Các triệu chứng viêm đại tràng như ăn vào là đau bụng, đi ngoài, tiêu chảy liên tục, tái đi tái lại khiến người bệnh mệt mỏi, suy giảm chất lượng cuộc sống nghiêm trọng. Lúc này, viêm đại tràng cần được điều trị bằng thuốc để kiểm soát tiến triển, giảm nhẹ triệu chứng cho người bệnh. Vậy “Viêm đại tràng uống thuốc gì hiệu quả?” Có khỏi dứt điểm được không? Cùng Imiale A+ tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
1. Bệnh lý viêm đại tràng
Đại tràng hay còn gọi là ruột già, là nơi cuối cùng của hệ tiêu hóa, có vai trò hấp thu nước và muối khoáng của thức ăn qua dạ dày chuyển xuống ruột non. Sau quá trình tiêu hóa ở ruột non, phần lớn các chất dinh dưỡng được hấp thu, còn một lượng nhỏ các chất như chất xơ, lõi tinh bột,… và các chất thải được chuyển xuống ruột già.
Viêm đại tràng là tình trạng tổn thương khu trú hay lan tỏa ở vùng niêm mạc đại tràng do các tác nhân như nấm, vi khuẩn, vi sinh vật, hay thuốc, hóa chất độc gây nên do không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường; hoặc do giun sống ký sinh trong ruột; chế độ ăn uống sinh hoạt không điều độ, căng thẳng, stress,… Nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân.
Viêm đại tràng được chia thành hai giai đoạn là: giai đoạn cấp tính và giai đoạn mạn tính.
- Giai đoạn cấp tính thường xuất hiện với tình trạng phổ biến nhất là tiêu chảy, ngoài ra còn kèm thêm một số triệu chứng như đau quặn thắt bụng dưới, đau dọc theo khung đại tràng, đầy hơi, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ.
- Giai đoạn mạn tính thì thường đau bụng kéo dài ở nửa khung đại tràng trái và hố chậu, cơn đau có thể giảm dần khi đi ngoài, phân lỏng lẫn nhầy máu, đôi khi cũng xuất hiện táo bón. Người bệnh kèm theo suy nhược, sụt cân. Khi những triệu chứng này của bệnh viêm đại tràng kéo dài, nếu không kịp thời điều trị sẽ dẫn đến các biến chứng như: xuất huyết tiêu hóa, thủng đại tràng, giãn đại tràng nhiễm độc, và nguy hiểm nhất là ung thư đại tràng.
2. Khi nào viêm đại tràng cần điều trị bằng thuốc?
Khi xuất hiện các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy,… người bệnh không nên chủ quan mà cần đến thăm khám bác sĩ để được hỗ trợ và điều trị bằng thuốc để ngăn tình trạng bệnh diễn tiến nặng. Người bệnh cần dùng thuốc khi:
- Khi bệnh nhân xuất hiện các triệu rối loạn tiêu hóa: đau bụng, đầy hơi, táo bón,tiêu chảy nhẹ,… Mặc dù đã thay đổi điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt nhưng các dấu hiệu này vẫn không cải thiện.
- Bệnh nhân xuất hiện một loạt các triệu chứng của viêm đại tràng cấp tính sau ăn: tiêu chảy nhiều, đau bụng, đầy hơi, mệt mỏi, táo bón…
- Bệnh nhân siêu âm hay nội soi đã bắt đầu phát hiện được các dấu hiệu của viêm đại tràng.
3. Viêm đại tràng uống thuốc gì?
Đối với bệnh viêm đại tràng hiện nay thì vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, giúp khỏi bệnh hoàn toàn mà chỉ có các thuốc điều trị làm giảm triệu chứng. Hiện nay các thuốc Tây y mặc dù có nhiều tác dụng không mong muốn nhưng vẫn là phương pháp sử dụng phổ biến. Tùy thuộc vào tình trạng người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ phù hợp. Dưới đây là các nhóm thuốc được sử dụng điều trị viêm đại tràng.
