Ợ chua, táo bón, đầy hơi và chướng bụng là những triệu chứng của rối loạn tiêu hóa khi mang thai khá phổ biến. Tuy không gây nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và em bé nhưng mẹ bầu cũng không nên chủ quan trước tình trạng bất thường này. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho mẹ bầu những điều cần biết về chứng rối loạn tiêu hóa khi mang thai và và các biện pháp cải thiện an toàn, hiệu quả.
Mục lục
1. Triệu chứng rối loạn tiêu hóa khi mang thai
Triệu chứng của rối loạn tiêu hóa khi mang thai khá đa dạng. Mỗi mẹ bầu lại có những triệu chứng khác nhau, mức độ khác nhau, phụ thuộc vào thể trạng của mẹ, thời kỳ mang thai:
- Buồn nôn, nôn: là dấu hiệu của ốm nghén thường gặp của mẹ bầu trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Tuy nhiên, sau 3 tháng đầu thì nôn có thể do nhiễm khuẩn gây rối loạn tiêu hóa hoặc nghiêm trọng hơn là viêm gan và viêm tụy.
- Ợ hơi, ợ nóng: Khi bước vào tam cá nguyệt thứ ba sẽ có đến một nửa mẹ bầu bị ợ chua và cảm giác nóng âm ỉ ở bụng trên, ngực hoặc cổ họng
- Chán ăn, khó tiêu, đầy hơi: Đầy hơi và chướng bụng khi mang thai cũng là những triệu chứng thường gặp, đặc biệt là trong những tháng đầu của thai kỳ.
- Táo bón: Táo bón là tình trạng khó chịu thường gặp khi mang thai. Do nhu động ruột giảm co bóp khiến quá trình tiêu hóa thức ăn chậm hơn. Bên cạnh đó, nếu mẹ bầu uống bổ sung sắt cũng có thể góp phần gây ra táo bón.
- Tiêu chảy: Là tình trạng hiếm gặp ở phụ nữ có thai. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu bị tiêu chảy không rõ nguyên nhân kết hợp với đau thắt lưng và tăng tiết dịch âm đạo hoặc chất nhầy có thể là các triệu chứng báo hiệu chuyển dạ sinh non.
2. Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa khi mang thai
Mẹ bầu thường gặp tình trạng rối loạn tiêu hóa khi mang thai do những nguyên nhân chủ yếu sau:
- Thay đổi nội tiết tố: Bắt từ tháng thứ 2-3 của thai kỳ, nồng độ hormone progesterone và relaxin tăng lên, có tác dụng an thai nhưng đồng thời cũng làm giảm nhu động ruột, dẫn đến tình trạng táo bón. Không chỉ vậy, lượng hormone tăng còn ảnh hưởng đến van nối giữa dạ dày và thực quản, làm giảm trương lực các cơ tại thực quản gây ợ hơi, buồn nôn,trào ngược dạ dày, nóng rát ở cổ họng.
- Thay đổi thể chất khi mang thai: em bé phát triển khiến tử cung ngày càng lớn gây áp lực lên cơ quan nội tạng, chèn ép đại tràng và một số dây thần kinh khiến hệ tiêu hóa hoạt động kém hơn dẫn đến rối loạn tiêu hóa.
- Bổ sung sắt hoặc canxi trong thai kỳ: Do lượng sắt/canxi thừa khi mẹ bầu uống nên những khoáng chất đó được thải ra ngoài theo phân, trở thành gánh nặng trong quá trình tiêu hóa khiến mẹ bầu bị táo bón.
- Nhiễm vi rút hoặc vi khuẩn: mẹ bầu ăn những thực phẩm lạ, dễ bị nhiễm khuẩn gồm rau sống, tôm sống,…gây rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc ngộ độc thực phẩm.
3. Cách chữa rối loạn tiêu hoá cho bà bầu
Rối loạn tiêu hóa ở bà bầu sẽ cải thiện đáng kể khi thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý mà không cần sử dụng đến thuốc. Các biện pháp giúp cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa khi mang bầu:
Uống nhiều nước: Mẹ bầu cần uống đủ 1,5-2l nước mỗi ngày hoặc nước ép trái cây như táo, cam,.. để cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể, giảm tình trạng táo bón và tránh mất nước nếu mẹ bầu bị tiêu chảy.
Thay đổi thói quen ăn uống:
- Ăn chậm lại và nhai kỹ giúp thức ăn được tiêu hóa hiệu quả hơn.
- Chia nhỏ bữa ăn: Thay vì ăn 3 bữa lớn mỗi ngày, mẹ bầu hãy thử ăn với 5-6 bữa nhỏ trong ngày. Điều này giúp mẹ không bị quá no trong mỗi bữa ăn, hạn chế triệu chứng buồn nôn. Bên cạnh đó, nếu mẹ bầu ăn một lượng lớn thức ăn một lúc sẽ gây ra chứng ợ nóng, đầy hơi.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp:
- Bổ sung đầy đủ chất xơ: mẹ bầu nên bổ sung nguồn carbohydrate giàu chất xơ như yến mạch, bánh quy, ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, khoai lang và trái cây tươi giúp giảm tình trạng buồn nôn, ngăn ngừa táo bón.
