác có thể xảy ra nhưng ít gặp hơn như:
- Phản ứng phản vệ, phù mạch, quá mẫn.
- Mất nước, mất cân bằng dịch và điện giải.
- Các rối loạn hệ thần kinh như: chóng mặt, ngất.
- Kích ứng trực tràng, viêm trực tràng (khi dùng dạng viên đạn đặt trực tràng quá nhiều).
- Sử dụng dài ngày có thể làm mất trương lực đại tràng, giảm kali huyết, giảm calci huyết.
6. Xử trí tác dụng không mong muốn, quên liều, quá liều
Khi sử dụng quá liều, người bệnh sẽ có các biểu hiện như: đau bụng, đau bụng kèm theo dấu hiệu mất nước, đặc biệt ở đối tượng người già và trẻ em. Ngoài ra, còn có các triệu chứng như yếu cơ, nhiễm toan chuyển hóa, giảm kali huyết.
- Cách xử trí các tác dụng không mong muốn: Nếu bệnh nhân sử dụng ngắn ngày, các tác dụng phụ nhẹ thường sẽ tự hết. Trường hợp bệnh nhân xuất hiện các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng như: chảy máu trực tràng, hãy ngừng sử dụng Bisacodyl và đến thăm khám bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
- Cách xử trí quá liều: khi người bệnh sử dụng quá liều, hãy gây nôn để ngăn chặn sự hấp thu thuốc. Đồng thời, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, để được gây nôn, rửa dạ dày, có thể duy trì nước và được theo dõi kali huyết một cách tốt hơn.
- Xử trí khi quên liều: khi người bệnh quên một liều, hãy dùng thuốc ngay khi vừa nhớ ra. Trong trường hợp, người bệnh quên một liều, và gần đến thời điểm dùng liều tiếp theo, người bệnh hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục uống liều tiếp theo vào đúng thời điểm. Tuyệt đối không dùng gấp đôi liều thuốc.
7. Tương tác thuốc
Bisacodyl có thể có các tương tác với các loại thuốc khác như:
- Các thuốc kháng acid dịch vị, dạ dày: Ranitidine, Omeprazole,.. Khi sử dụng Bisacodyl cùng với loại thuốc này sẽ làm cho dạ dày và tá tràng bị kích ứng. Vì vậy, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về các thuốc mình đang sử dụng trước khi được kê thuốc Bisacodyl và sử dụng.
- Sử dụng đồng thời với các thuốc lợi tiểu như: acetazolamide, Furosemide, Bumetanide,..có thể làm tăng nguy cơ mất cân bằng điện giải nếu dùng quá liều Bisacodyl.
Thuốc Bisacodyl không có tương tác với thức ăn nên có thể sử dụng thuốc vào bất cứ thời điểm nào trong ngày mà không cần quan tâm đến bữa ăn.
8. Bisacodyl mua ở đâu? Giá thành bao nhiêu
Hiện nay, Bisacodyl có nhiều biệt dược như: Bisacodyl DHG do công ty cổ phần Dược Hậu Giang sản xuất, Bisalaxyl 5mg của Công ty CP Dược phẩm Trung Ương Vidipha, viên nhuận tràng Ovalax 5mg Traphaco,…
- Một hộp thuốc Bisacodyl DHG 5mg gồm có 4 vỉ, mỗi vỉ chứa 25 viên nén, được bán tại các cơ sở nhà thuốc với giá khoảng 28.000 đồng. Viên nén bao phim 4 vỉ x 25 viên có giá khoảng 40.000 đồng.
- Thuốc Bisalaxyl 5Mg Vidipha: hộp 5 vỉ x10 viên, dạng viên bao có giá khoảng 24.000 đồng.
- Viên nhuận tràng Ovalax 5mg Traphaco: hộp 1 vỉ x 10 viên nén có giá khoảng 7.000 đồng.
Giá thành của thuốc Bisacodyl phụ thuộc vào dạng bào chế, quy cách đóng gói của từng nhà sản xuất. Tùy thuộc vào từng thời điểm, từng nhà thuốc, quầy thuốc mà giá cả sẽ chênh lệch khác nhau. Người bệnh cũng cần lựa chọn nhà thuốc uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể mua hàng online thông qua các website chính thống của các nhà thuốc.
9. Bisacodyl có sử dụng được cho bà bầu không?
Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào đủ dữ liệu để chứng minh tính an toàn thuốc bisacodyl và có kiểm soát trên phụ nữ có thai. Kinh nghiệm lâu năm cho thấy không có bằng chứng về tác dụng không mong muốn hoặc có hại trong thai kỳ. Tuy nhiên, khi sử dụng cho phụ nữ có thai cần theo dõi chặt chẽ, cẩn thận và nếu có dấu hiệu bất thường nào, nên đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trên đây là những thông tin tham khảo về sản phẩm Bisacodyl. Khi sử dụng, người bệnh cần bảo quản ở nhiệt độ dưới 30 độ C, tránh xa tầm tay trẻ em và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Nếu có dấu hiệu ẩm mốc, thay đổi màu sắc, hãy ngừng sử dụng thuốc. Mọi chi tiết thắc mắc liên quan đến sức khoẻ vui lòng liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 09 6762 9482
>>> Tìm hiểu thêm: Thuốc Duphalac (lactulose) trị táo bón – 9 thông tin cần biết