3.1. Thuốc giảm triệu chứng
3.1.1. Thuốc giảm đau, chống co thắt
Người bệnh viêm đại tràng thường xuất hiện tình trạng đau bụng âm ỉ, do vậy có thể lựa chọn một trong các loại thuốc sau để làm giảm triệu chứng này:
Thuốc Phloroglucinol: Tác dụng ức chế trực tiếp trên tế bào cơ trơn, chống lại cảm giác đau ở nội tạng, thường được dùng trong trường hợp đau cấp tính. Thuốc có 3 dạng bào chế chính: viên nén bao phim, viên đặt dưới lưỡi và đường tiêm.
- Liều ban đầu sử dụng giảm đau cấp: dùng thuốc với đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch hàm lượng 40mg từ 1-3 ống/ ngày, giảm đau ngay.
- Liều duy trì sử dụng dạng viên nén hàm lượng 80mg sử dụng 2 viên/lần x 2 lần/ ngày, đối với trẻ nhỏ sử dụng 1 viên/ lần x 2 lần/ngày. Viên nén sử dụng đường uống, dễ dàng sử dụng, tuy nhiên thời gian thuốc gây tác dụng chậm hơn so với viên đặt dưới lưỡi.
- Viên đặt dưới lưỡi 80mg sử dụng tối đa 3 viên/ngày, cách nhau tối thiểu 2 giờ giữa các lần dùng.
- Lưu ý: Trong quá trình sử dụng thuốc có thể gây tình trạng phát ban da, nổi mẩn đỏ. Nếu xuất hiện tình trạng trên cần liên hệ với bác sĩ để nhận tư vấn và hỗ trợ.
Thuốc Mebeverine: là thuốc có tác dụng làm giãn cơ ruột, chống co thắt. Thuốc được bào chế đa dạng: viên nén, viên bao phim, hỗn dịch uống, hay thuốc ở dạng giải phóng kéo dài.
- Dạng viên nén, viên bao phim. sử dụng viên nén với hàm lượng 135mg với liều 2-4 lần/ ngày.
- Viên giải phóng kéo dài: hàm lượng 200mg sử dụng 1-2 lần/ ngày. Ưu điểm của dạng thuốc này giúp người bệnh có thể giảm số lần sử dụng thuốc, tránh trường hợp quên thuốc. Tuy nhiên, tránh nhai, bẻ, nghiền khi sử dụng dạng bào chế này do người bệnh có thể gặp phải tác dụng phụ của thuốc: rối loạn tiêu hóa, chóng mặt, chán ăn,…
- Dạng hỗn dịch sử dụng liều 150mg x 3 lần/ ngày. Phù hợp với người bệnh gặp chứng khó nuốt.
- Lưu ý: Nên sử dụng thuốc 30p thức ăn vì thuốc có thể gây ảnh hưởng đến việc hấp thu đường trong cơ thể.
Thuốc Trimebutine: làm đẩy nhanh quá trình rỗng dạ dày, điều chỉnh hoạt động co bóp ở ruột. Thuốc bào chế dưới dạng viên nén hàm lượng 100mg.
- Sử dụng với liều 1 viên/lần x 3 lần/ngày.
- Liều tối đa là 6 viên/ngày. Dùng thuốc trước bữa ăn.
- Đối với trẻ nhỏ dưới 12 tuổi không khuyến cáo sử dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.
- Bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ như: khô miệng, hôi miệng, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, nhức đầu,…
- Bệnh nhân nên vệ sinh răng miệng thường xuyên, nghỉ ngơi trong trường hợp xuất hiện các tác dụng không mong muốn trên.
