Viêm đại tràng là bệnh lý hay gặp ở đường tiêu hóa. Những năm gần đây, bệnh có xu hướng gia tăng, không phân biệt tuổi tác. Trẻ em cũng có nguy cơ gặp phải vấn đề viêm đại tràng. Điều này khiến các bậc cha mẹ vô cùng lo lắng, băn khoăn. Vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu bệnh viêm đại tràng ở trẻ em, nguyên nhân cũng như giải pháp điều trị của bệnh qua bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Tại sao trẻ em lại bị viêm đại tràng?
Đại tràng là phần cuối ống tiêu hóa có nhiệm vụ hấp thụ nước và muối khoáng từ thức ăn, đồng thời phân hủy thức ăn tạo thành phân. Viêm đại tràng là tình trạng viêm nhiễm gây tổn thương khu trú hoặc lan tỏa ở niêm mạc đại tràng. Ở trẻ em, tình trạng viêm thường bắt đầu từ trực tràng, ruột dưới (đại tràng xích ma) và lan dần lên đến toàn bộ đại tràng. So với người lớn, trẻ em mắc bệnh viêm đại tràng thường có xu hướng nặng hơn.
Hiện nay, nguyên nhân gây viêm đại tràng ở trẻ chưa được xác định rõ. Thế nhưng có một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh hoặc làm bệnh trầm trọng hơn, có thể đề cập đến:
1.1. Yếu tố di truyền
Những người thân của bệnh nhân đã mắc viêm đại tràng có khả năng mắc bệnh cao. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra tính nhạy cảm di truyền trong bệnh viêm đại tràng. Các nghiên cứu này chỉ ra có khoảng 30 gen làm tăng khả năng gặp phải bệnh. Mặc dù các nghiên cứu vẫn chưa rõ mối liên hệ yếu tố di truyền sẽ áp dụng thế nào trong điều trị. Nhưng chúng có ý nghĩa trong việc tìm hiểu cơ chế bệnh sinh cũng như tạo ra phương pháp điều trị mới.
1.2. Nhiễm trùng vi khuẩn hoặc virus
Trẻ em là đối tượng rất dễ gặp phải tình trạng nhiễm trùng đường ruột. Nguyên nhân là do trẻ nhỏ hệ tiêu hóa đang dần hoàn thiện, chưa thực hiện đầy đủ chức năng.
1.3. Hệ thống miễn dịch suy giảm
Ở những trẻ miễn dịch suy giảm, khả năng chống tại các tác nhân gây hại yếu nên dễ mắc bệnh hơn.
1.4. Chế độ ăn uống không phù hợp
Ăn nhiều thực phẩm chứa đường và các chất béo xấu, ăn ít chất xơ, sử dụng thực phẩm chưa nấu chín, không đảm bảo vệ sinh đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm đại tràng. Nhiều trẻ nhỏ chưa ý thức được rõ vấn đề vệ sinh tay trước khi ăn. Trẻ vừa ăn vừa chạy nhảy, không tập trung khiến hệ tiêu hóa của trẻ bị ảnh hưởng.
1.5. Rối loạn cảm xúc
Hiện nay, tình trạng này khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Rối loạn cảm xúc ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, trong đó có hệ tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng. Trầm cảm hoặc stress, căng thẳng trong học tập, cuộc sống có thể làm cho triệu chứng tồi tệ hơn.
1.6. Hút thuốc lá thụ động
Những trẻ nhỏ hút thuốc lá thụ động có nguy cơ cao hơn mắc bệnh viêm đại tràng.
1.7. Sử dụng thuốc kháng sinh
Các kháng sinh tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại, làm thay đổi sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột, làm rối loạn khả năng tiêu hóa, dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa. Trong đó có viêm đại tràng.
>>> XEM THÊM: Đau đại tràng có nguy hiểm không? Giải pháp cho đại tràng khỏe mạnh
2. Triệu chứng nhận biết viêm đại tràng ở trẻ.
Trẻ bị viêm đại tràng có nhiều triệu chứng khác nhau liên quan đến tình trạng viêm nhiễm. Các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng.
- Đau bụng, đầy bụng. Đau âm ỉ ở bụng dưới hoặc dọc theo khung đại tràng. Đau sau khi ăn hoặc đau lúc đói.
- Rối loạn tiêu hóa kéo dài, lúc táo bón, lúc tiêu chảy. Người bệnh cảm thấy không thoải mái khi đi đại tiện.
- Sốt, buồn nôn và nôn.
- Giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng của trẻ. Trẻ có xu hướng chán ăn, bỏ bữa, sụt cân liên tục. Cơ thể mệt mỏi, tiều tụy.
- Chảy máu trực tràng dẫn đến thiếu máu do mất máu.
- Tiêu chảy, có thể có máu hoặc chất nhầy.
