Tiêu chảy là hiện tượng đi ngoài phân lỏng, từ 3 lần/ngày trở lên. Tình trạng này kéo dài khiến cơ thể người bệnh mất nước và mệt mỏi. Việc sử dụng thuốc tiêu chảy hợp lý giúp giảm tần suất đi ngoài, đồng thời loại bỏ triệu chứng đáng kể. Bài viết dưới đây chia sẻ top 9 thuốc tiêu chảy hiệu quả và an toàn nhất.
Mục lục
- 1. Những nguyên nhân gây tiêu chảy phổ biến
- 2. 9 thuốc tiêu chảy hiệu quả nhanh và an toàn nhất
- 2.1. Oresol – Thuốc tiêu chảy bổ sung nước và điện giải
- 2.2. Smecta – Thuốc hấp phụ và bao niêm mạc ruột
- 2.3. Attapulgite – Thuốc hấp phụ và bao niêm mạc ruột
- 2.4. Loperamid – Thuốc cầm tiêu chảy
- 2.5. Berberin – Thuốc cầm tiêu chảy từ dược liệu
- 2.6. Pepto Bismol – Thuốc ngừa tiêu chảy
- 2.7. Racecadotril – Thuốc trị tiêu chảy an toàn với trẻ em
- 2.8. Diphenoxylate – Thuốc ức chế nhu động ruột cầm tiêu chảy
- 2.9. Biseptol – Thuốc kháng sinh trị tiêu chảy
- 2. Nguyên tắc lựa chọn và sử dụng thuốc tiêu chảy
- 3. Lưu ý trong chăm sóc và điều trị tiêu chảy
1. Những nguyên nhân gây tiêu chảy phổ biến
Tiêu chảy có thể do nhiều nguyên nhân. Các nguyên nhân phổ biến là:
1.1. Do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng
Môi trường xung quanh, trong thức ăn, nước uống hàng ngày có chứa vô số vi sinh vật gây hại cho đường tiêu hóa như: E.coli, trực khuẩn Salmonella, trực khuẩn tả,… dẫn đến nguy cơ tiêu chảy cao.
1.2. Do thiếu hụt enzym tiêu hóa
Enzym tiêu hóa giúp phân cắt thức ăn thành chất dinh dưỡng để cơ thể hấp thu dễ dàng. Ở những người thiếu hụt enzym tiêu hóa, thức ăn không được tiêu hóa sẽ không được hấp thu, và thải hoàn toàn ra ngoài theo phân dẫn đến tiêu chảy.
1.3. Do chế độ dinh dưỡng không hợp lý
Chế độ ăn nhiều đạm (thịt bò, cá, tôm…), nhiều đường như các loại bánh kẹo, nhiều dầu mỡ vượt quá khả năng hấp thu của hệ tiêu hóa. Đây cũng là một nguyên nhân gây ra tiêu chảy.
1.4. Do sử dụng kháng sinh không hợp lý
Sử dụng kháng sinh vô tình tiêu diệt các lợi khuẩn đường tiêu hóa, làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột gây nên tình trạng tiêu chảy.
2. 9 thuốc tiêu chảy hiệu quả nhanh và an toàn nhất
Thuốc tiêu chảy cần có hiệu quả nhanh, vì tiêu chảy kéo dài khiến người bệnh mất nước và điện giải nghiệm trọng. Bên cạnh đó, thuốc còn cần an toàn, không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh. Top 9 thuốc đáp ứng cả hai tiêu chí trên bao gồm:
2.1. Oresol – Thuốc tiêu chảy bổ sung nước và điện giải
Khi đi ngoài nhiều lần trong ngày, lượng lớn nước và điện giải trong cơ thể sẽ ra ngoài theo phân. Đây là nguyên nhân chính gây ra trình trạng mất nước và mệt mỏi. Để khắc phục tình trạng này, người bệnh tiêu chảy cần bổ sung dung dịch bù nước và điện giải Oresol.
Thành phần: Các ion trọng yếu K+, Na+, Cl-…
Công dụng: Bù nước và điện giải cho người bệnh tiêu chảy.
