‘’Bé táo bón phải làm sao?’’. Đây là câu hỏi khiến nhiều bố mẹ đau đầu khi thấy con khó chịu, đau đớn vì mót rặn mà không biết phải làm thế nào. Đâu sẽ là phương pháp tốt nhất? Bài viết này sẽ tìm ra câu trả lời cho các bậc phụ huynh.
Mục lục
1. Nguyên nhân nào gây táo bón ở trẻ.
Để biết được khi trẻ bị táo bón nên làm gì thì việc tìm hiểu nguyên nhân rất quan trọng. Nguyên nhân gây táo bón bao gồm suy giảm chức năng và tổn thương cấu trúc/ chức năng hệ tiêu hóa.
1.1. Táo bón chức năng
Đây là chứng táo bón phổ biến nhất ở trẻ với tỉ lệ khoảng 95%.
1.1.1. Chế độ ăn uống.
Bé ăn ít chất xơ.
Bé thay đổi chế độ ăn đột ngột từ sữa mẹ sang sữa công thức hoặc thức ăn đặc hơn khiến cơ thể chưa kịp thích nghi.
Bé sử dụng một số loại thuốc có tác dụng phụ gây táo bón như: thuốc ho, thuốc kháng histamin,…
Bé tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa sắt, canxi…
Bé uống không đủ nước hoặc mất quá nhiều nước (nôn, tiêu chảy, sốt)
Bé không dung nạp sữa bò.
1.1.2. Chế độ sinh hoạt
Nhịn đi đại tiện: Bé thường có thói quen này vì ham chơi hoặc vì đau khi đại tiện.
Bé ít hoạt động thể chất.
Thói quen đi tiêu thất thường khi thay đổi môi trường sống, đi du lịch,…
1.1.3. Tâm lý
Những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, căng thẳng,… đặc biệt trong thời kì tập ngồi bô cũng khiến bé gặp khó khăn trong việc đi ngoài
Rối loạn tâm lý, rối loạn tăng động, trầm cảm.
1.1.4. Di truyền
Theo nghiên cứu, khi gia đình có người mắc táo bón thì khả năng cao trẻ cũng mắc phải chứng bệnh này. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác gen nào gây nên hậu quả trên.
1.2. Táo bón thực thể
Dù hiếm gặp nhưng những chứng bệnh này khiến nhiều bé gặp khó khăn trong việc điều trị. Vì thế nó cần được chuẩn đoán và cứu chữa kịp thời để tránh những hậu quả lâu dài.
- Bệnh Hirschsprung ( hay còn gọi là bệnh phì đại tràng/bệnh vô hạch đại tràng bẩm sinh)
- Dị tật ở hậu môn, trực tràng: Hẹp hậu môn, giãn đại tràng,…
- Tắc ruột, khối u chèn ép hậu môn, trực tràng,…
- Rối loạn chuyển hóa: suy giáp, tăng canxi/kali huyết,…
- Tổn thương thần kinh: chấn thương tủy sống, u xơ thần kinh, loạn sản thần kinh,..
2. Tác động của táo bón lên sự phát triển của trẻ.
Hầu hết các triệu chứng táo bón đều không nghiêm trọng và trẻ mắc bệnh này đều phát triển bình thường. Tuy nhiên, bản thân táo bón mãn tính có thể dẫn đến tăng trưởng kém và thấp còi ở một số trẻ. Nguyên nhân là bởi khi bé không thể đi tiêu, thức ăn tích tụ trong lòng ruột sẽ khiến trẻ đầy hơi, chướng bụng. Điều này làm giảm cảm giác thèm ăn và gây chứng biếng ăn ở trẻ. Hơn nữa, chức năng hấp thu của ruột cũng sẽ bị ảnh hưởng. Suy dinh dưỡng, còi xương, trí tuệ kém phát triển sẽ là hậu quả lâu dài nếu táo bón không được điều trị triệt để.
3. Bé táo bón phải làm sao? Giải pháp tối ưu cho mẹ.
3.1. Thay đổi chế độ ăn uống:
Bổ sung chất xơ như hoa quả, rau củ, các loại ngũ cốc nguyên hạt,… vào khẩu phần ăn của bé là rất quan trọng. Tuy nhiên, điều này không áp dụng với trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ. Khi bé bước vào giai đoạn ăn dặm, thức ăn xay nhuyễn và rau củ nấu chín sẽ tốt hơn cho trẻ. Một số loại rau quả mẹ nên dùng như: chuối, rau mồng tơi, rau bina, khoai lang,…
Ngoài ra, các thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn (sữa chua, dưa cải lên men) cũng giúp bé tiêu hóa tốt hơn.
Thức ăn nhanh, đồ chiên rán nên hạn chế với trẻ nhỏ.
Hạn chế uống sữa bò có thể cải thiện tình trạng táo bón ở một số trẻ em.