Đôi khi, tình trạng viêm đại tràng của trẻ có thể nghiêm trọng đến mức gây ra các triệu chứng khác, dường như không liên quan đến đường tiêu hóa. Các triệu chứng có thể gặp phải:
- Sỏi thận
- Tổn thương da, phát ban
- Viêm mắt
- Đau khớp, xương giòn.
Viêm đại tràng ở trẻ nhỏ khó chẩn đoán. Những triệu chứng tưởng chừng không liên quan này lại càng gây khó khăn hơn trong việc chẩn đoán bệnh. Đối với những trẻ nhỏ, bệnh thường khó phát hiện hơn do trẻ chưa nhận thức được. Cha mẹ cần theo dõi thói quen sinh hoạt cũng như các biểu hiện, triệu chứng của trẻ.
>>>XEM THÊM: Viêm đại tràng mạn tính: Triệu chứng và biến chứng thường gặp
3. Làm thế nào để xác định viêm đại tràng ở trẻ?
Với những triệu chứng và biểu hiện trên, có thể chưa chắc chắn tình trạng bệnh của trẻ. Tuy nhiên, khi thấy con có những bất thường trên, cha mẹ nên đưa con đi khám để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời. Các xét nghiệm được thực hiện:
3.1. Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu kiểm tra số lượng hồng cầu, bạch cầu. Hồng cầu giảm cho thấy dấu hiệu của thiếu máu, mất máu. Bạch cầu tăng là dấu hiệu của bệnh viêm nhiễm khiến cơ thể phải huy động hệ thống miễn dịch tăng cường hoạt động. Vì vậy, lượng bạch cầu trong máu sẽ tăng cao đột biến.
3.2. Nội soi đại tràng
Nội sao đại tràng để kiểm tra sự bất thường trong đại tràng. Quy trình này cho phép bác sĩ kiểm tra, xác định những bất thường, những ổ viêm nhiễm, chảy máu.
3.3. Kiểm tra mẫu phân
Để có thể xác định liệu có vi khuẩn bất thường nào trong phân gây ra các tình trạng đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy hay không. Đồng thời cũng để kiểm tra xem trong phân có lẫn máu hay không.
3.4. Chụp X- quang
Chụp có kèm theo chất cản quang giúp bác sĩ quan sát đường tiêu hóa tốt hơn, kiểm tra viêm đại tràng ở trẻ hoặc vấn đề khác đường tiêu hóa.
4. Viêm đại tràng ở trẻ em có nguy hiểm không?
Bệnh viêm đại tràng ở trẻ em hoàn toàn có thể chữa khỏi. Thế nhưng, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nhiều nguy hiểm, để lại nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
- Suy dinh dưỡng: Trẻ không hấp thu được thức ăn cần thiết.
- Rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, khó chịu: Do trẻ bị bệnh thường xuyên gặp phải tình trạng tiêu chảy và táo bón. Việc này khiến bé mệt mỏi và sợ hãi. Bé thường xuyên đau bụng, đầy hơi dẫn đến việc bé lười ăn, bỏ bữa, chậm phát triển và không tăng cân. Những triệu chứng này ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe của trẻ nhỏ.
- Sức đề kháng suy giảm: Trẻ bị bệnh thường xuyên sử dụng thuốc. Đặc biệt những trẻ bị viêm đại tràng mãn tính sử dụng trong thời gian khá dài.
- Xuất huyết. Tình trạng này gặp phải ở những bé bị viêm đại tràng nặng. Khi lớp niêm mạc đại tràng bị viêm nhiễm nặng dẫn đến lớp lông nhung suy giảm. Nếu điều trị không đúng cách dễ dẫn đến xuất huyết ồ ạt.
- Thủng đại tràng: việc lạm dụng các thuốc, đặc biệt là kháng sinh khiến hệ vi khuẩn trong lòng ruột bị suy giảm, trong đó có cả vi khuẩn có lợi. Mất đi hàng rào bảo vệ, vết loét dễ dàng ăn sâu vào thành đại tràng gây thủng đại tràng.
- Ung thư đại tràng: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của viêm đại tràng. Tình trạng này xảy ra ở những bệnh nhân viêm đại tràng mạn tính. Những tế bào biểu mô niêm mạc theo thời gian phát triển thành những tế bào ác tính gây ung thư đại tràng.
5. Cách điều trị viêm đại tràng ở trẻ an toàn, hiệu quả.
Trẻ bị viêm đại tràng cần được điều trị và chăm sóc lâu dài. Điều trị viêm đại tràng phụ thuộc vào mức độ của bệnh, độ tuổi, sức khỏe, tiền sử bệnh của trẻ. Trẻ được điều trị càng sớm càng tốt, lựa chọn phác đồ phù hợp với trẻ. Đồng thời, cần duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.
5.1. Điều trị bằng thuốc
Việc sử dụng thuốc giúp bệnh nhân cải thiện các triệu chứng bệnh, ngăn ngừa tình trạng tái phát. Trẻ có thể sử dụng thuốc tác động vào nguyên nhân hoặc triệu chứng.