3.1.2. Thuốc chống tiêu chảy
Tiêu chảy, đi đại tiện phân lỏng là triệu chứng phổ biến ở người bệnh viêm đại tràng. Có thể lựa chọn một trong các loại thuốc dưới đây có vai trò làm chậm nhu động ruột, tạo màng bao phủ, bảo vệ niêm mạc chống tiêu chảy:
Thuốc Actapulgite: có hoạt chất attapulgite mormoiron hoạt hóa (magnesium và aluminium silicate tinh chế tự nhiên) giúp hấp phụ các độc tố, giúp loại bỏ các vi khuẩn gây tiêu chảy, giảm tình trạng mất nước. Ngoài ra, thuốc còn tạo một màng mỏng trên bề mặt niêm mạc ruột, có vai trò bảo vệ niêm mạc.
- Thuốc đóng gói với hàm lượng 3g được sử dụng liều từ 2-3 gói/ ngày.
- Với trẻ nhỏ có cân nặng dưới 10kg, sử dụng 1 gói/ ngày.
- Tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc là táo bón.
- Lưu ý: Không nên dùng thuốc quá 2 ngày. Cần bổ sung đủ nước và các chất điện giải trong quá trình dùng thuốc như uống oresol. Trẻ em dưới 6 tuổi thì cần có chỉ định của bác sĩ.
Thuốc Smecta: có hoạt chất là Diosmectit – silicat nhôm và magnesi tự nhiên ở dạng lá mỏng xếp song song, có độ dẻo cao, tác dụng bao phủ, bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa tránh khỏi các tác nhân xâm hại.
- Thuốc được đóng gói hàm lượng 3g. Thuốc khá an toàn được sử dụng trên cả người lớn và trẻ nhỏ.
- Người lớn sử dụng liều 3 gói/ ngày, kéo dài 7 ngày.
- Trẻ trên 1 tuổi sử dụng 2 gói/ ngày.
- Trẻ dưới 1 tuổi: 1 gói/ ngày. Tuy nhiên cần thận trọng khi cho trẻ sử dụng thuốc.
- Trên cả ba đối tượng trên, với những ngày đầu điều trị có thể sử dụng gấp đôi liều.
Thuốc Loperamide: có tác dụng làm giảm nhu động ruột, kéo dài thời gian lưu thông các chất trong ruột. Ngoài ra thuốc còn làm tăng trương lực cơ thắt hậu môn, làm giảm trình trạng gấp gáp khi đi đại tiện.
- Thuốc đóng gói dưới dạng viên nén, nang, hỗn dịch hàm lượng 2mg.
- Sử dụng với liều khởi đầu khuyến cáo 4mg, sau đó sử dụng trung bình 2mg/ ngày.
- Liều tối đa hàng ngày không vượt quá 16mg. Người bệnh gặp tình trạng khó nuốt có thể sử dụng thuốc dạng hỗn dịch để tăng hiệu quả khi sử dụng thuốc.
- Lưu ý: Khi sử dụng thuốc, người bệnh có thể gặp một số các vấn đề: táo bón, căng chướng bụng, mệt mỏi, khô miệng,…
3.1.3. Thuốc giảm táo bón
Tình trạng táo bón xuất hiện khi người bệnh đi đại tiện khó, đi đại tiện ít hơn 3 lần/ trên tuần. Phân khô, cứng, có xuất hiện máu và chất nhầy đi kèm. Các thuốc giảm táo bón có tác dụng kích thích làm tăng nhu động ruột, đẩy nhanh quá trình tống phân ra ngoài.
Thuốc Microlax: có chứa hoạt chất chính là sorbitol, có tác dụng làm cho nước từ các mô đi vào trong lòng ruột, giúp kích thích nhu động ruột, đẩy nhanh quá trình tống phân.
- Với người lớn sử dụng 1 ống 5ml/ lần/ ngày, còn trẻ nhỏ dưới 3 tuổi sử dụng ½ ống 5ml/ lần/ ngày.
- Lưu ý: Không sử dụng quá 1 ống/ ngày nếu không có sự chỉ dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ. Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn như: đầy hơi, buồn nôn, kích ứng trực tràng, co thắt dạ dày,….
Thuốc Forlax: chứa hoạt chất macrogol giúp làm tăng lượng nước trong phân, làm mềm phân, tăng lượng nước trong phân.