Đối tượng sử dụng: Mọi lứa tuổi.
Liều dùng:
- Trẻ dưới 2 tuổi: 50-100 ml sau mỗi lần đi ngoài.
- Trẻ 2 tuổi trở lên: 100-200 ml sau mỗi lần đi ngoài
- Người lớn: 75mg/kg cân nặng.
Cách dùng: Pha Oresol bằng nước nguội và sử dụng trong vòng không quá 24h. Uống sau khi đi ngoài (hoặc nôn trớ). Nếu nôn trớ sau khi uống, người bệnh nên nghỉ 10 phút, sau đó uống chậm hơn.
Đánh giá:
- Ưu điểm: Dễ sử dụng và được dùng trong mọi trường hợp tiêu chảy.
- Nhược điểm: Không điều trị tận gốc nguyên nhân tiêu chảy.
2.2. Smecta – Thuốc hấp phụ và bao niêm mạc ruột
Smecta thuộc nhóm thuốc tiêu chảy thông qua cơ chế bảo vệ niêm mạc ruột. Thuốc gắn trực tiếp với protein niêm mạc đường tiêu hóa, ngăn các tác nhân gây tiêu chảy bám vào. Bên cạnh đó, Smecta có khả năng hấp phụ độc tố vi khuẩn, giúp cải thiện triệu chứng nhanh và hiệu quả trong trường hợp tiêu chảy nhiễm khuẩn.
Thành phần: Diosmectite – Silicat nhôm và Magnesi tự nhiên
Công dụng: Điều trị tiêu chảy cấp và mạn sau khi bù nước và điện giải mà không cải thiện.
Đối tượng sử dụng: Người lớn và trẻ em (trừ trường hợp trẻ mất nước và điện giải nặng).
Liều dùng:
- Trẻ dưới 1 tuổi: 1 gói/lần, mỗi ngày 1 lần.
- Trẻ 1-2 tuổi: 1 gói/lần, mỗi ngày 1-2 lần.
- Trẻ trên 2 tuổi: 1 gói/lần, mỗi ngày 2-3 lần.
- Người lớn: 1 gói/lần, mỗi ngày 3 lần.
Cách dùng: Pha Smecta với khoảng 20ml nước, khuấy đều trước khi uống.
Đánh giá :
- Ưu điểm: An toàn, sử dụng được cho trẻ em.
- Nhược điểm: Làm giảm hấp thu, dẫn đến giảm tác dụng của thuốc dùng kèm. Ngoài ra, thuốc không tác động đến nguyên nhân gây tiêu chảy nên không điều trị tận gốc.
2.3. Attapulgite – Thuốc hấp phụ và bao niêm mạc ruột
Thuốc Attapulgite giảm các triệu chứng của tiêu chảy thông qua cơ chế bao niêm mạc ruột tương tự Smecta.
Thành phần: Silicat nhôm và Magnesi tự nhiên
Công dụng: Điều trị tiêu chảy cấp và mạn cùng liệu pháp bù nước và điện giải.
Đối tượng sử dụng: Người lớn và trẻ em trên 6 tuổi
Liều dùng:
- Trẻ em: 1- 2 gói 3g mỗi ngày.
- Người lớn: 2-3 gói 3g mỗi ngày.
Cách dùng: Pha mỗi gói với 20-30ml nước, khuấy đều và sử dụng trước bữa ăn.
Lưu ý: Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
Đánh giá: Tương tự Smecta, thuốc làm giảm hấp thu thuốc dùng kèm nên hạn chế dùng kèm thuốc khác và có thể gây táo bón khi sử dụng.
2.4. Loperamid – Thuốc cầm tiêu chảy
Thuốc tiêu chảy Loperamid là một opioid tổng hợp, có khả năng liên kết trực tiếp với thành ruột, từ đó ức chế nhu động ruột và giảm tần suất đi ngoài. Đồng thời, thuốc làm giảm dịch tiết đường tiêu hóa, cải thiện tình trạng tiêu chảy.
Thành phần: Loperamid
Công dụng: Hỗ trợ điều trị tiêu chảy cấp và mạn tính.