Thuốc điều trị nguyên nhân: có 2 nhóm thuốc chính là các thuốc ức chế miễn dịch và kháng sinh.
- Thuốc ức chế miễn dịch ngăn chặn hoạt động của hệ thống miễn dịch. Các thuốc được sử dụng: Azathioprine, mercaptopurine,…
- Thuốc kháng sinh chỉ sử dụng khi bệnh nhân bị nhiễm khuẩn. Một số kháng sinh được dùng trong viêm đại tràng là metronidazole, vancomycin,…
Thuốc điều trị triệu chứng:
- Nhóm bù nước và điện giải. Trẻ bị viêm đại tràng thường xuyên bị tiêu chảy dẫn đến mất nước. Do vậy trẻ thường được bổ sung oresol, hydrite,…
- Nhóm thuốc giảm tiết dịch, giảm nhu động ruột: loperamid,…
- Nhóm thuốc chống co thắt, giảm đau: trimebutin, Phloroglucinol, Mebeverine,…
- Nhóm corticoid (được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ): hydrocortisone, betamethasone,…
- Thuốc điều trị tiêu chảy như: loperamid, vinacode, diarsed,…
Việc sử dụng thuốc để điều trị bệnh cần có sự hướng dẫn của bác sĩ. Do vậy, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám, điều trị.
5.2. Điều trị ngoại khoa
Việc cắt bỏ đại tràng là cần thiết nếu diễn tiến của bệnh nặng hơn, kéo dài và gây nguy hiểm. Tuy nhiên phương pháp này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa cùng như tâm lý của trẻ.
>>>XEM THÊM: Viêm đại tràng có nguy hiểm không? Cảnh báo 7 biến chứng khôn lường
6. Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp trẻ mau hồi phục
Không có chế độ ăn uống đặc biệt nào cho những bệnh nhân bị viêm đại tràng. Thế nhưng, trẻ em gặp phải vấn đề này nên ăn uống khoa học để kiểm soát tốt các triệu chứng cũng như cải thiện tình trạng sức khỏe.
Trẻ được khuyến khích nên ăn các loại trái cây ít xơ như bơ, chuối. Trẻ nên ăn sữa chua và các thực phẩm bổ sung probiotics. Các thực phẩm này chứa nhiều lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa giúp diệt trừ vi khuẩn có hại, đảm bảo cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Lợi khuẩn tiết ra enzym giúp tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn. Ngoài ra, việc bổ sung lợi khuẩn còn giúp sản sinh kháng thể, tăng sức đề kháng, giúp phục hồi chức năng hệ tiêu hóa.
Trứng, cá là thực phẩm tốt cho trẻ bị viêm đại tràng. Trứng cung cấp nhiều chất đạm và dễ hấp thu. Lòng đỏ trứng cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho trẻ: sắt, kém,…Cá bổ sung nhiều chất dinh dưỡng: omega 3, canxi, vitamin D. Omega 3 tốt cho tim, trí não và đặc biệt là tình trạng viêm đại tràng.
Tránh các chất kích thích: cà phê, trả,…Trẻ nên hạn chế các thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ. Những thức ăn nhanh, thực phẩm làm sẵn có chứa nhiều chất béo xấu không tốt cho sức khỏe của trẻ. Hàm lượng chất béo cao sẽ kéo dài thời gian làm rỗng dạ dày. Bệnh nhân sẽ cảm giác khó tiêu, nặng bụng, chướng bụng.
Các thực phẩm sữa có chứa lactose được khuyến cáo không nên dùng cho trẻ. Những bệnh nhân bị viêm đại tràng cơ thể thường thiếu hụt men lactose. Do vậy, khi uống sữa chứa thành phần này bệnh nhân thường có biểu hiện không dung nạp lactose, làm nặng thêm tình trạng đau bụng, đầy hơi và tiêu chảy.
Trẻ cũng không nên dùng các thực phẩm giàu chất xơ: bắp cải, hạnh nhân,…Vì chất xơ cũng sẽ làm nặng thêm các vấn đề về đường tiêu hóa.
Các món tái, sống, gỏi hay rau sống đều không đảm bảo an toàn vệ sinh. Các thực phẩm này có thể nhiễm vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Từ đó làm nặng thêm tình trạng bệnh của trẻ.
Viêm đại tràng ở trẻ là một bệnh lý mãn tính, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như tinh thần của trẻ. Chúng tôi mong rằng, bài viết trên cung cấp cho các bậc phụ huynh những thông tin cần thiết bệnh đại tràng của trẻ. Từ đó có thể phát hiện và đưa ra được những giải pháp phù hợp để khắc phục tình trạng này.
Mọi thông tin thắc mắc xin vui lòng liên hệ HOTLINE 1900 9482 HOẶC 09 6762 9482