Rối loạn tiêu hóa là tình trạng xuất hiện phổ biến trong thai kỳ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hóa ở bà bầu. Dù do nguyên nhân nào, tình trạng này đều khiến bà bầu khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Để có hệ tiêu hóa khỏe mạnh trong suốt thai kỳ, cùng tìm hiểu các cách chữa rối loạn tiêu hóa cho bà bầu an toàn và hiệu quả nhất qua bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Tại sao bà bầu dễ bị rối loạn tiêu hóa
Trong thời kỳ mang thai, đường tiêu hóa của bà bầu rất nhạy cảm và dễ bị rối loạn tiêu hóa. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như:
1.1. Do thay đổi hormon
Khi mang thai, nồng độ progesteron tăng lên rất cao. Sự tăng đột ngột của progesteron gây ức chế motilin, hormon có vai trò kích thích nhu động ruột. Như vậy, khi mang thai, bà bầu dễ bị giảm nhu động ruột dẫn đến dễ bị rối loạn tiêu hóa, trong đó, triệu chứng hay gặp nhất là táo bón.
Ngoài ra, nồng độ progesteron tăng lên sẽ làm giảm sự vận động của các van nối giữa thực quản và dạ dày. Điều này khiến thức ăn và acid dịch vị dễ dàng bị trào ngược trở lại thực quản dẫn đến tình trạng mẹ bầu thường cảm thấy các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu hay ợ hơi, nóng ngực,…
1.2. Do thai chèn ép
Kích thước thai nhi phát triển theo thời gian gây chèn ép lên một số cơ quan nhất định dẫn đến một số rối loạn tiêu hóa thường gặp ở bà bầu như: thai chèn ép vào trực tràng gây ảnh hưởng đến khả năng tống phân ra khỏi cơ thể, làm tăng thời gian lưu phân tại đại tràng dẫn đến táo bón, xì hơi, đầy chướng bụng.
1.3. Do sử dụng thực phẩm bổ sung
Trong thai kỳ, nhu cầu dinh dưỡng của mẹ bầu tăng cao, do đó, mẹ bầu thường phải dùng thêm thực phẩm bổ sung để có đủ chất dinh dưỡng nuôi thai nhi khỏe mạnh như: bổ sung thêm sắt, canxi, acid folic,… Tuy nhiên, thực phẩm bổ sung chứa sắt, canxi vô cơ thường khó tiêu, việc bổ sung thường xuyên những loại sắt, canxi này dễ gây nóng trong và rối loạn tiêu hóa khi mang thai, thường gặp nhất là táo bón.
1.4. Chế độ ăn: ít chất xơ, giàu đạm
Cùng với việc sử dụng thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, trong thời gian này, mẹ bầu và người nhà thường ưu tiên chế độ ăn ‘’tẩm bổ’’ với nhiều chất đạm, mong muốn cả mẹ và bé nhận được nhiều chất dinh dưỡng và bé phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều đạm mà không bổ sung đủ chất xơ vào bữa ăn hằng ngày có thể là nguyên nhân khiến bà bầu bị rối loạn tiêu hóa, cụ thể là khiến mẹ bầu bị táo bón.
1.5. Do ít vận động
Nhu động ruột bị ảnh hưởng bởi quá trình vận động hằng ngày của bà bầu. Nếu mẹ bầu ngồi hoặc nằm quá lâu, dành ít thời gian để đi lại hay vận động cũng có thể làm chậm nhu động ruột, tiêu hóa lâu và dễ bị táo bón.
1.6. Thay đổi sản xuất enzym
Trong thời kỳ mang thai, cơ thể người mẹ có rất nhiều thay đổi, một vài bà bầu có thể bị giảm tổng hợp lactase, một loại enzym có vai trò tiêu hóa lactose – là thành phần chủ yếu có trong sữa. Điều này có thể gây ra tình trạng không dung nạp lactose và gây tiêu chảy khi bà bầu uống sữa.
1.7. Mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột
Trong thai kỳ, thay đổi hormon và chế độ ăn uống không phù hợp có thể gây mất cân bằng hệ khuẩn ruột. Điều này khiến bà bầu dễ gặp phải những rối loạn tiêu hóa như: táo bón, tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu hoặc thậm chí là viêm ruột hoặc hội chứng ruột kích thích trong thai kỳ.