Bổ sung nước: Điều này chưa cần thiết với trẻ dưới 6 tháng tuổi. Bởi lúc này, phần lớn lượng nước đã được cung cấp từ sữa mẹ. Bên cạnh đó, thận của con chưa thể xử lý được nhiều nước. Tích nước trong cơ thể khiến bé gặp phải nguy cơ hạ natri máu. Kết quả là trẻ có thể phù não và một số biến chứng nguy hiểm khác. Tuy nhiên, đối với trẻ lớn hơn, lượng nước cần tăng dần theo độ tuổi của trẻ. Khi bé biết đi, uống 2-4 cốc nước/ngày là cần thiết (tương đương 1-2l nước/ngày). Mẹ cũng có thể cho bé uống nước ép hoa quả như mận, lê, táo… bởi thành phần sorbitol có trong các loại hoa quả này có tác dụng nhuận tràng.
Loại bỏ hoặc thay thế những thuốc có nguy cơ gây táo bón cho trẻ (nếu trẻ đang phải sử dụng thuốc). Để thực hiện điều này, bố mẹ nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia.
Thay đổi chế độ ăn của mẹ cũng cải thiện tình trạng táo bón của trẻ bú sữa mẹ: mẹ nên uống đủ nước (ít nhất 2l mỗi ngày), ăn nhiều chất xơ, sữa chua, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, rượu bia,…
3.2. Tạo lối sống lành mạnh:
Hoạt động thể chất sẽ hỗ trợ tăng nhu động ruột và cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ. Đối với trẻ sơ sinh chưa thể hoạt động nhiều, massage bụng cũng mang lại lợi ích tương tự.
Thói quen đi tiêu đúng cũng luôn được khuyến khích cho bất cứ đối tượng nào. Bố mẹ nên tạo thói quen đi tiêu vào bô hoặc toilet cho trẻ vào một thời gian nhất định trong ngày. Thời điểm tốt nhất để đi đại tiện là sau bữa ăn vì sẽ tận dụng được phản xạ tăng co bóp của dạ dày và ruột. Bên cạnh đó, tư thế đi đại tiện cũng rất quan trọng, đầu gối cao hơn hông khi ngồi toilet hoặc ngồi xổm sẽ giúp trẻ đi ngoài dễ hơn. Tuy nhiên, việc ngồi quá lâu trong bồn cầu không được khuyến khích vì sẽ làm tăng nguy cơ trẻ bị trĩ sau này.
Cha mẹ nên dạy trẻ rằng nhịn đại tiện là không tốt. Phân tích tụ quá lâu trong đại tràng sẽ bị thành ruột hút nước, to, cứng và càng khiến trẻ khó đi tiêu hơn.
3.3. Tâm lý thoải mái:
Thời kì tập ngồi bô có vẻ đáng sợ với nhiều em bé. Bởi lúc này bé sẽ phải từ bỏ sự tiện lợi của tã và trải qua những căng thẳng bố mẹ tạo ra khi bị ép tập luyện. Vì thế, bố mẹ nên khuyến khích, khen ngợi trẻ thay vì quá nghiêm khắc, la mắng con khi bé chưa thể phối hợp. Thưởng cho con những món đồ chơi yêu thích sau khi đi tiêu có thể là lựa chọn hay.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên tránh việc trách phạt con khi bé làm bẩn quần lót của mình.
3.4. Điều trị bằng thuốc:
Thuốc thụt tháo phân: Thuốc có tác dụng bôi trơn đường tiêu hóa, như vậy phân sẽ dễ đào thải ra ngoài hơn. Loại thuốc này không được sử dụng duy trì vì dễ gây kích ứng cho trẻ. Ví dụ: PEG (Poly ethylene glycol), Phosphate soda enemas.
Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: có tác dụng hút nước vào lòng ruột và làm mềm phân. Ví dụ: Lactulose, Sorbitol,…
Thuốc nhuận tràng kích thích: Có tác dụng làm tăng nhu động ruột. Đây là biện pháp cứu nguy khi bé không đáp ứng với thuốc nhuận tràng thẩm thấu. Ví dụ: Bisacodyl, glycerin đặt hậu môn…
Tuy nhiên, dù là loại thuốc nào thì mẹ cũng nên cần có chỉ định và lời khuyên từ bác sĩ.
Trên đây là những phương pháp mẹ có thể áp dụng với bất kỳ thể táo bón nào, đặc biệt khi trẻ mắc phải táo bón cơ năng. Tuy nhiên, với táo bón thực thể thì việc điều trị bởi các thủ thuật y khoa là khó tránh khỏi.
Theo các chuyên gia, không có biện pháp tối ưu nhất để điều trị táo bón cho trẻ. Vì bệnh còn phụ thuộc thể trạng của con và nguyên nhân táo bón. Huấn luyện cho trẻ đi tiêu đúng cách từ khi còn nhỏ là một cách để phòng bệnh. Bên cạnh đó, việc thay đổi chế độ ăn uống, tạo lối sống lành mạnh và có thể kết hợp dùng thuốc nhuận tràng giúp cải thiện hiệu quả triệu chứng táo bón.