Đối tượng sử dụng: Người lớn và trẻ em trên 6 tuổi.
Liều dùng:
- Trẻ 6-8 tuổi: 2mg/lần, ngày 2 lần.
- Trẻ 8-12 tuổi: 2mg/lần, ngày 3 lần.
- Người lớn: 4mg/lần, sau đó mỗi lần tiêu chảy uống 2mg.
Lưu ý khi sử dụng: Trong trường hợp tiêu chảy nhiễm khuẩn, Loperamid làm giảm nhu động ruột, tăng thời gian lưu phân. Đây là cơ hội để vi khuẩn tăng sinh, làm nặng thêm tình trạng nhiễm khuẩn ruột. Do đó, cần sử dụng thuốc này theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Đánh giá:
- Ưu điểm: Cầm tiêu chảy nhanh và hiệu quả.
- Nhược điểm: Chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng. Nếu sử dụng trong thời gian dài có thể gây táo bón, đau bụng, tắc hay liệt ruột.
2.5. Berberin – Thuốc cầm tiêu chảy từ dược liệu
Berberin là thuốc trị tiêu chảy phổ biến nhờ thành phần Alcaloid từ dược liệu, có tác dụng làm tăng trương lực ruột để giữ phân lâu hơn. Bên cạnh đó, hợp chất Berberin có khả năng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn gây viêm ruột tiêu chảy như Staphylococcus aureus, Streptocochemolytique, lỵ, thương hàn…
Thành phần: Berberin – Thành phần alcaloid trong dược liệu Vàng đắng (Coscinium fenestratum)
Công dụng:
- Điều trị tiêu chảy, viêm ruột.
- Điều trị lỵ trực khuẩn, hội chứng lỵ
Đối tượng sử dụng: Không sử dụng cho phụ nữ có thai.
Liều dùng:
- Trẻ em dưới 2 tuổi: 10-20 mg/lần, mỗi ngày 2 lần.
- Trẻ em từ 2-7 tuổi: 20-40 mg/lần, mỗi ngày 2 lần.
- Trẻ > 8 tuổi và người lớn: 50-80 mg/lần, mỗi ngày 2 lần.
Cách dùng: Uống cả viên với nước nguội.
Đánh giá:
- Ưu điểm: Thành phần từ dược liệu, an toàn và không tác dụng phụ.
- Nhược điểm: Ít được dùng cho trẻ em vì có nguy cơ gây loạn khuẩn ruột. Nếu dùng liều cao kéo dài có thể gây táo bón.
2.6. Pepto Bismol – Thuốc ngừa tiêu chảy
Pepto Bismol làm giảm lượng dịch trong phân đáng kể bằng cách kích thích hấp thu chất lỏng và chất điện giải qua niêm mạc ruột. Đồng thời, thuốc làm tăng trương lực ruột, giữ phân ở lại trong ruột lâu hơn dẫn đến giảm tần suất đi ngoài.
Thành phần: Bismuth subsalicylate
Công dụng: Giảm các triệu chứng tiêu chảy, khó tiêu.
Đối tượng sử dụng: Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi.
Liều dùng:
- Dạng siro: 30 ml/lần, 2 lần cách nhau 30 phút – 1 giờ. Không uống quá 120 ml/ngày.
- Dạng viên nén: 2 viên/giờ. Không uống quá 16 viên/ngày và không quá 2 ngày liên tiếp.
Cách dùng: Lắc đều siro trước khi uống.
Đánh giá:
- Ưu điểm: Có dạng siro phù hợp với trẻ nhỏ.
- Nhược điểm: Chỉ điều trị triệu chứng mà không điều trị dứt điểm nguyên nhân.
2.7. Racecadotril – Thuốc trị tiêu chảy an toàn với trẻ em
Racecadotril là chất ức chế Enkephalinase – một chất chống xuất tiết, từ đó làm giảm lượng dịch thoát ra từ lòng ruột. Vì vậy, Racecadotril được chỉ định trong trường hợp tiêu chảy cấp và đặc biệt an toàn với trẻ em.