- Thuốc sử dụng cho trẻ từ 8 tuổi trở lên, với hàm lượng 10g sử dụng với liều 1-2 gói/ ngày.
- Thời gian dùng thuốc tối đa là 3 tháng. Thời gian sử dụng thuốc tốt nhất vào buổi sáng.
- Lưu ý: Khi sử dụng thuốc có thể gặp một số tác dụng phụ: đau bụng, đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy, nôn,…
Thuốc Sorbitol: giúp thúc đẩy chuyển hóa trong ruột, giúp dễ dàng chuyển hóa thức ăn. Ngoài ra, thuốc giúp làm tăng lượng nước đi vào trong ruột, kích thích nhu động ruột, giúp dễ dàng đại tiện.
- Thuốc đóng gói với hàm lượng 5g, sử dụng với liều 1 gói vào buổi sáng để làm giảm tình trạng táo bón.
- Khi uống: pha 1 gói với nửa cốc nước và uống trước ăn 10 phút.
- Lưu ý: Tránh sử dụng thuốc thường xuyên vì có thể gây rối loạn nước và điện giải Cần bổ sung oresol trong khi dùng nước. Nếu xuất hiện các triệu chứng như tiêu chảy hoặc đau chướng bụng thì cần dừng thuốc và liên hệ bác sĩ để thăm khám và điều trị.
3.1.4. Thuốc giảm đầy hơi, chướng bụng
Nếu tình trạng đầy hơi, chướng bụng kéo dài sẽ gây tình trạng mệt mỏi, khó chịu cho người bệnh. Các thuốc làm giảm triệu chứng này, gồm:
Thuốc Debridat: có vai trò hỗ trợ điều hòa nhu động ruột.
- Thuốc có dạng viên nén 100mg sử dụng với liều 300-600mg/ ngày, dạng dung dịch sử dụng trên trẻ nhỏ với liều 5ml/ 5kg/ ngày, còn trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi sử dụng dạng dung dịch 5ml/ ngày.
- Thuốc sử dụng vào thời điểm trước ăn.
- Lưu ý: Khi dùng thuốc dạng dung dịch, cần lắc đều, kỹ trước khi uống. Nên sử dụng thuốc đều đặn, thường xuyên theo đúng chỉ định của bác sĩ để có được hiệu quả tốt nhất của thuốc. Tác phụng phụ có thể gặp: đau bụng, tiêu chảy, khô miệng, chóng mặt,…
Thuốc Carbophos: là dạng thuốc có chứa than thảo mộc, giúp làm giảm đầy hơi sau khi ăn.
- Thuốc được bào chế dưới dạng viên nhai 400mg.
- Để giảm đầy hơi sau khi ăn, khi ăn sử dụng 1 -2 viên nhai và nuốt với nước, dùng sau bữa ăn hoặc khi đau. Nếu sử dụng thuốc quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng táo bón.
- Lưu ý: Thuốc có thể gây tình trạng phân sẫm màu. Người bệnh không nên quá lo lắng khi gặp tình trạng này trong khi dùng thuốc.
3.2. Thuốc điều trị nguyên nhân
Đây là các nhóm thuốc cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để hạn chế các tác dụng không mong muốn của thuốc trên người bệnh.
3.2.1. Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh có vai trò tiêu diệt những vi khuẩn có hại ở đường ruột. Khi sử dụng nhóm thuốc này cần lưu ý sử dụng đúng thuốc, đúng liều và đủ ngày chỉ định (thường từ 7-10 ngày).
Thuốc Metronidazol 250mg: là thuốc kháng sinh được sử dụng phổ biến trên người bệnh viêm đại tràng, dùng để tiêu diệt ký sinh trùng amip hoặc vi khuẩn Clostridium difficile (C.difficile) gây ra.
- Sử dụng thuốc dưới dạng viên uống: 2 viên 250mg x 3 hoặc 4 lần/ ngày.
- Thuốc sử dụng tối đa 10 ngày. Sau 7- 10 ngày, trình trạng bệnh không chuyển biến tốt cần thông báo cho bác sĩ để có sự điều chỉnh kịp thời.