2. Cách chữa rối loạn tiêu hóa cho bà bầu an toàn nhất
Rối loạn tiêu hóa thai kỳ gây ra nhiều lo lắng và bất tiện trong sinh hoạt của mẹ bầu. Để có một thai kỳ khỏe mạnh hơn, mẹ bầu có thể áp dụng những cách chữa rối loạn tiêu hóa an toàn nhất cho bà bầu dưới đây:
2.1. Chia nhỏ bữa ăn
Rối loạn tiêu hóa thai kỳ khiến đường ruột của mẹ tổn thương và yếu hơn bình thường. Hãy chia nhỏ các bữa ăn hằng ngày, đường ruột sẽ không phải làm việc quá sức mà vẫn đảm bảo mẹ và bé được cung cấp đủ dưỡng chất. Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì các bữa lớn cũng giúp giảm thiểu tình trạng rối loạn tiêu hóa tái phát trong thai kỳ.
2.2. Thay đổi chế độ ăn
Nhu cầu dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai của mẹ bầu rất lớn. Tuy nhiên, cùng với việc bổ sung những loại thực phẩm giàu dưỡng chất, hãy thêm rau xanh, trái cây hay ngũ cốc nguyên hạt vào bữa ăn hằng ngày để cân bằng giữa chất xơ và chất đạm.
Theo khuyến cáo, mỗi ngày mẹ bầu cần bổ sung thêm 28g chất xơ. Chất xơ giúp cải thiện và ngăn ngừa tình trạng táo bón thai kỳ, đồng thời giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn. Mẹ bầu có thể tham khảo một số thực phẩm giàu chất xơ như:
- Trái cây: táo, lê, chuối, bơ,…
- Rau củ: bông cải xanh, cải brussel, cà rốt, củ cải đường, khoai lang,…
- Các loại đậu: đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu xanh,…
- Ngũ cốc, hạt: yến mạch, hạnh nhân, hạt chia,….
2.3. Uống nước thường xuyên
Dù mẹ bầu có đang bị táo bón hay tiêu chảy thì việc uống nước thường xuyên đều vô cùng quan trọng. Uống đủ 2 lít nước một ngày, chia làm nhiều lần nhỏ vừa giúp hỗ trợ giảm nhẹ táo bón đồng thời tránh mất nước cho mẹ bầu khi đang tiêu chảy. Trong trường hợp mẹ bầu bị tiêu chảy, cần lưu ý bổ sung thêm oresol, pha theo hướng dẫn và chia thành nhiều lần nhỏ uống liên tục trong ngày.
Ngoài ra, mẹ bầu không nên sử dụng nước trái cây đóng sẵn hay nước có gas. Nước trái cây đóng sẵn có nhiều đường dễ gây tăng áp lực thẩm thấu, nước ngọt có gas gây đầy bụng, kích thích nhu động ruột khiến tình trạng tiêu chảy trở nên tồi tệ hơn.
2.4 Tăng vận động, lưu ý vận động nhẹ nhàng
Vận động thường xuyên giúp cải thiện nhu động ruột và hạn chế tình trạng táo bón. Do đó, nếu mẹ bầu đang bị táo bón thai kỳ, hãy dành thời gian ít nhất 30 phút mỗi ngày để vận động nhẹ nhàng.
Thời gian vận động có thể chia nhỏ làm nhiều lần trong ngày và hạn chế vận động mạnh tránh ảnh hưởng đến thai nhi. Những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga,… không chỉ giúp hỗ trợ đẩy lùi rối loạn tiêu hóa thai kỳ mà còn giúp mẹ bầu có một sức khỏe tốt và tinh thần thoải mái nhất.
2.5. Bổ sung sắt, canxi hợp lý
Sắt, canxi bổ sung cho bà bà bầu được chia thành 2 loại: vô cơ và hữu cơ. Sắt hay canxi vô cơ dễ gây lắng đọng trong máu và gây ra táo bón, nóng trong khi sử dụng. Để an toàn cho bà bầu và giúp hạn chế các rối loạn tiêu hóa thường gặp trong thai kỳ, bà bầu nên chọn bổ sung thêm sắt, canxi ở dạng hữu cơ.