Thành phần: Racecadotril
Công dụng: Điều trị tiêu chảy cấp.
Đối tượng sử dụng: Người lớn và trẻ em trên 3 tháng tuổi.
Liều dùng:
- Trẻ từ 1-3 tuổi: ½ gói 30mg, 3 lần mỗi ngày.
- Trẻ từ 3-8 tuổi: 1 gói 30mg, 3 lần mỗi ngày.
- Người lớn: 2-3 gói 30mg, 3 lần mỗi ngày. Có thể sử dụng dạng viên 100mg.
Cách dùng: Pha với 5ml nước, khuấy đều và uống ngay sau khi pha.
Lưu ý: Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
Đánh giá:
- Ưu điểm: Không qua hàng rào máu não nên không ảnh hưởng đến thần kinh, an toàn với trẻ nhỏ.
- Nhược điểm: Không điều trị nguyên nhân gây tiêu chảy.
2.8. Diphenoxylate – Thuốc ức chế nhu động ruột cầm tiêu chảy
Diphenoxylate tác động lên thành ruột, ức chế nhu động ruột kéo theo giảm tần suất đi ngoài. Các sản phẩm chứa Diphenoxylate trên thị trường thường kết hợp thêm thành phần Atropin để giảm tác dụng không mong muốn của Diphenoxylate.
Thành phần: Diphenoxylate và Atropin.
Công dụng: Điều trị tiêu chảy.
Đối tượng sử dụng: Người lớn và trẻ em trên 2 tuổi.
Liều dùng:
- Trẻ em: 2-5 ml/lần, tối đa 4 lần/ngày.
- Người lớn: 5ml/lần, tối đa 4 lần/ngày.
Cách dùng: Giảm liều khi các triệu chứng có cải thiện.
Lưu ý: Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
Đánh giá: Thuốc ít được sử dụng để điều trị tiêu chảy do có tác động lên thần kinh, quá liều có thể dẫn đến hôn mê, suy hô hấp.
2.9. Biseptol – Thuốc kháng sinh trị tiêu chảy
Trong trường hợp tiêu chảy do nhiễm khuẩn đường ruột, người bệnh cần được sử dụng thuốc kháng sinh để loại bỏ tận gốc vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, lưu ý chỉ sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Biseptol là một trong những kháng sinh được các bác sĩ chỉ định để điều trị tiêu chảy.
Thành phần: Trimethoprim và Sulfamethoxazol
Công dụng: Điều trị tiêu chảy ở người lớn gây ra bởi E.coli.
Đối tượng sử dụng: Người lớn bị tiêu chảy do E.coli
Liều dùng: 960mg (2 viên 480mg) mỗi 12 giờ. Tiếp tục sử dụng thuốc 2 ngày sau khi các triệu chứng đã hết.
Cách dùng: Uống thuốc trong hoặc sau bữa ăn. Uống với nhiều nước.
Đánh giá:
- Ưu điểm: Điều trị tận gốc nguyên nhân tiêu chảy.
- Nhược điểm: Thời gian điều trị kéo dài, có thể giảm tuân thủ điều trị.
2. Nguyên tắc lựa chọn và sử dụng thuốc tiêu chảy
2.1. Nguyên tắc lựa chọn thuốc tiêu chảy
Bên cạnh việc loại bỏ các triệu chứng, thuốc tiêu chảy có thể gây những tác dụng không mong muốn cho người bệnh. Chính vì vậy, cần lựa chọn thuốc theo những nguyên tắc sau:
Chỉ sử dụng thuốc khi cần thiết
Chỉ nên dùng thuốc khi người bệnh có biểu hiện nặng như đi ngoài nhiều lần (quá 5 lần/ngày), phân lỏng mà không cải thiện sau bù nước và điện giải bằng Oresol. Thay vào đó, người bệnh có thể tham khảo biện pháp không dùng thuốc như sử dụng men vi sinh giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột và bảo vệ hệ tiêu hóa.