- Lưu ý: Bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nước tiểu sẫm màu.
Thuốc Biseptol 480mg: thuộc nhóm thuốc trị các vi sinh vật gây hại (ký sinh trùng, virus và kháng nấm). Thuốc có hai dạng viên nén và siro.
- Với viên nén 480mg, người bệnh sử dụng liều 1-2 viên/ lần x 2 lần trên ngày.
- Dạng siro, dùng 20ml/kg/ lần. Với trẻ nhỏ hoặc người già gặp vấn đề khó nuốt, sử dụng dạng siro để tăng hiệu quả dùng thuốc. Thời gian sử dụng 5 ngày.
- Lưu ý: Tránh sử dụng thuốc cùng sữa hoặc các loại nước ép.
3.2.2. Thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch – nhóm Corticoid
Những người bệnh viêm đại tràng do tình trạng tự miễn, là khi cơ thể mất khả năng nhận biết, phân biệt các yếu tố bên ngoài và bên trong cơ thể, từ đó khi có các vi sinh vật lạ xâm nhập từ bên ngoài, các kháng thể chống lại cả yếu tố xâm nhập và các kháng nguyên trong cơ thể, tạo phản ứng viêm. Khi đó bệnh nhân sẽ được cân nhắc sử dụng nhóm thuốc Corticoid.
Các thuốc thuốc nhóm Corticoid sử dụng với liều 30-40mg/ ngày trong tuần đầu tiên, sau đó giảm dần liều theo chỉ định bác sĩ. Nên sử dụng thuốc vào buổi sáng sau ăn no.
Nhóm thuốc này nếu sử dụng không đúng cách thì gặp phải nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Do vậy cần sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị viêm đại tràng
4.1. Sử dụng thuốc hợp lý, hiệu quả
Việc sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả là điều hết sức cần thiết.
- Sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, cần tuân thủ sử dụng kháng sinh theo quy tắc đúng liều, đủ liều, đủ ngày điều trị. Do hiện nay, loại thuốc này được sử dụng bừa bãi, không đúng cách, khiến nhiều thuốc không còn nhạy cảm với vi khuẩn gây bệnh, giảm tác dụng điều trị của thuốc. Do vậy, cần tuân thủ sử dụng thuốc.
- Không dùng thuốc theo đơn cũ hoặc đơn của người khác: trong tình trạng bệnh giảm nhẹ rồi tăng nặng, nhiều bệnh nhân theo thói quen lấy lại đơn cũ để dùng, điều này là không đúng. Mỗi thời điểm, người bệnh có thể gặp những nguyên nhân, triệu chứng khác nhau, do vậy dùng lại đơn cũ, điều trị không đúng có thể làm tình trạng bệnh tăng nặng hơn, gặp biến chứng nguy hiểm hoặc gây tình trạng kháng kháng sinh.
- Cần lưu ý đến các đối tượng đặc biệt: trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, bệnh nhân suy gan, suy thận đều là những đối tượng cần lưu ý trong quá trình kê đơn và sử dụng thuốc. Cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ trước khi sử dụng.
- Uống đúng thuốc đúng liều, đủ liều, đủ thời gian: Việc sử dụng thuốc thế nào để đem lại hiệu quả tối đa là vô cùng quan trọng. Uống thuốc không đúng cách đem lại nhiều tác dụng phụ nguy hiểm trên người bệnh. Do vậy cần tuân thủ theo đơn của bác sĩ.
- Tránh lạm dụng thuốc: người bệnh cần nhân nhắc chế độ ăn uống đi kèm với chế độ sử dụng thuốc sao cho khoa học và hợp lý. Việc sử dụng quá nhiều thuốc cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan trong cơ thể.
- Theo dõi những vấn đề gặp phải khi sử dụng thuốc. Đến ngay cơ sở y tế gần nhất trong trường hợp gặp những vấn đề bất lợi khi sử dụng thuốc.