4. Sai lầm khi chăm sóc trẻ bị táo bón.
4.1. Lạm dụng men tiêu hóa
Táo bón không phải lúc nào cũng do nguyên nhân thiếu men tiêu hóa. Mặt khác, khi bổ sung men tiêu hóa trong thời gian dài sẽ làm giảm khả năng tiết enzym tự nhiên khiến cơ thể phụ thuộc vào enzym từ ngoài vào.
4.2. Lạm dụng biện pháp thụt rửa hậu môn
Thông thường, biện pháp này chỉ áp dụng cho trẻ trên 2 tuổi. Mặc dù vậy, sử dụng ở độ tuổi nào thì trẻ cũng dễ mắc phải các vấn đề như: chảy máu, nhiễm trùng hậu môn, mất phản xạ đại tiện,…
4.3. Sử dụng thuốc nhuận tràng sai cách
Thuốc nhuận tràng rất đa dạng và không phải loại nào cũng thích hợp với trẻ nhỏ. Vì thế, bố mẹ cần được tư vấn để có sự lựa chọn tốt nhất. Thuốc nhuận tràng thẩm thấu với tác dụng nhẹ nhàng nên được lựa chọn đầu tiên khi điều trị bằng thuốc.
Sau 1-2 tuần dùng thuốc, phân bé mềm và dễ đi tiêu hơn thì mẹ cũng không nên ngừng thuốc đột ngột. Điều trị nên được duy trì ít nhất 1 tháng đối với táo bón mãn tính để tránh tái phát.
Bên cạnh đó, việc lạm dụng thuốc nhuận tràng trong thời gian quá dài cũng làm tăng nguy cơ gây tiêu chảy ở trẻ. Nguyên nhân là từ chính tác dụng của thuốc: phân liên tục hút nước từ thành ruột hoặc tăng nhu động ruột.
Vì vậy, thời gian sử dụng thuốc sẽ phụ thuộc tình trạng của bệnh. Bố mẹ nên tham khảo lời khuyên của bác sĩ để có chế độ điều trị tốt nhất cho bé.
4.4. Cho trẻ tiêu thụ chất lỏng/chất xơ quá mức
Việc bổ sung thêm chất xơ là đúng khi trẻ bị táo bón. Tuy nhiên, việc nhồi nhét quá nhiều chất xơ sẽ chỉ khiến hệ tiêu hóa của bé quá tải. Lượng chất xơ cần nạp cho con mỗi ngày nên là 5g + tuổi của bé (tính theo năm).
Tương tự, nạp quá nhiều nước không phải lúc nào cũng cải thiện tình trạng táo bón. Tuy nhiên, khi trẻ sử dụng PEG (Poly ethylene glycol) đường uống để điều trị táo bón thì việc bổ sung nước là rất quan trọng.
4.5. Sử dụng dầu oliu để trị táo bón
Nhiều bài viết thiếu uy tín trên mạng cho rằng dầu oliu có tác dụng nhuận tràng. Để đạt được điều đó, nó phải không hoặc ít hấp thu ở niêm mạc ruột. Tất nhiên, thực tế thì ngược lại. Như vậy, dầu oliu sẽ chỉ có tác dụng khi trẻ kém hấp thu. Tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh được lợi ích trên.
4.6. Không điều trị kịp thời
Bố mẹ không nên chủ quan khi trẻ bị táo bón. Việc can thiệp bằng biện pháp thay đổi chế độ ăn, lối sống ngay từ đầu sẽ giúp trẻ đại tiện tốt hơn mà không cần sử dụng thuốc.
4.7. Chưa áp dụng các biện pháp tâm lý
Nhiều bố mẹ sốt sắng thay đổi chế độ ăn và tìm thuốc cho con uống mà không biết rằng tinh thần có thể là nguyên nhân khiến con táo bón. Tập ngồi bô là giai đoạn khiến nhiều bé bị táo bón bởi tâm lý sợ hãi, lo lắng khi đi tiêu. Như vậy, bố mẹ cần tạo tâm lý thoải mái cho bé và dạy bé rằng điều đó hoàn toàn bình thường và đáng khen ngợi.
Bên cạnh đó, các bệnh tâm lý ở trẻ cũng nên được giải quyết. Những vấn đề trên không những là lí do khiến bé khó đi tiêu mà còn ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ.
Tóm lại thói quen sống lành mạnh như ăn nhiều rau, uống nhiều nước, chăm vận động thể thao, đi vệ sinh đúng cách từ khi còn nhỏ …sẽ là biện pháp hàng đầu để ngăn ngừa táo bón. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc đúng cách cho trẻ cũng nên được bố mẹ quan tâm. Hãy điều trị táo bón sớm nhất có thể để hạn chế những ảnh hưởng đến sự phát triển của con. Hy vọng bài viết này đã giúp mẹ biết khi con bị táo bón phải làm sao.
Nếu có bất kỳ thắc mắc liên quan đến sức khoẻ xin vui lòng liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 09 6762 9482