- Tránh thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có gas, đồ chiên rán như gà rán, khoai chiên,….giúp giảm gánh nặng lên hệ tiêu hóa và đầy hơi, khó tiêu.
Thường xuyên vận động: giúp tăng cường lưu thông máu và mang nhiều oxy hơn đến các cơ quan, bao gồm cả đường ruột giúp chúng co bóp hiệu quả và trơn tru. Mẹ bầu cố gắng tập thể dục vừa phải ít nhất hai tiếng rưỡi một tuần, hoặc 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/ tuần và hãy liên hệ với bác sĩ của bạn để tìm các bài tập tốt nhất, đảm bảo an toàn và phù hợp với cơ thể.
Bổ sung men vi sinh: Rối loạn tiêu hóa khiến lượng lợi khuẩn đường ruột bị suy giảm gây mất cân bằng hệ vi sinh. Để cải thiện tình trạng này, mẹ bầu cần bổ sung men vi sinh đầy đủ và đúng cách. Ngoài ra, men vi sinh hoàn toàn an toàn với phụ nữ có thai, không tác dụng phụ khi sử dụng kéo dài. Vì vậy mẹ bầu có thể sử dụng trong trường hợp rối loạn tiêu hóa dai dẳng, tránh để tình trạng kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Tham khảo ý kiến bác sĩ về sử dụng thuốc: bác sĩ sẽ kê đơn thuốc an toàn và phù hợp với từng tình trạng rối loạn tiêu hóa của mẹ bầu như táo bón, đầy hơi, tiêu chảy,… sẽ sử dụng các loại thuốc thuốc kháng axit, men tiêu hóa, thuốc chống tiêu chảy và thuốc chống nôn.
4. Mẹo trị rối loạn tiêu hóa cho bà bầu
Ngoài cách thay đổi chế độ ăn và sinh hoạt, mẹ bầu có thể tham khảo một số mẹo trị rối loạn tiêu hóa cho bà bầu, an toàn và hiệu quả với các trường hợp mẹ bầu rối loạn tiêu hóa nhẹ.
4.1. Mẹo trị buồn nôn với bạc hà
Lá bạc hà có chứa tinh dầu, hoạt chất peppermint có công dụng làm giảm co thắt nhu động ruột, ngăn triệu chứng buồn nôn, chướng bụng.
Cách thực hiện: Để dùng bạc hà trị buồn nôn, mẹ uống 1 tách trà bạc hà hoặc nhai 4-5 lá bạc hà tươi khi cảm thấy buồn nôn, đầy bụng.
4.2. Mẹo dùng tỏi chữa rối loạn tiêu hóa
Tỏi chứa allicin có tác dụng là 1 chất kháng sinh mạnh, giúp diệt khuẩn, ức chế vi khuẩn gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa ở phụ nữ có thai.
Cách thực hiện: Mẹ bầu có thể ăn 1-2 tép tỏi sống trong bữa ăn hoặc uống 10ml nước tỏi xay trước khi đi ngủ.
4.3. Mẹo chữa buồn nôn với gừng
Gừng chứa tinh dầu, hoạt chất zingerola,.. có công dụng giảm co thắt nhu động ruột, giảm buồn nôn, đau bụng. Ngoài ra, theo y học cổ truyền, gừng có tác dụng kiện tỳ, kích thích tiêu hóa, giúp mẹ bầu ăn ngon, tiêu hóa tốt hơn.
Cách thực hiện: Mẹ bầu có thể uống trà gừng hoặc nhai 2 lát gừng nướng khi buồn nôn.
4. Cần lưu ý gì trong điều trị rối loạn tiêu hóa khi mang thai
Để quá trình điều trị rối loạn tiêu hóa đạt hiệu quả và an toàn, mẹ bầu cần lưu ý một số điều sau đây:
- Duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ và lành mạnh, tránh căng thẳng và sử dụng các chất kích thích như rượu, cafe, thuốc lá,…
- Mẹ bầu cần đi khám định kỳ, nếu có bất thường về sức khỏe cần báo với bác sĩ để được tư vấn
- Không lạm dụng thuốc chữa rối loạn tiêu chảy hay các mẹo dân gian. Nếu không thấy các triệu chứng thuyên giảm, mẹ bầu cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời
- Mẹ bầu cần liên hệ sớm với bác sĩ khi có các dấu hiệu nguy hiểm sau:
- Đại tiện ra phân lẫn máu
- Sút cân nhanh, bất thường (5-7kg/ 1-2 tháng)
- Nôn ra máu
- Đau bụng, buồn nôn kèm sốt
Rối loạn tiêu hóa khi mang thai khá thường gặp và hầu hết không nghiêm trọng. Tuy nhiên, mẹ bầu không nên chủ quan mà luôn cần duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, đồng thời bổ sung men vi sinh tăng cường hệ tiêu hóa để có một thai kỳ khỏe mạnh.
Nếu cần được tư vấn và giải đáp thắc mắc, bạn đừng ngần ngại liên hệ HOTLINE 19009482 để được các chuyên gia sức khỏe của Imiale A+ hỗ trợ tận tình.