4.2. Kết hợp các biện pháp không dùng thuốc
4.2.1. Chế độ ăn uống hợp lý
Ngoài việc sử dụng thuốc trong điều trị viêm đại tràng, thì chế độ ăn uống cũng đóng góp vai trò vô cùng quan trọng để cải thiện triệu chứng bệnh. Do vậy, người bệnh nên áp dụng chế độ sau:
- Lên thực đơn, khẩu phần ăn cho phù hợp, chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm như: cá; trứng gà, thịt nạc; các loại rau, củ, quả mỗi ngày.
- Bổ sung các sản phẩm có chứa men vi sinh probiotic như sữa chua,… giúp bổ sung những vi khuẩn có lợi cho đường ruột, hỗ trợ hệ tiêu hóa. Nên chọn loại sữa chua ít đường để làm giảm việc chuyển hóa lên men đường gây ảnh hưởng xấu đối với người bệnh viêm đại tràng.
- Uống nhiều nước.
Ngoài ra, người bệnh cần chú ý hạn chế các loại thực phẩm như:
- Các sản phẩm từ sữa; các sản phẩm đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, nhiều đường hay nước ngọt có ga; các loại rau cung cấp quá nhiều chất xơ như rau màu sậm: bông cải xanh, bắp cải,… vì gây cảm giác khó tiêu, đầy chướng bụng.
- Các chất kích thích như rượu, bia, trà, cà phê, thuốc lá,… hay đồ ăn cay nóng gây kích ứng đường tiêu hóa, nặng thêm tình trạng viêm loét đại tràng.
- Hải sản tươi sống dễ gây ra tình trạng đau bụng, đi ngoài.
4.2.2. Chế độ sinh hoạt khoa học
Người bệnh viêm đại tràng cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý:
- Tăng cường luyện tập thể thao hàng ngày như tham gia bộ môn yoga, thiền,…
- Cần đi ngủ đúng giờ, tránh thức khuya.
- Hạn chế làm việc quá mức.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng stress.
- Khi có các dấu hiệu chuyển triệu chứng bệnh nặng, cần liên hệ bác sĩ để được thăm khám và điều trị.
4.3. Bổ sung men vi sinh
Các sản phẩm probiotic hay còn gọi là men vi sinh là những vi sinh vật sống giúp vi sinh vật phát triển trong tốt trong ruột.
Người bệnh viêm đại tràng gây thiếu hụt hai loại vi khuẩn có lợi trong đường ruột là Bifidobacterium và Lactobacillus. Với hai nguyên nhân chính: sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh làm tăng vi khuẩn có hại dẫn đến tình trạng viêm đại tràng và điều trị bằng kháng sinh dài ngày cũng tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi và có hại. Do vậy việc bổ sung men vi sinh sẽ giúp cung cấp hàng tỷ lợi khuẩn, giúp cân bằng hệ tiêu hóa, cải thiện triệu chứng bệnh.
Men vi sinh cần sử dụng trong một khoảng thời gian dài do khi uống vào, acid dạ dày có khả năng tiêu diệt các loại vi khuẩn không kể tốt hay xấu. Khoảng thời gian bổ sung men vi sinh là 7-10 ngày, đủ để tạo hệ vi khuẩn làm giảm tình trạng viêm đại tràng.
Khi người bệnh ngừng sử dụng các chế phẩm men vi sinh, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Nếu dừng đột ngột sẽ gây ra mất cân bằng vi sinh trong ruột, gây các vấn đề bất lợi cho người bệnh.
Bài viết trên đây đã cung cấp các thông tin cần thiết giúp trả lời câu hỏi “Viêm đại tràng uống thuốc gì hiệu quả?”. Mong rằng, người bệnh tìm được thông tin cần thiết liên quan đến bệnh viêm đại tràng. Nếu có bất cứ thắc mắc hay vấn đề cần giải đáp, đừng ngần ngại liên hệ tới Hotline 1900 9482 của chúng tôi để được hỗ trợ sớm nhất.