Trong khi đó, sắt hữu cơở dạng sắt fumarat hay sắt gluconat và có thể tan trong nước. Một vài chế phẩm sắt hữu cơ cho bà bầu có thể kể đến như: viên uống Ferrovit; Avisure Safoli; Chela Ferr Forte,…
Canxi hữu cơ có nguồn gốc từ động vật và thực vật nên an toàn hơn cho người sử dụng. Chúng thường tồn tại ở dạng Canxi Lactat Gluconat, Canxi caseinat,… Mẹ bầu có thể tham khảo một số chế phẩm chứa canxi hữu cơ như: viên uống Litho Plus; Chela-calcium D3,…
Một số lưu ý cho mẹ bầu khi bổ sung sắt và canxi:
- Tránh bổ sung canxi và sắt cùng lúc vì chúng có thể làm giảm hấp thu, dẫn đến giảm tác dụng.
- Dù bổ sung sắt hay canxi, mẹ bầu cũng cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ để tránh những tác dụng không mong muốn nghiêm trọng
2.6. Bổ sung lợi khuẩn
Bổ sung lợi khuẩn giúp thiết lập lại cân bằng hệ vi sinh đường ruột và cải thiện tốt các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa thai kỳ: táo bón, tiêu chảy, đầy bụng,… Lợi khuẩn cũng tạo nên một hàng rào bảo vệ chắc chắn, tăng sức đề kháng cho đường ruột để hạn chế những tấn công từ bên ngoài giúp giảm số lần tái phát các triệu chứng này.
Đặc biệt, với phụ nữ có thai, việc sử dụng các loại thuốc nhuận tràng, thuốc cầm tiêu chảy cần hạn chế do có thể gây tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Trong trường hợp này, bổ sung lợi khuẩn là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất.
Tham khảo men vi sinh IMIALE A+ bổ sung hai lợi khuẩn chính Bifidobacterium BB-12 và Lactobacillis LA-5, kết hợp chất xơ hòa tan hàm lượng cao mang lại giải pháp tối ưu cho đại tràng khỏe mạnh, thích hợp sử dụng cho phụ nữ có thai gặp tình trạng rối loạn tiêu hóa thai kỳ. Hiệu quả cải thiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, đầy chướng bụng của IMIALE A+ chứng minh qua hơn 450 nghiên cứu lâm sàng và được các tổ chức quốc tế uy tín thế giới chứng nhận, khuyên dùng.
3. Khi nào mẹ bầu rối loạn tiêu hóa cần đi bác sĩ?
Thông thường, các rối loạn tiêu hóa trong thai kỳ sẽ kéo dài từ 2-3 ngày hoặc 1 tuần. Đây là tình trạng bình thường và đa số các mẹ bầu sẽ gặp phải khi mang thai. Tuy nhiên, nếu đã áp dụng các biện pháp nêu trên nhưng các triệu chứng vẫn không được cải thiện hoặc tình trạng này tiếp tục kéo dài trong 2-3 tuần, mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn kịp thời.
Một số triệu chứng nghiêm trọng khác cũng là dấu hiệu cảnh báo mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức như:
- Nôn ra máu
- Đi ngoài phân lẫn máu hoặc phân đen
- Đau hoặc khó khăn khi nuốt
- Sụt cân quá mức
- Cảm giác mệt mỏi thường xuyên
- Mất nước do tiêu chảy: khát nước liên tục, mắt trũng, môi khô,…
Rối loạn tiêu hóa ở bà bầu có thể cải thiện bằng một chế độ ăn uống hợp lý, duy trì tập thể dục thường xuyên kết hợp bổ sung lợi khuẩn hàng ngày. Mẹ bầu cũng nên để ý những dấu hiệu nghiêm trọng để đến gặp bác sĩ và được thăm khám kịp thời. Hy vọng những cách chữa rối loạn tiêu hóa cho bà bầu trên đây sẽ giúp mẹ bầu trải qua một thai kỳ khỏe mạnh.