Chọn thuốc phù hợp với từng đối tượng
Mỗi loại thuốc có đối tượng sử dụng khác nhau. Khi lựa chọn thuốc tiêu chảy cho trẻ em, cần thận trọng về độ tuổi cho phép để tránh vi phạm chống chỉ định của thuốc.
Chọn thuốc phù hợp với mức độ tiêu chảy
Khi mức độ tiêu chảy nhẹ (đi ngoài 3-4 lần/ngày, phân không quá lỏng) chỉ nên sử dụng các thuốc thông thường như Oresol, Smecta. Ngược lại, trong trường hợp mức độ tiêu chảy nặng, người bệnh cần tìm đến dược sĩ/ bác sĩ để được tư vấn sử dụng thuốc hợp lý.
2.2. Nguyên tắc sử dụng thuốc tiêu chảy
Để tránh gây những nguy cơ tiềm ẩn, cần lưu ý những điểm sau khi sử dụng thuốc tiêu chảy:
Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của dược sĩ/bác sĩ
Tự ý sử dụng thuốc có nguy cơ dùng sai thuốc, sai liều lượng dẫn đến không cải thiện tình trạng tiêu chảy, khiến người bệnh càng thêm mệt mỏi.
Dùng thuốc đúng liều lượng
Dùng thuốc quá liều không có tác dụng cầm tiêu chảy nhanh mà ngược lại, có thể gây ra bệnh lý khác cho người sử dụng. Do đó, cần uống thuốc theo đúng liều chỉ định của bác sĩ.
Giảm liều và ngừng thuốc khi đã cải thiện bệnh
Sau khi dùng thuốc mà đi ngoài ít hơn và phân rắn hơn, người bệnh tham khảo dược sĩ/bác sĩ để giảm liều thuốc hoặc ngừng thuốc để tránh tác dụng không mong muốn. Riêng đối với thuốc kháng sinh, cần sử dụng đủ liều lượng và đủ thời gian theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngừng dùng thuốc và thăm khám bác sĩ khi không có dấu hiệu cải thiện
Các thuốc cầm tiêu chảy nhanh và an toàn thường chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng mà không điều trị tận gốc nguyên nhân. Vì vậy, khi tiêu chảy không cải thiện, người bệnh cần thăm khám bác sĩ để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.
3. Lưu ý trong chăm sóc và điều trị tiêu chảy
Bên cạnh việc lựa chọn và sử dụng thuốc tiêu chảy hợp lý, người bệnh cần được chăm sóc và điều trị đúng cách. Do đó, để tình trạng bệnh nhanh cải thiện, cần lưu ý những điều sau:
3.1. Kết hợp sử dụng thuốc và thay đổi chế độ ăn
Người bệnh tiêu chảy kém hấp thu nên cần ăn thực phẩm ít chất xơ như bánh mì, chuối, táo… đồng thời tránh ăn thực phẩm nhiều đường khó tiêu, nhiều dầu mỡ. Có thể chia nhỏ bữa ăn để người bệnh dễ hấp thu hơn.
3.2. Bổ sung nước thường xuyên
Bên cạnh việc sử dụng Oresol, người bệnh cần uống nhiều nước để bù lượng dịch đã mất, khoảng 2-3L/ngày. Ngoài ra có thể uống nước trái cây không đường như nước ép táo, nước ép chuối… để bổ sung dinh dưỡng.
3.3. Khi có dấu hiệu nặng cần đưa người bệnh đến bác sĩ
Khi người bệnh có một trong các biểu hiện nặng (sốt, phân có máu, đau bụng), cần đưa người bệnh đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị nguyên nhân kịp thời.
Tiêu chảy là bệnh khá phổ biến, có thể điều trị tại nhà nhờ Top 9+ thuốc tiêu chảy hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên, nếu tình trạng không cải thiện hoặc ngày càng nặng, người bệnh tiêu chảy cần được đưa đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám trực tiếp.
Nếu cần được tư vấn và giải đáp thắc mắc, bạn đừng ngần ngại liên hệ HOTLINE 19009482 để được các chuyên gia sức khỏe của Imiale A+ hỗ trợ tận tình.